Thấy gì từ Lễ hội đèn lồng Việt - Hàn?

19-12-2016 09:36 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lần đầu tiên ở nước ta, Lễ hội đèn lồng khổng lồ Việt Nam - Hàn Quốc 2016 được tổ chức tại Hà Nội (gần công viên Yên Sở), đến hết 22/1/2017.

Lần đầu tiên ở nước ta, Lễ hội đèn lồng khổng lồ Việt Nam - Hàn Quốc 2016 được tổ chức tại Hà Nội (gần công viên Yên Sở), đến hết 22/1/2017. Giới thiệu những giá trị văn hóa, kết nối tình hữu nghị Việt - Hàn thông qua những chiếc đèn lồng đậm chất nghệ thuật, những ngày qua, lễ hội này thu hút một lượng lớn người dân tham dự, trở thành một địa chỉ văn hóa đặc sắc, mới lạ... Nhưng lễ hội cũng có một số nốt lạc nhịp,...

Rộn ràng màu sắc văn hóa

Trong những ngày gần đây, có mặt tại sự kiện đèn lồng lớn nhất tại nước ta từ trước đến nay đang diễn ra ở Thủ đô. Rất đông người dân đến với Lễ hội đèn lồng khổng lồ Việt Nam - Hàn Quốc 2016, đặc biệt là các bạn trẻ. Cầm trên tay những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng..., hầu hết các bạn trẻ đều “tự sướng” một bức ảnh với nền là những chiếc đèn lồng được thiết kế tỉ mỉ, công phu và thật sự hoành tráng.

Thấy gì từ Lễ hội đèn lồng Việt - Hàn?

Lễ hội này thu hút công chúng đến thưởng ngoạn có lẽ vì chiếc đèn lồng được thiết kế và trang trí với nhiều hình mẫu đèn lồng cao và dài từ 10-30m. Trước khi vào chiêm ngưỡng những chiếc đèn lồng đầy màu sắc, khổng lồ chưa từng có, công chúng đã thấy cổng chào là một trong những cổng thành của Hoàng thành Thăng Long vững vàng, cổ kính. Điểm nhấn của lễ hội này còn được thể hiện khi Ban Tổ chức mở ra những khu vực với các chủ đề cụ thể như: Hòa bình, Tình yêu, Hy vọng, Giao lưu văn hóa Việt - Hàn và khu vực dành cho trẻ em. Mỗi chủ đề mang trên mình tên gọi khác nhau và những chiếc đèn lồng đều có câu chuyện kể riêng. Chẳng hạn khu vực Hòa bình nhấn mạnh thông điệp về tầm quan trọng và giá trị của sự hòa bình mà con người cần gìn giữ thông qua những mô hình đèn lồng mô phỏng các kiến trúc danh lam thắng cảnh nổi tiếng và đặc trưng của đất nước Việt Nam - Hàn Quốc và các nước khác.

Trong khi đó, khu vực Tình yêu giới thiệu đến người xem khung cảnh thơ mộng và lãng mạn, được tô điểm bởi những chiếc đèn lồng hình trái tim, với màu đỏ có kích thước khổng lồ, như tỏa ra những hơi ấm, tình cảm nồng nàn của những trái tim yêu. Đối với khu vực Hy vọng, người xem lại được thưởng lãm những chiếc đèn lồng được thiết kế với hình ảnh của các ngôi sao Hàn Quốc nhằm truyền tải các thông điệp về văn hóa Hàn Quốc và Thông tin Thế vận hội Mùa đông tại Hàn Quốc 2018.

Phục vụ tất cả các đối tượng và độ tuổi, lễ hội đèn lồng có cả không gian dành cho các em nhỏ với những chiếc đèn lồng về các nhân vật hoạt hình như Doremon, thú Pikachu, các đèn lồng hình thù những con vật như: thỏ, hươu, nai, sóc... đầy cuốn hút. Đặc biệt, khu vực giao lưu văn hóa Việt Hàn cho mọi người hiểu hơn về những nét đặc trưng riêng biệt và sự giao thoa của hai nền văn hóa Việt Hàn với những trang phục truyền thống như áo dài, nón lá Việt Nam hoặc Hanbok của Hàn Quốc.

Song song việc thưởng thức những chiếc đèn lồng lung linh sắc màu, Ban Tổ chức còn thiết kế một sân khấu lớn để các nghệ sĩ đến từ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc trình diễn nghệ thuật như âm nhạc truyền thống, xiếc, cuộc thi nhảy cover... Chính vì những yếu tố này đã tạo thành điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách. Bạn trẻ Phương Anh - một sinh viên đang theo học tại Hà Nội đến với lễ hội đèn lồng chia sẻ: “Em chưa từng thấy những chiếc đèn lồng lớn, mang nhiều màu sắc và thể hiện được nhiều nét đẹp văn hóa như tại lễ hội này. Tháp Eiffel của Pháp, cổng Hoàng Thành, Văn Miếu Quốc Tử Giám của Việt Nam, tháp nghiêng Pisa của Ý, những đèn lồng trái tim, khu vườn... đều được làm và thắp sáng rất đặc sắc. Đây đúng là một không gian văn hóa mà bất cứ ai cũng muốn tới”.

Nhưng cũng có nốt lạc nhịp

Qua quan sát thực tế, lễ hội đèn lồng thường đông người đến thưởng lãm vào buổi tối, vì thời điểm này ánh sáng được thắp lên bên trong những chiếc đèn sẽ tạo ra hiệu ứng bắt mắt hơn. Điều đáng nói ở đây chính là các đèn lồng đều được thắp sáng bằng bóng điện, dù Ban Tổ chức đã giăng dây ngăn cách đèn lồng với du khách, đồng thời có bảo vệ túc trực ở các khu vực nhằm không để du khách vào trong “sờ vào hiện vật”, nhưng nhiều người vẫn thiếu ý thức chui vào trong khu vực cấm, khu vực  cảnh báo để chụp ảnh.

Trong khi đó, đáng chú ý nhất là vấn đề trông giữ phương tiện của du khách. Dù Ban Tổ chức có khu vực trông xe rộng rãi, nhưng ngay từ đầu đường, không hiểu vì đâu nhiều bãi trông giữ xe tự phát đã “mọc” lên và rất nhiều người đứng giữa đường “vợt” các phương tiện vào các bãi gửi xe này. Thậm chí, có lúc PV nghe thành viên Ban Tổ chức phát loa đề nghị các phương tiện đi vào khu gửi xe mà Ban Tổ chức bố trí, một số thanh niên ở bãi giữ xe tự phát còn lại phân bua: “Anh ơi, em xin anh nói bé thôi, để em còn kiếm chút!”.

Bên cạnh đó, hai bên đường lối vào khu vực mua vé của lễ hội, nhiều quán bán đồ lưu niệm, đồ chơi trẻ em, trò chơi có thưởng, đồ ăn vặt... được sắp xếp (hoặc tự phát) rất lộn xộn, kì kèo du khách mua đồ trông khá nhếch nhách và thiếu văn minh.


Bài và ảnh: Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn