Thầy giáo quân hàm xanh có 1 không 2: Xóa mù chữ bằng cách “nhử” bà con hát Karaoke

09-11-2017 19:02 | Thời sự

SKĐS - “Ở những bản làng heo hút giáp biên giới Việt Lào, cuộc sống quá khó khăn, thật ra cái gì cũng thiếu. Nhưng nếu tặng cho bà con quần áo, lương thực cũng chỉ được vài ngày, cùng lắm vài tháng... Đám trẻ cần đi học đổi đời, người lớn cần biết đọc biết viết để ra ngoài giao thương buôn bán... Vận động bà con đến lớp khó khăn lắm, nhưng vận động đi hát karaoke thì lại vui vẻ tham gia ngay, mà muốn hát được karaoke thì cần phải học đọc cái chữ trước đã. Mỗi năm mình và các chiến sĩ đồn biên phòng Roòn sẽ cố gắng kêu gọi quyên góp để sắm được 2, 3 chiếc đầu Karaoke cho bà con các bản – Để làm “mồi nhử” quyến rũ bà con học chữ đấy mà”

Đó là những chia sẻ của Đại úy Trịnh Tứ Thắng (sinh năm 1976) – Hiện là chính trị viên phó Đồn biên phòng Roọn – Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình về những kế hoạch độc đáo trong việc xóa mù chữ của mình.

Viết báo, xuất bản thơ, kêu gọi từ thiện trên facbook để có tiền mua đầu karaoke xóa mù chữ

Đại úy Trịnh Tứ Thắng (sinh năm 1976) hiện là chính trị viên phó đồn biên phòng Roòn. Chia sẻ về công việc của thầy giáo quân hàm xanh xóa mù chữ cho đồng bào, Đại úy Trịnh Tứ Thắng cho biết: Đã mấy chục năm trong quân ngũ, trước đây, anh đã đi dạy xóa mù nhiều nhưng  xóa mù chữ xong, bà con lại tái mù chở lại.

“Bản ở gần với người Lào nên bà con nói tiếng Lào còn thạo hơn tiếng Việt. Vận động người lớn đến lớp khó khăn lắm, nhưng vận động đi hát karaoke thì bà con lại vui vẻ tham gia ngay. Muốn hát được karaoke thì cần phải học đọc cái chữ trước đã" – Đại úy Thắng chia sẻ.

Đại úy Trịnh Tứ Thắng trong những lần về bản dạy xóa mù chữ cho bà con

Dự định của Đại úy Thắng là sẽ cùng các anh em biên phòng Roòn mỗi năm kêu gọi quyên góp kinh phí để xây dựng đầy đủ trang thiết bị cho nhà sinh hoạt cộng đồng ở 2 hay 3 bản làng có tỷ lệ mù chữ cao. Đầu tiên sẽ là bản Chân Trôộng.

“Nhà sinh hoạt cộng đồng sẽ không cần dựng mới, chỉ cần sửa sang lại nhà sinh hoạt của bà con dân bản đã có từ trước. Mỗi nhà sinh hoạt cần 1 máy phát điện, 1 bộ dàn Kraoke, 1 màn hình ti vi, tủ sách, một bộ bàn ghế, thế là đủ. Tổng chị phí chỉ khoảng 50, 60 triệu thôi"- Đại úy Thắng cho biết.

Trong ý nghĩ của tôi, những người chiến sĩ biên cương mà nhất là thuộc thế hệ đầu 7x, bước sang tuổi tứ tuần như anh thường là người củ mỉ, “cũ kỹ” và xa rời với công nghệ. Trái ngược lại hoàn toàn, Đại úy Thắng đã sử dụng facebook từ năm 2007, cách đây hơn 10 năm, khi facebook mới được ít người Việt sử dụng, trước khi dùng Facebook, anh dùng Blog cá nhân. Anh sử dụng mạng xã hội như là một công cụ để kêu gọi từ thiện, quyên góp cho những đồng bào nghèo khó vùng biên của mình. Trang facebook của anh hiện giờ có tên là: “Ban Mai Xanh”.

Đại úy Thắng chia sẻ: “Nhiều bạn bè cứ hỏi: Sao ở đó bà con khó khăn thế mà không tặng đồ dùng, lương thực, thuốc men, quần áo? Chúng tôi chỉ biết nghẹn ngào giải thích: " Ở những nơi quá khó khăn như thế, cái gì cũng cần cả. Hàng năm, chúng tôi cũng làm nhiều chương trình tặng áo, chăn, sách vở, thuốc men, gạo... Nhưng chỉ giúp được bà con vài ngày, cùng lắm vài tháng. Đám trẻ cần học để có cơ hội thay đổi cuộc đời. Người lớn cần biết nói tiếng Việt, cần biết đọc, biết viết, biết hát".


Người dân bản vùng biên giới giáp Lào, tỷ lệ mù chữ và tái mù chữ rất cao

Về kinh phí để xây nhà cộng đồng, Đại úy Thắng cười xòa: “Chỉ toàn bạn bè xung quanh mình thôi. Đọc trên trang facebook cá nhân của Đại úy Thắng, thấy có những chia sẻ của một người bạn đồng hành thiện nguyện với anh viết:

“Tôi không phải là những người có uy tín lớn, có tiếng nói lớn trong xã hội để kêu gọi các nhà hảo tâm, các đơn vị lớn. Họ bận cho nhiều chương trình lớn tên tuổi mà truyền thông quan tâm. Anh Thắng là Bộ đội, việc nhà binh chả mấy khi rảnh. Anh tranh thủ viết báo, dựng clip để có tiền giúp đỡ cho các em nhỏ, bà con nghèo. Vì tiền lương còn phải lo cho gia đình riêng. Tôi bàn với anh in sách bán lấy kinh phí cho chương trình để lấy đó làm nền tảng kêu gọi mọi người ủng hộ. Vừa góp phần tuyên truyền, đưa hình ảnh người lính Biên phòng vừa có cơ sở xây dựng kinh phí”.



Đại úy Trịnh Tứ Thắng - thầy giáo quân hàm xanh trong những ngày về bản 

Người chiến sĩ quân hàm xanh chuyên “vác tù và”

Trò chuyện với Đại úy Thắng, ai cũng có thể cảm nhận được luôn sự nhiệt huyết, vô tư, trong sáng của anh. Mấy chục năm trong quân ngũ, làm nhiều việc cho bà con đồng bào nhưng khi hỏi về những gì đã làm được, anh lại chẳng nói gì, anh cười bảo: “Chẳng biết kể những gì bây giờ”. May thay, tôi đã tìm ra trang facebook cá nhân của Đại úy Thắng. Trên ấy, không có nhiều hình ảnh của anh nhưng hình ảnh của những người dân bản cười rạng rỡ khi được nhận bao gạo giúp đỡ, hình ảnh những cung đường hút tầng mây cheo leo hay con dốc thẳm anh qua khiến tôi phần nào hình dung được những gì anh đã làm.

“Bên vách núi, bên vực sâu nếu sẩy một nhát thôi là không thể về được với 3 thằng cu và mẹ nó rồi. Sợ kinh hồn. Cám ơn thượng đế và mọi người đã giúp đỡ trong mọi hoàn cảnh và suốt cuộc hành trình” - Đại úy Trịnh Tứ Thắng đã chia sẻ như vậy trên face book cá nhân của mình.

Đại úy Thắng vẫn được coi là “người vác tù và”. Đã hơn 6 năm nay, ngoài việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, người chiến sỹ mang quân hàm xanh ấy ngày ngày miệt mài với công việc mà nhiều người vẫn hay gọi đùa là “vác tù và”: công tác thiện nguyện.

Trăn trở khi mỗi lần về bản nhìn thấy bà con đói rét, lũ trẻ mùa đông cũng như mùa hè ở truồng  không một manh áo,  Đại úy Thắng đã đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện “Chung tay và sẻ chia” vào năm 2011 nhằm kết nối, vận động các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm trong và ngoài nước cùng chung tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trẻ mồ côi, bà con vùng sâu vùng xa... Trang facebook cá nhân của Đại úy Thắng góp phần rất lớn trong việc kêu gọi quyên góp.

Chiếc honda 67 đã cũng Đại úy Trịnh Tứ Thắng đi mọi nẻo đường vùng biên, mang lương thực, bút sách tới cho bà con dân bản

Từ tháng 3 năm 2015 đến nay được Đảng uỷ, Ban chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ khảo sát các em học sinh trên địa bàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vươn lên trong học tập để nhận đỡ đầu trong Chương trình “Nâng bước tới trường”, Đại úy Thắng đã khảo sát, tham mưu cho đơn vị nhận đỡ đầu mỗi năm 4 em học sinh, tặng quỹ học bổng mỗi tháng 500 nghìn đồng/ 1 em.

Ngoài ra trong quá trình khảo sát thấy nhiều em còn có hoàn cảnh khó khăn Đại úy Thắng đã tự nhận và đỡ đầu 6 em trích từ lương hàng tháng của bản thân, các nguồn tài trợ từ các quỹ thiện tâm để hỗ trợ mỗi tháng 300 nghìn đồng/1cháu cho đến khi học xong lớp 12; Vào dịp năm học mới mua thêm dụng cụ học tập tặng các cháu; thường xuyên buổi tối xuống tận nhà để dạy thêm cho các em, đến nay từ chỗ học lực trung bình các em đã vươn lên đạt học sinh khá, giỏi mỗi năm.

Những con đường thiện nguyện của Đại úy Trịnh Tứ Thắng qua nhiều ghềnh suối

Ban đầu, nhóm thiện nguyện “Chung tay và sẻ chia” của Đại úy Thắng cũng chỉ có anh và một vài người tâm huyết khác. Sau 6 năm hoạt động, đến nay, nhóm thiện nguyện đã có 15 thành viên “cứng” ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh và nhiều thành viên “mềm” khác.

Anh đã trực tiếp kêu gọi các nhà hảo tâm phối hợp với các đồn biên phòng Ra Mai, Trường Sơn, Cà Roòng, Cồn Roàng, Làng Mô, Lý Hòa chung tay vì biên giới ấm no với 10 chuyến hàng hóa trị giá 457 triệu đồng; kết nối, kêu gọi các doanh nghiệp xậy dựng phòng học trị giá 450 triệu đồng cho Trường tiểu học số 2 Thượng Trạch.

Đặc biệt, trong đợt lũ lụt năm 2016, anh đã kêu gọi sự góp sức của các nhà hảo tâm trên khắp mọi miền Tổ quốc giúp nhân dân gạo, mì tôm, tiền mặt, quần áo gồm 6 chuyến hàng tại các xã Phù Hóa, Quảng Phương, Cảnh Dương, Quảng Long (Quảng Trạch); Trọng Hóa (Minh Hóa); Trường Sơn (Quảng Ninh); Trung tâm phục hồi chức năng nuôi dạy trẻ khuyết tật Hiền Ninh (Quảng Ninh); xã Trung Trạch (Bố Trạch)... trị giá 680 triệu đồng.

Thấu hiểu những khó khăn của bà con làng biển sau sự cố môi trường biển, anh Thắng đã kêu gọi sự tài trợ của các nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại giáo xứ Phú Xuân (Quảng Phú) với 90 phần quà gồm cặp, sách vở, chăn ấm, miến gạo; 90 phần quà cho học sinh thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông trị giá 120 triệu đồng.

Một số hình ảnh về đời sống của đồng bào dân tộc vùng biên giới tỉnh Quảng Bình:

Cuộc sống nghèo khó của bà con vùng biên giới giáp Lào Quảng Bình

Đại úy Thắng đã tự nhận và đỡ đầu cho 6 em trích từ lương hàng tháng của bản thân, các nguồn tài trợ từ các quỹ thiện tâm để hỗ trợ mỗi tháng 300 nghìn đồng/1cháu cho đến khi học xong lớp 12.

Bản Chân Trôộng - Nơi Đại úy Trịnh Tứ Thắng dự định sẽ xây dựng nhà cộng đồng có dàn hát Karaoke để xóa mù chữ cho bà con


Niềm vui của bà con khi được nhận quà do Đại úy Trịnh Tứ Thắng quyên góp

Gia đình nhỏ của Đại úy Trịnh Tứ Thắng


Thanh Loan
Ý kiến của bạn