Thấy gì sau nghề chăm người bệnh?

27-05-2016 10:15 | Xã hội
google news

SKĐS - Tại nhiều thành phố lớn, do công việc bận rộn nên không có nhiều thời gian chăm sóc người nhà bị bệnh, nhất là những người bị bệnh nặng, người cao tuổi phải nằm viện điều trị nội trú lâu dài. Do đó, người làm nghề chăm người bệnh trở thành cứu cánh cho họ. Tuy nhiên, những người chăm sóc bệnh nhân không được đào tạo chuyên môn, chỉ chăm bệnh nhân theo thói quen, học lỏm các điều dưỡng có thể nguy hiểm cho người bệnh…

Những “điều dưỡng” không chuyên

Vào các bệnh viện ở Hà Nội như BV Bạch Mai, BV Lão khoa, BV Bệnh Nhiệt Đới, BV 198… không khó để bắt gặp những người làm công việc chăm người bệnh do gia đình người bệnh thuê. Là nghề mới tự phát khoảng hơn chục năm trở lại đây nhưng do nhu cầu cao mà nghề chăm người bệnh phát triển nhanh chóng, ở các bệnh viện lớn đều có một vài tốp khoảng vài chục người làm công việc này. Tuy vất vả nhưng do thu nhập mang lại cao hơn so với nhiều nghề lao động chân tay khác mà nó trở thành công việc kiếm sống chính của nhiều người… Thậm chí có gia đình cả 2 vợ chồng đã gắn bó với công việc này hơn 14 năm.  Ngoài việc chăm sóc về vệ sinh, ăn uống họ còn biết các chỉ số đo huyết áp khi nào cao khi nào thấp, nhịp tim thế nào, cho bệnh nhân ăn bơm xông, hút đờm, đo nhiệt độ bệnh nhân ở mức nào thì chườm khăn, khi nào thì cần gọi bác sĩ. Những người giúp việc còn trò chuyện, sẻ chia giúp người bệnh vui vẻ, bớt cô đơn hơn khi mà con cháu họ bận bịu không có thời gian chăm sóc, thăm nom thường xuyên… Tất cả đều làm việc theo thói quen, lúc đầu còn lóng ngóng nhưng lâu dần cũng quen việc.

Chị Trần Thị Gấm (Hưng Hà, Thái Bình) cho biết đã chị gắn bó với nghề này hơn chục năm, hiện tại thu nhập một tháng của chị là 9-10 triệu, tháng nào chị nhận chăm sóc thêm các ca phụ (ngày 2 lần lau rửa, thay ga gối cho người bệnh) thu nhập có thể lên 12 triệu/tháng.

Anh Trần Đình Phong (Thanh Xuân - Hà Nội) người nhà một bệnh nhân cho biết: Nếu không có người chăm bệnh thì gia đình cũng không biết xoay xở sao, cả hai vợ chồng anh đều làm cho công ty nước ngoài nên công việc bận rộn không bên cạnh chăm sóc mẹ thường xuyên được. Mọi sinh hoạt hàng ngày của cụ đều do người giúp việc làm, được cái người chăm bệnh nhà anh thuê rất nhanh nhẹn, sạch sẽ làm việc rất thành thạo. Mẹ anh tuy khó tính nhưng mỗi lần vào thăm đều khen ngợi nên anh chị cũng yên tâm. Tuy vậy, anh cũng cho biết thêm không phải người chăm bệnh nào cũng gặp được gia đình tốt, như bệnh nhân cùng phòng với mẹ anh, lần nào vào thăm cũng thấy bà ấy nói xấu, dùng lời thô tục miệt thị người giúp việc.

Nghề chăm sóc người bệnh cần được đào tạo chuyên môn.

Và khi không có chuyên môn, chưa được bảo vệ

Không thể phủ nhận vai trò của người chăm bệnh đối với việc chăm sóc cho bệnh nhân. Tuy nhiên, người chăm bệnh khi không có chuyên môn cũng dễ dẫn đến các nguy cơ cho người bệnh. Hiện tại có nhiều trung tâm đào tạo việc làm, nhưng chủ yếu đào tạo đào về giúp việc gia đình mà chưa có trung tâm nào được xây dựng để đào tạo, cấp chứng chỉ cho nghề chăm người bệnh. Theo một điều dưỡng tại Bệnh viện 198: Nếu người chăm bệnh không tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, nhất là với bệnh nhân mắc các bệnh lây nhiễm, một số người chăm bệnh cho người bệnh ăn tùy tiện không đúng chế độ dinh dưỡng của bệnh viện, cho bệnh nhân uống thuốc do người nhà mang từ bên ngoài vào mà không phải thuốc do bệnh viện cấp sẽ gây ảnh hưởng cho công tác điều trị. Trường hợp người chăm bệnh tự ý hút đờm cho người bệnh mà không có sự cho phép của bác sĩ cũng khá nguy hiểm.

Làm nghề chăm bệnh thì 24/24 giờ đều gắn liền với bệnh viện, nên mọi hoạt động ăn uống, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân đều diễn ra trong viện. Thậm chí những ngày không có việc, những người làm nghề chăm người bệnh thường ngủ nghỉ ngay tại các khuôn viên hoặc hành lang bệnh viện để chờ người thuê. Hơn ai hết, họ là những người hàng ngày phải tiếp xúc với môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao, do đó những người làm nghề này cần phải được bảo vệ khi có sự cố xảy ra với chính cơ thể họ.

Là nghề có thu nhập khá tốt nhưng phát triển tự phát không được quản lý và cũng không có cơ quan bảo vệ, không được ký hợp đồng chăm sóc. Do đó, khi xảy ra bất trắc người giúp việc khó được bảo vệ quyền lợi. Thiết nghĩ, với nhu cầu hiện nay, những người nhận chăm sóc bệnh nhân cần được đào tạo và quản lý cũng như cung cấp dịch vụ một cách hợp pháp hơn để giúp họ có kiến thức cơ bản về nghề, biết tự bảo vệ bản thân cũng như chăm sóc bệnh nhân.


Ngọc Anh
Ý kiến của bạn