Hà Nội

Thầy giáo khuyết tật và biệt tài “cảm hóa” học trò

20-11-2016 09:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Là một người thầy đặc biệt khi bản thân bị khuyết tật bẩm sinh và có những thành tích dạy học đáng kể.

Là một người thầy đặc biệt khi bản thân bị khuyết tật bẩm sinh và có những thành tích dạy học đáng kể. Không chỉ dạy giỏi mà bao nhiêu năm qua thầy luôn là một giáo viên có “biệt tài” cảm hóa nhiều học sinh cá biệt. Đó là thầy Đào Thanh Hương, giáo viên Trường THCS Đa Lộc - Hậu Lộc - Thanh Hóa.

Từ chuyện vượt khó không tưởng

Tiếp chúng tôi trong một ngày oi ả, người giáo viên dù mang tật nguyền vẫn luôn thân thiện và nở nụ cười hiền trên môi. Những câu chuyện của một thời khốn khó mà anh Hương kể cho chúng tôi nghe khiến chúng tôi như đi lạc vào thế giới cổ tích. Anh Hương chia sẻ, khi mới chào đời anh đã thiếu hai bàn chân và nửa cánh tay trái. Sau này lớn lên anh mới biết bản thân kém may mắn như vậy vì di chứng chất độc da cam từ người cha từng chiến đấu ở Quảng Trị. Thời bé, gia đình đặt ở đâu thì anh ở vị trí đó. 3 tuổi, mẹ anh kề bên, tập cho anh những bước đi đầu đời và anh cứ bước đi là ngã bởi dị tật. Anh Hương chỉ đi vững khi vùng da chân tiếp xúc với mặt đất đã bị chai.

Bù lại những khuyết tật bẩm sinh, từ nhỏ anh Hương đã rất ham học. Như bao đứa trẻ khác, anh được gia đình xin vào trường làng để học chữ. Đó cũng là thời gian khốn khó nhất của anh, bởi để tới trường, anh phải trải qua những đoạn đường làng đầy sỏi đá. Nhiều lần chân anh tứa máu, đau nhức. Trước khó khăn ấy, anh quyết định tập đi xe đạp khi chuẩn bị bước vào lớp 10 bởi nhà anh cách trường huyện tới cả chục cây số. Dù chỉ có tay phải, với bao khó khăn trong việc cầm tay lái, ngồi lên yên nhưng bằng sự bền bỉ, sự động viên của bố mẹ, bao lần tóe máu và bầm dập chân tay vì ngã xe đạp, song qua từng ngày, anh đã “chinh phục” được chiếc xe đạp để tới trường.

Chăm chỉ học tập, chàng trai tên Hương sau đó thi vào Trường cao đẳng Sư phạm (nay là ĐH Hồng Đức), chuyên ngành văn học. Thật bất ngờ, anh đã đỗ vào trường với số điểm khá cao. Song, khó khăn lại ập đến bởi thời điểm đó anh bị nhà trường từ chối vì lý do khuyết tật. Đào Thanh Hương không chịu đầu hàng sự nghiệt ngã này, anh đã viết “tâm thư” gửi đến Ban giám hiệu, trình bày mong muốn được đi học và cam kết chỉ học hai năm đầu đại cương ở trường, sau đó sẽ xin liên hệ học tập nơi khác. Để rồi niềm vui vỡ òa, sau một tuần khi gửi “tâm thư”, nhà trường thông báo cho phép anh nhập học. “Tôi khi ấy rất sung sướng và đã òa khóc” - anh Hương nhớ lại. Với những nỗ lực vươn lên trong học tập, khi xong hai năm đại cương với số điểm cao nhất khoa, anh Hương đã được nhà trường cho phép học tiếp. Sau đó anh tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc và được nhận về công tác tại Trường THCS Đa Lộc - nơi mà anh đã từng vất vả tới lớp thuở nhỏ. Chuyên môn giỏi, lại gần gũi, thầy giáo Hương nhận được sự yêu mến của nhiều học trò. Đến nay, gần 20 năm công tác tại Trường THCS Đa Lộc, thầy Hương liên tục là giáo viên giỏi cấp tỉnh và trực tiếp đào tạo nhiều học trò đi thi đạt thành tích cao, đồng thời là một chuyên gia tâm lý, chỗ dựa tinh thần của nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn lẫn cá biệt.

Đến sự đồng cảm, chia sẻ với học sinh

Khi gặp thầy Hương, hẳn nhiều người sẽ ngỡ ngàng và thắc mắc vì thầy không có hai bàn chân và một bàn tay, vậy mà thầy vẫn dạy học rất tốt. Thành tích của thầy không chỉ giỏi ở lĩnh vực chuyên môn mà còn cả ở việc vận động và khuyên bảo những học sinh cá biệt. Với thầy, để có thể khuyên bảo được các em, trước hết phải bắt đầu từ tình cảm chân thành của mình. Sau đó phải tìm hiểu hoàn cảnh của từng em để biết được những nguyên nhân tác động, ảnh hưởng như thế nào đến các em. Một điều rất quan trọng nữa là phải hiểu được tâm lý, tính cách của các em để lựa lời thuyết phục. Bởi thầy nghĩ, nếu không khéo rất có thể làm cho các em thêm tổn thương và còn khiến các em càng thêm xa lánh, khó bảo. Không phải cứ áp đặt những nguyên tắc cứng nhắc mình là thầy thì bắt các em phải nghe theo.

Thầy nhớ rất rõ hoàn cảnh của từng em học sinh mà mình đã bảo ban, khuyên nhủ. Chẳng hạn như trường hợp của em Trần Ngọc Chiến, một học sinh luôn tỏ ra bất mãn, học hành thất thường, sa sút. Không những thường xuyên bỏ học không lý do mà em còn hay gây sự với bạn bè. Em luôn tìm cách gây sự chú ý của mọi người bằng những hành động bất thường, tiêu cực. Sau những biểu hiện của Chiến, thầy Hương cũng lấy làm lạ. Rồi thầy đi tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình em thì được biết do Chiến có mẹ kế, mâu thuẫn trong gia đình thường xuyên xảy ra nên em hay tỏ ra bất cần.

Khi đã hiểu rõ được hoàn cảnh của Chiến, thầy gặp và nhẹ nhàng nói chuyện, tâm sự, khuyên bảo để em hiểu ra vấn đề. Thầy Hương biết Chiến học giỏi hóa nên luôn động viên, khuyến khích. Qua mấy năm được thầy dìu dắt, Chiến đã thay đổi và trở thành học sinh giỏi. Ngay khi lên lớp 10, em đi thi học sinh giỏi hóa với các anh chị lớp trên và đã đoạt giải. Lên lớp 11, Chiến còn giành giải cao ở cả 3 môn toán, lý, hóa khi đi thi với các anh chị lớp 12.

Một trường hợp nữa mà thầy Hương rất nhớ đó là em Nguyễn Ngọc Nam. Do bố Nam là một người nghiện, nên khi mất, có nhiều lời đồn đoán rằng bố em bị chết vì AIDS. Điều này khiến em rất mặc cảm, tự ti. Thế nhưng, dường như em lại muốn giấu đi sự mặc cảm ấy bằng việc quậy phá, gây sự, bỏ học.

Biết Nam có hoàn cảnh éo le, thầy Hương lại khéo léo gần gũi. Vì Nam là con út, lại là con trai duy nhất nên bình thường được các chị gái chiều chuộng. Hiểu được điều đó, thầy lại càng phải tìm cách làm sao để em không ngại với mình. Thay vì chỉ tập trung nói chuyện, khuyên bảo, thầy giao cho em làm những công việc, những hoạt động cùng bạn bè, khuyến khích em tham gia các hoạt động thể dục thể thao. Thầy đã phát hiện và khơi dậy những ưu điểm của Nam là có năng khiếu thể dục thể thao và rất thích tham gia các hoạt động xã hội. Trong quá trình đó, Nam đã không còn mặc cảm và tự ti với hoàn cảnh gia đình mình nữa. Đến nay, em đã trở thành một học sinh rất sôi nổi trong các phong trào đoàn, đội.

Đó là một vài trường hợp điển hình của những học sinh cá biệt có hoàn cảnh khó khăn. Còn với những trường hợp cá biệt mà có hoàn cảnh gia đình khá giả, thầy lại phải có những biện pháp khác. Thầy đã gặp rất nhiều học sinh như thế bởi theo thầy, những học sinh này thường có xu thế ăn chơi đua đòi. Vì gia đình khá giả, không phải lo nghĩ về kinh tế, các em cũng không có nhiều sự quan tâm của gia đình, nên các em hay tìm cách chơi bời mà gia đình không biết. Ví như trường hợp của em Đào Văn Hải cách nay 3 năm, có bố mẹ buôn bán thủy hải sản rất phát đạt. Cậy thế gia đình giàu có, Hải luôn ăn chơi đua đòi và thường mua đồ chơi bạo lực về trường nghịch ngợm.

Để dạy dỗ, khuyên nhủ Hải, thầy Hương lại phải đưa chính tấm gương bản thân mình ra để cho Hải hiểu rằng, một người khuyết tật như thầy, nếu sống tốt thì sẽ được mọi người tôn trọng. Nghe lời thầy, Hải đã trở thành học sinh chăm ngoan và còn tích cực học thêm nghề chụp ảnh.

Còn rất nhiều học sinh cá biệt cũng có hoàn cảnh khác nhau như em Nguyễn Thị Hiền, em Vũ Thành Luân, em Nguyễn Mạnh Hùng... mà thầy vẫn còn nhớ rất rõ về hoàn cảnh và những cá tính “cá biệt” của từng em. Sau khi được thầy Hương tận tình khuyên bảo, giúp đỡ cũng đã tiến bộ trong học tập. Cho đến nay, thầy Hương không nhớ nổi mình đã khuyên bảo được bao nhiêu em học sinh cá biệt. Giúp được nhiều học sinh cá biệt, khó khăn biết sửa chữa và vươn lên thành người tốt, có ích cho xã hội, đó là niềm hạnh phúc lớn lao đối với thầy Đào Thanh Hương.

 Bài, ảnh: Hoa Quỳnh - Đức Hiển

 

 


Ý kiến của bạn