Thấy gì qua vụ mua bán hóa đơn, chiếm đoạt 140 tỷ đồng?

25-05-2015 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Hàng loạt các vụ án lớn vừa được các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ, trong đó nổi lên là vụ án một số đối tượng lập công ty “ma”...

Hàng loạt các vụ án lớn vừa được các đơn vị chức năng phát hiện, bắt giữ, trong đó nổi lên là vụ án một số đối tượng lập công ty “ma”, mua bán hóa đơn trái phép, chiếm đoạt tài sản, liên quan đến khoảng 140 tỷ đồng tiền của Nhà nước.

5 năm, chiếm đoạt 140 tỷ,...

Liên quan đến vụ mua bán hóa đơn trái phép, chiếm đoạt 140 tỷ đồng, Phòng Cảnh sát kinh tế quản lý và chức vụ Công an TP. Hà Nội vừa điều tra làm rõ đối tượng Lê Văn La sinh năm 1963, thường trú Kim Mã Thượng, Ba Đình, Hà Nội, nhân viên kinh doanh Phòng Xuất nhập khẩu Công ty cổ phần Công nghiệp Mỏ Việt Bắc (trước đây là Chi nhánh Tổng Công ty cổ phần Mỏ Việt Bắc) cùng đồng bọn thành lập doanh nghiệp “ma” chiếm đoạt tiền của Nhà nước.

2 đối tượng mua bán hóa đơn vừa bị bắt là Lê Văn La và Nguyễn Thị Dậu.

La có nhiệm vụ lập phương án kinh doanh mua bán các vật tư, thiết bị thay thế cho máy móc, phương tiện đang sử dụng bị hư hỏng của các công ty khai thác than tại Quảng Ninh. Tuy nhiên, La không thực hiện đúng chức trách được giao mà lại mua các vật tư thiết bị trôi nổi trên thị trường. Để hợp thức các vật tư, thiết bị này, từ năm 2010 đến nay, Lê Văn La thông đồng với Nguyễn Thị Dậu trú trại lô 34, Đầm Hồng, Thanh Xuân, Hà Nội thành lập doanh nghiệp bán hóa đơn giá trị gia tăng cho La nhằm hợp thức đầu vào cho những máy móc trôi nổi trên thị trường thành máy móc mua mới 100% nhập khẩu từ các nước Nhật Bản, Mỹ, Đức... La cung cấp các thông tin về số lượng hàng hóa, giá cả để Dậu viết vào các hóa đơn giá trị gia tăng cung cấp cho La. Sau đó, La chuyển tiền vào tài khoản của các công ty “ma” do Dậu thành lập. Dậu ra ngân hàng rút tiền, giữ lại cho bản thân 10% giá trị hàng hóa ghi trên hóa đơn, 90% còn lại chuyển vào tài khoản cho La. Từ 2010 đến 2014, La đã chuyển cho Dậu tổng số khoảng 140 tỷ đồng.

Cơ quan cảnh sát điều tra bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của Nguyễn Thị Dậu, Lê Văn La, thu giữ 5 con dấu của 5 doanh nghiệp ma gồm Công ty 232, Công ty 279, Công ty Nguyễn Đại, Công ty Lâm Nguyễn và Công ty Lợi Xuyên cùng nhiều tang vật khác có liên quan. Hiện Cơ quan điều tra Công an TP. Hà Nội đã thực hiện bắt khẩn cấp đối với Lê Văn La, Nguyễn Thị Dậu và điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm các đối tượng theo quy định của pháp luật.

“Gặm nhấm ngân sách Nhà nước”

Sau một thời gian “án binh”, gần đây vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng (hóa đơn đỏ) đã xuất hiện và gia tăng trở lại ở nhiều địa phương. Không khó để có thể mua một tờ hóa đơn, khi mặt hàng này được rao bán nhan nhản, kể cả trên mạng internet...

Đây là hệ lụy lợi dụng việc thành lập doanh nghiệp (DN) quá dễ như hiện nay, không ít đối tượng đã lập ra các công ty “ma”, chuyên mua đi bán lại hóa đơn, nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng rồi... rút êm. Những DN này đã cấu kết với các công ty trong và ngoài tỉnh, thành phố... chuyên mua bán lòng vòng hóa đơn đỏ để chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Nạn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép từ nhỏ cho đến lớn được ví như hình ảnh “gặm nhấm” ngân sách nhà nước một cách công khai.

Để né tránh pháp luật, các DN “ma” thường sử dụng đủ “chiêu” để thực hiện hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Trong đó, khi thành lập DN các đối tượng thường sử dụng chứng minh nhân dân của người khác bị mất, hoặc đánh cắp để làm thủ tục, thuê nhà dân làm văn phòng tạm bợ, liên tục thay đổi địa điểm kinh doanh, không có tài sản cố định... Việc này đã gây nhiều khó khăn cho ngành thuế, cơ quan điều tra.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong ngành thuế, trong khi vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép đang diễn biến hết sức phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi thì các chế tài xử phạt lại khá lỏng lẻo. Ngoài ra, để đối phó với cơ quan chức năng, các đối tượng thường không bán với số lượng lớn mà xé lẻ số lượng hóa đơn để tránh bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhìn chung, đến nay mục đích các hình phạt đối với các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép chủ yếu tập trung yêu cầu khắc phục hậu quả. Chế tài xử phạt không đủ sức răn đe đã khiến các đối tượng phạm tội “nhờn thuốc”, gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử...

Để chống nạn mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Trước mắt, cần tăng cường công tác kiểm tra phát hành, sử dụng hóa đơn, đặc biệt đối với các DN mới hoạt động kinh doanh, hoạt động đa ngành nghề, kinh doanh hàng nông, hải sản, DN thường xuyên thay đổi địa điểm kinh doanh...  Đồng thời, cơ quan công an cùng với ngành thuế cần tăng cường phối hợp trong việc ngăn chặn vấn nạn mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép.

Minh Quang

 

 


Ý kiến của bạn