Hà Nội

Thay đổi quan niệm của đồng bào Khmer Sóc Trăng về bình đẳng giới

11-12-2021 06:53 | Xã hội
google news

SKĐS - Thông qua công tác tuyên truyền sâu rộng đã góp phần thực hiện hiệu quả chính sách về dân số - KHHGĐ, về quan niệm bình đẳng giới... từng bước nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số tỉnh Sóc Trăng.

Xoá bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chấtXoá bỏ định kiến giới để xây dựng bình đẳng giới thực chất

SKĐS - Mặc dù bình đẳng giới có Luật quy định rõ ràng, nhưng dường như Luật sẽ không đủ để thay đổi thực chất vấn đề của bình đẳng giới. Xã hội đã thay đổi nhiều, phụ nữ đã phát huy vai trò mạnh mẽ hơn, được quan tâm nhiều hơn… Liệu như thế đã là một xã hội đang thực hiện bình đẳng giới thực chất?

Người dân thay đổi dần quan niệm phải có con trai " nối dõi "

Xã Long Phú (huyện Long Phú) có đến hơn 78% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Nhiều năm trước đây, Long Phú là một trong những xã có tỷ lệ mất cân bằng giới tính và sinh con thứ 3 cao. Để góp phần hạn chế tình trạng này. Trung tâm Y tế huyện đã chủ động phối hợp với địa phương, cán bộ dân số xã tích cực tuyên truyền, vận động bà con thay đổi suy nghĩ, quan niệm phải có con trai để nối dõi, nhà càng nhiều con càng tốt…

Đồng thời, địa phương cũng triển khai tuyên truyền các phương tiện tránh thai, nhờ vậy mà công tác dân số - KHHGĐ ở xã đã có những chuyển biến tích cực, tỷ lệ sinh con thứ 3 hàng năm đều giảm. Tính riêng trong năm 2019, toàn xã có gần 100 trẻ được sinh ra, trong đó số trẻ là con thứ 3, chỉ một vào trường hợp. Đến năm 2020, toàn xã có 69 trẻ em được sinh ra, trong đó không có trẻ em nào là con thứ 3. Trên 98% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai.

Thay đổi quan niệm của đồng bào Khmer Sóc Trăng về bình đẳng giới - Ảnh 3.

Sóc Trăng thực hiện công tác truyền thông về DS-KHHGĐ trong cộng đồng. Ảnh H.Như

Huyện Long Phú là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 30% dân số toàn huyện. Quan niệm gia đình phải đông con, nhiều cháu thì mới có phúc, phải có con trai "nối dõi"… vẫn còn tồn tại trong suy nghĩ của nhiều hộ gia đình. Việc thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sinh nhiều con đã tạo áp lực về kinh tế và nhiều hệ lụy khác, nhất là với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Để thay đổi nhận thức của bà con, huyện Long Phú đã tuyên truyền bằng nhiều hình thức, phù hợp với tâm lý, phong tục, tập quán của từng đối tượng. Trong đó, tập trung đến các xã, thị trấn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, khu vực kinh tế còn khó khăn. Cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ấp, khu dân cư đã tập trung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số - KHHGĐ; tuyên truyền về bình đẳng giới, không phân biệt con trai, con gái trong gia đình, họ tộc; đưa việc không lựa chọn giới tính thai nhi vào hương ước, quy ước của địa phương.

Vẫn còn không ít thách thức trong công tác dân số vùng DTTS

Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện công tác nâng cao chất lượng dân số ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn còn, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên đang có chiều hướng gia tăng, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em tuy đã có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao, số trẻ sơ sinh và trẻ bị dị tật, khuyết tật bẩm sinh đang ở ngưỡng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giống nòi, chất lượng dân số...

Để nâng cao chất lượng dân số cho đồng bào dân tộc Khmer, Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Long Phú tiếp tục phối hợp với Trung tâm Y tế huyện, các Trạm Y tế các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên nâng cao nhận thức của bà con về Luật Hôn nhân và Gia đình, nâng cao dân trí cho đồng bào, đặc biệt là trẻ em trong độ tuổi đến trường và tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Chú trọng phát huy vai trò của Bí thư -Trưởng ban nhân dân ấp, người có uy tín tiêu biểu trong các cuộc vận động quần chúng để thực hiện tốt việc truyền thông thay đổi nhận thức, xóa bỏ các quan niệm lạc hậu. Tích cực triển khai các hoạt động của đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, mô hình tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân...

Thay đổi quan niệm của đồng bào Khmer Sóc Trăng về bình đẳng giới - Ảnh 4.

Các cấp hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng quan tâm tuyên truyền tập huấn về bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ, nhất là đối với chị em phụ nữ DTTS . Ảnh: Sớm Mai

Phụ nữ dân tộc thiểu số với bình đẳng giới

Các cấp hội phụ nữ tỉnh Sóc Trăng đã thông qua công tác tuyên truyền, các mô hình để tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả hệ thống chính trị và nâng cao nhận thức, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Hiện nay, phụ nữ không những dần thể hiện được quyền bình đẳng trong đời sống mà còn tham gia nhiều hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trong xã hội. 

Cụ thể, lĩnh vực giáo dục - đào tạo, học sinh dân tộc tham gia học tập ngày càng đông, tỷ lệ học sinh nam, nữ không còn sự chênh lệch nhiều. Phụ nữ DTTS được đào tạo nghề, hỗ trợ lao động việc làm và đồng bào DTTS đều có bảo hiểm y tế, được chăm sóc sức khỏe. Ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, vai trò của phụ nữ ngày càng nâng cao vì chị em đã tích cực tham gia xây dựng chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; làm tăng sản phẩm cho xã hội, thu nhập của gia đình.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 2-8-2021 về danh sách tỉnh, thành phố thuộc các vùng theo tỷ số giới tính khi sinh sử dụng để xây dựng đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2021-2025. Theo đó Sóc Trăng là địa phương thuộc nhóm 2 có tỷ số giới tính khi sinh 109-112 bé trai/100 bé gái.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em là quan trọng





Sóc Ca - Sớm Mai
Ý kiến của bạn