Ba tháng, 5 vụ án mạng vì mâu thuẫn tình cảm
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Ninh đang tạm giữ hình sự đối với Phan Thanh Hoàng (SN 2003, quê ở xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) để điều tra hành vi giết người.
Hoàng là nghi phạm sát hại chị Nguyễn Thị B (SN 2003, trú ở TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, bạn gái cũ của Hoàng) và đâm trọng thương anh Hoàng Xuân Duy (quê ở huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ, người yêu mới của chị B).
Cũng trong ngày 24/10, do mâu thuẫn tình cảm, nghi phạm T.H.H. (37 tuổi, trú thôn Vân Tra, xã An Đồng, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) đã nổ súng sát hại chị L.T.L.D. (SN 1993, có một con chung với H.) sau đó bỏ trốn khỏi địa phương.
Trước đó, tối 10/10, Phan Trung Hòa (SN 1996, trú quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) dùng dao đâm bạn gái là chị L.T.N (SN 1996, quê tỉnh Sơn La) khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau đó, đối tượng dùng dao tự tử bất thành và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cấp cứu, điều trị vết thương vùng bụng, cổ.
Trước nữa, vào ngày 11/8, một người phụ nữ bị sát hại ngay trên phố Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) khiến nhiều người bàng hoàng. Nghi phạm Mai Xuân Thái (40 tuổi, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng) được xác định gây án vì ghen tuông do có quan hệ tình cảm với nạn nhân trước đó.
Cũng trong tháng 8/2022, chị N.T.T (43 tuổi, trú tại xã Trung Hà, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) khi đang gội đầu cho khách ở quán của mình thì bị người tình dùng dao đâm gục.
Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng nên nạn nhân không qua khỏi. Quá trình điều tra công an xác định, nạn nhân và nghi phạm sống với nhau như vợ chồng, gần đây đã xảy ra mâu thuẫn vì ghen tuông dẫn đến vụ án mạng.
Tựu chung các vụ án đều xuất phát từ tình cảm yêu đương mù quáng đã khiến các hung thủ ra tay tàn độc, theo kiểu "không ăn được thì đạp đổ". Hậu quả để lại rất nặng nề, người chết kẻ vướng vòng tù tội.
Cần ứng xử văn minh trong tình yêu và cuộc sống
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bức xúc khi chứng kiến liên tiếp các vụ bạo hành, giết người dã man để giải quyết mâu thuẫn tình cảm xảy ra trong thời gian qua. Hung thủ và nạn nhân bao gồm cả những người ở tuổi vị thành niên và những người đã có gia đình.
"Những vụ án mạng thương tâm xảy ra thời gian qua do ghen tuông, mâu thuẫn tình cảm là nỗi nhức nhối của xã hội, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Đã đến lúc cần có những đánh giá lại về vi phạm trật tự, đạo đức xã hội, chúng ta cũng cần nhìn lại công tác giáo dục của các tổ chức, đoàn thể để kịp thời ngăn chặn tình trạng này", ông Hoà nói.
Cùng trao đổi về nội dung này, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, phải đánh giá khách quan rằng, hiện nay đại đa số người trẻ có cách ứng xử văn minh trong tình yêu và cuộc sống, song cũng vẫn có những hiện tượng cá biệt dùng bạo lực, thậm chí sẵn sàng sát hại người yêu khi xảy ra mâu thuẫn tình cảm. Mỗi sự việc đều có nguyên nhân khác nhau, song có thể những đối tượng thực hiện các hành vi này đều có những bất thường về mặt tâm lý, khi có những xung đột được đẩy lên đến đỉnh điểm, thì mất khả năng kiểm soát và dẫn đến những hành vi bạo lực dã man thậm chí là giết người.
Theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, trong những vụ án xảy ra thời gian gần đây, dù chứng kiến hành vi bạo lực, giết người dã man song nhiều người vẫn thờ ơ, quay clip, chụp ảnh đăng tải lên mạng xã hội là hết sức vô cảm. Hành động này cũng xuất phát từ chính tâm lý "vô can, né tránh" hoặc sợ hãi khi thấy đối tượng sử dụng hung khí, sợ bản thân gặp phải rủi ro nếu can thiệp.
"Thực sự đây là điều rất đáng buồn, giá như có sự can thiệp sớm hơn, có lẽ vụ việc đã không thương tâm đến vậy và cũng giảm được sự kích động về mặt tinh thần của đối tượng, hoặc ít ra nạn nhân sẽ không cảm thấy mình quá cô đơn đến tuyệt vọng khi trong hoàn cảnh nguy hiểm và không nhận được sự can thiệp, giúp đỡ", đại biểu Đỗ Chí Nghĩa chia sẻ.
Các chuyên gia tâm lý khác cũng bày tỏ sự bất an vì xã hội ngày càng vô cảm. Ngay trong lúc hung thủ giết người dã man thì nhiều người tụ tập đứng xem, thậm chí quay clip để đưa lên mạng câu like và comment mà không có động thái hỗ trợ hay gọi lực lượng chức năng đến giải cứu. Và trong cả ngàn bình luận trên mạng xã hội, có rất nhiều bình phẩm vô cảm, phản cảm, thậm chí vô văn hóa về nạn nhân và vụ việc.
Để hạn chế những vụ việc đáng tiếc xảy ra như thời gian vừa qua, giới chuyên gia cho rằng, giới trẻ cần hướng đến yêu và sống tích cực hơn. Mỗi người phải học cách tự điều chỉnh hành vi của chính mình để vượt qua những áp lực. Tình yêu chỉ mang điều thiện, sự tốt lành chứ không dung chứa cái ác, thói xấu xa. Hành vi cướp đi sinh mạng hoặc gây thương tích cho người khác bất cứ vì lý do gì cũng sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm minh.
Xem thêm video:
Hiện trường vụ án mạng ở Bắc Ninh khiến 2 thương vong