Giải pháp quan trọng nhất là tuyên truyền
Là xã miền núi có gần 20% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên trước đây, nhận thức của người dân xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình có nhiều hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu do bà con còn lưu giữ một số phong tục tập quán lạc hậu; quan niệm gia đình đông con, nhiều cháu mới có phúc và phải có con trai nối dõi tông đường vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều người. Điều đó đã gây nhiều hệ lụy như: đông con, nghèo đói, thất học, hạnh phúc gia đình tan vỡ…
Chị Nguyễn Thị Bích Việt, cán bộ y tế kiêm phụ trách công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình xã Quang Yên cho biết: Xác định công tác tuyên truyền là một trong những giải pháp quan trọng nhất để làm thay đổi nhận thức của người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số về công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, 5 năm trở lại đây, xã Quang Yên đã lồng ghép việc thực hiện công tác này trong các hương ước, quy ước của làng về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, cử cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đến từng hộ gia đình tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân số.
Đồng thời xã cũng thành lập nhiều câu lạc bộ như: câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc không sinh con thứ 3. Tăng cường tuyên truyền về những hệ lụy của hôn nhân cận huyết thống, về mất cân bằng giới tính, bình đẳng giới, vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, không phân biệt đối xử dù con trai hay con gái…
Nhờ đó, nhận thức của người dân, bà con dân tộc thiểu số về kế hoạch hóa gia đình ngày càng được nâng lên. Các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ luôn ý thức về khoảng cách sinh và sinh con đúng chính sách dân số, "dù gái hay trai chỉ hai là đủ"...
Lồng ghép mục tiêu dân số với phát triển kinh tế - xã hội
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Quang Yên giảm xuống còn khoảng 15%. Nhiều gia đình có điều kiện tốt hơn để chăm sóc, dạy dỗ con em, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu. Hầu hết các hộ gia đình người dân tộc thiểu số đã xây nhà khang trang; 100% trẻ trong độ tuổi đi học được đến trường; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, cao gấp đôi so với năm 2014. Nhiều hủ tục được xóa bỏ và thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Hằng năm, có trên 87% hộ đồng bào dân tộc thiểu số đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa.
Để công tác dân số kế hoạch hóa gia đình đến gần dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Sông Lô đẩy mạnh tuyên truyền, lồng ghép các mục tiêu dân số với phát triển kinh tế - xã hội thông qua các chương trình, kế hoạch cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, địa phương.
Hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đều cung ứng các dịch vụ thích hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng, như các mô hình: Sàng lọc trước sinh và sơ sinh; nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc; Hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số theo Nghị định 39 của Chính phủ. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở Sông Lô là 1,03%, giảm 0,03% so với cùng kỳ năm ngoái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh 92%, tăng 8%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh trên 71%, vượt hơn 30% kế hoạch giao; tỷ số giới tính khi sinh là 115,77 bé trai/ 100 bé gái; tỷ lệ sinh con thứ 3 là trên 18%.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà