Bắc Ninh là một tỉnh công nghiệp với tốc độ phát triển KT cao, kéo theo đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân dân, đặc biệt là xu hướng các bệnh liên quan đến đường hô hấp như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản cũng gia tăng... Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của ngành y tế cùng với những cách làm sáng tạo, những thay đổi về nhận thức của người dân về căn bệnh này đã được cải thiện rõ rệt.
Gian nan những ngày mới thành lập
Bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh là đơn vị được Sở Y tế giao là đầu mối triển khai chương trình. Sau đó, BVĐK tỉnh đã thành lập phòng quản lý COPD - HPQ, đây là nơi tư vấn, điều trị các bệnh về COPD - HPQ trong cộng đồng tại tỉnh Bắc Ninh. BS. Nguyễn Thị Thanh Trà - phụ trách phòng khám quản lý COPD - HPQ Bắc Ninh không thể quên được những gian truân của những ngày đầu khi mới thành lập phòng khám, mỗi ngày chỉ có 1 - 2 bệnh nhân đến khám và tư vấn, làm thế nào để thay đổi được nhận thức của người bệnh, để người bệnh yên tâm điều trị? Câu hỏi đó luôn thường trực trong đầu những người làm chương trình này tại Bắc Ninh. Bởi khi mới thành lập, khó khăn lớn nhất của phòng quản lý COPD và HPQ là có đến 96% bệnh nhân không biết dự phòng hen. 100% sử dụng thuốc uống để cắt cơn. 80% không được chẩn đoán BPTNMT. 96% không được đo chức năng hô hấp bao giờ… Trước tình trạng đó, Phòng quản lý COPD - HPQ đã tự tìm lối đi cho mình. Để thu hút bệnh nhân đến khám và điều trị, các bác sĩ của dự án đã đi về tận các xã, các thôn tuyên truyền về căn bệnh đồng thời thực hiện các buổi khám, tư vấn và phát hiện, hướng dẫn điều trị cho người dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân về căn bệnh đã có sự thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, nhiều người bệnh ở các huyện phải đi lên tận thành phố để điều trị thì cũng rất bất tiện, do đó, Ban Điều hành Dự án COPD - HPQ đề xuất với Sở Y tế, BVĐK tỉnh và BHYT rồi đi đến thống nhất Xây dựng hệ thống phòng quản lý COPD - HPQ từ tỉnh xuống các huyện để người dân thuận lợi hơn.
Đồng thời, đầu tư trang thiết bị máy móc, bố trí cán bộ đã được đào tạo chuyên trách công tác khám và điều trị.
Tuyên truyền phổ biến phương pháp phòng bệnh CODP và hen phế quản cho người dân.
Trái ngọt
Sau nhiều nỗ lực của ban điều hành dự án, cộng với những thành quả ghi nhận được từ phía bệnh nhân - đó là tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, bệnh nhân yên tâm điều trị và giới thiệu tới nhiều người khác cùng đến điều trị. Nhờ đó, phòng khám đã đi vào quy củ. Hiện nay, trung bình mỗi ngày phòng khám khám và tư vấn cho 40 - 50 bệnh nhân. Nhờ đó, tỷ lệ bệnh nhân mắc COPD - HPQ phải nhập viện cấp cứu vì đợt cấp giảm rõ rệt. Bệnh nhân được tư vấn dùng thuốc và điều trị đúng phác đồ của Bộ Y tế nên giảm tác dụng phụ của thuốc điều trị toàn thân, giảm chi phí điều trị, qua đó nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.
Để người bệnh có điều kiện trao đổi, học hỏi kiến thức, hiểu biết về bệnh, cách phòng bệnh và các biến chứng của bệnh, cách thức cụ thể để điều chỉnh lối sống…, CLB Hen - COPD của BVĐK tỉnh được thành lập cuối năm 2011 góp phần quan trọng trong công tác điều trị, theo dõi bệnh.
Đến nay, ngoài phòng quản lý ngoại trú COPD và hen phế quản thuộc BVĐK tỉnh, mô hình phòng quản lý tại các BVĐK tuyến huyện cũng được triển khai và mang lại hiệu quả thiết thực, hàng trăm người bệnh được quản lý, điều trị theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Giai đoạn 2011-2014, chương trình tổ chức được 3 đợt khám sàng lọc tại 3 huyện, thành phố cho 18.904 đối tượng, đo chức năng hô hấp cho 2.299 đối tượng, phát hiện bệnh cho 1.051 đối tượng. Song song với việc khám, phát hiện bệnh, công tác truyền thông, giáo dục về bệnh được chú trọng, tăng cường kiến thức về COPD và hen phế quản thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng...