Các loại thuốc an thần theo quy định phải được bán theo đơn và sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Thuốc sẽ rất nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng nếu sử dụng không đúng cách, sai liều… Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số đối tượng đã bất chấp pháp luật, buôn bán kinh doanh một loại thuốc an thần được các đối tượng sử dụng ma túy rất chuộng dùng để “giải” tác dụng của ma túy sau khi “bay”.
Xử lý kịch khung - Vẫn nhẹ
Mới đây, Đội Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm về ma túy (CSĐT) Công an quận Long Biên, Hà Nội đã phát hiện một phụ nữ thường xuất hiện ở địa bàn, lén lút tiếp xúc với những đối tượng nghiện ma túy đang trong diện quản lý. Sau nhiều ngày bám sát di biến động của đối tượng, tổ công tác Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Long Biên phối hợp cùng Công an phường Bồ Đề đã chặn bắt quả tang khi đối tượng nữ mang theo 500 vỉ thuốc màu đỏ - trắng, mỗi vỉ chứa 10 viên nén có in chữ nước ngoài. Tại cơ quan công an, đối tượng này khai nhận đó là thuốc an thần đang mang đi giao bán cho khách thì bị lực lượng chức năng bắt giữ.
Nguyễn Thị Thanh cùng tang vật tại cơ quan công an.
Nhân thân đối tượng nhanh chóng được xác định là Nguyễn Thị Thanh (SN 1984), trú tại xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tuy chưa có tiền án, tiền sự nhưng Thanh là vợ của một trùm ma túy mới bị bắt và đang thụ án tù. Khám xét nơi ở của Thanh, cơ quan công an thu giữ thêm 1.000 vỉ thuốc như trên, nâng tổng số thuốc an thần lên 15.000 viên với trọng lượng gần 3kg. Qua đấu tranh, Nguyễn Thị Thanh khai nhận, số thuốc trên đối tượng mua của một đầu mối trong TP. Hồ Chí Minh với giá 17.000 đồng/viên. Thanh đã trả trước 100 triệu đồng, số tiền còn lại sẽ thanh toán sau khi bán hết hàng.
Tại cơ quan công an, theo khai nhận của Thanh, loại thuốc an thần được mua trôi nổi từ nước ngoài, vốn được các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp rất chuộng, sử dụng để “giải” tác dụng của ma túy sau khi “bay”. Cũng theo Thanh, giá bán cho các đối tượng sử dụng là 35.000 đồng/viên, quá trình mang thuốc đi giao dịch, Thanh đã bị lực lượng công an bắt quả tang. Trong khi đó, ở nước ta, theo quy định, các loại thuốc an thần được quản lý rất chặt, chỉ mua theo đơn và dùng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đại tá Đỗ Văn Tiêu - Phó trưởng Công an quận Long Biên cho biết, việc bắt quả tang số lượng lớn thuốc an thần nói trên cho thấy, các đối tượng nghiện ma túy đang chuyển sang một hình thức sử dụng ma túy mới. Tuy nhiên, chế tài để xử lý việc vận chuyển, kinh doanh và sử dụng thuốc này còn gặp nhiều khó khăn, chưa có điều khoản quy định cụ thể để xử lý. Hiện mới chỉ dừng lại ở mức xử lý vi phạm hành chính nên các cơ quan chức năng sẽ rất khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động này.
Thuốc an thần trôi nổi, nguy hiểm không kém ma túy
Trao đổi với ThS.BS. Đinh Hữu Uân - Phó Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: Trên thị trường, thuốc an thần có rất nhiều loại, thuốc an thần có tác dụng an thần nếu dùng liều thấp, tức làm giảm sự đáp ứng với kích thích ngoại cảnh đưa đến giảm lo lắng, bồn chồn, bất an; gây ngủ nếu dùng liều cao hơn, tức khởi phát và duy trì giấc ngủ khi bị mất ngủ. Thông thường, người ta hay dùng thuốc an thần để trị mất ngủ. Cùng là thuốc an thần loại nhẹ, nhưng nếu dùng liều thấp thì đạt được tác dụng an thần, liều cao hơn đạt được tác dụng chống co giật, liều cao hơn nữa thì đạt được tác dụng gây mê. Vượt qua liều này thì chạm ngưỡng tử vong.
Tuy nhiên, theo ThS.BS Đinh Hữu Uân, thuốc an thần có thể gây ra các tác dụng phụ như: lú lẫn, ảnh hưởng đến trí nhớ, nhận thức, làm thay đổi thái độ, hành vi, thậm chí là tự tử… Nhưng nguy hại nhất là gây nghiện giống như ma túy. Cần đặc biệt lưu ý, thuốc an thần gây ngủ là thuốc hướng thần cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua dùng vì sẽ rất nguy hiểm. Đặc biệt, một nguyên tắc của thuốc an thần là không được dùng kéo dài. Nếu như dùng kéo dài sẽ gây lệ thuộc thuốc. Do vậy, thời gian dùng thuốc chỉ dưới 1 tuần.
Còn theo luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc Văn phòng luật sư Phạm Danh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Chất gây nghiện, chất hướng thần là chất ma túy; còn thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là để chữa bệnh (chỉ chứa một hàm lượng nhất định chất ma túy) và được quản lý theo quy chế quản lý dược phẩm của Bộ Y tế. Người nào không thuộc đối tượng quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự mà vi phạm trong việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần nhằm mục đích kinh doanh thuốc chữa bệnh hoặc để chữa bệnh thì sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một tội phạm tương ứng khác không phải là tội phạm về ma túy (ví dụ: tội kinh doanh trái phép, tội buôn lậu…). Trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái phép nhằm thỏa mãn nhu cầu về sử dụng trái phép chất ma túy cho mình hoặc cho người khác thì bị xử lý về tội phạm ma túy tương ứng (nếu thỏa mãn điều kiện về trọng lượng chất ma túy theo quy định của pháp luật).
Theo Thông tư số 19/2014/TT-BYT ban hành ngày 2/6/2014 của Bộ Y tế quy định về quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất dùng làm thuốc, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, mua, bán, bảo quản, giao nhận, vận chuyển, hủy thuốc… phải bảo đảm an toàn, tuyệt đối không được để thất thoát; từng công đoạn phải có bàn giao bằng sổ sách, có ký xác nhận nhằm xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân trong mỗi công đoạn. Vì vậy, việc vận chuyển mua bán kinh doanh không có đơn của bác sĩ là vi phạm pháp luật.
Trần Lâm - Hữu Thạo