Thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe

23-11-2024 07:35 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo Bộ GD&ĐT ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo sẽ có nhiều thay đổi đáng chú ý.

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non. Dự thảo đang trong quá trình xây dựng, xin ý kiến để hoàn thiện. Quy chế mới sẽ được áp dụng từ mùa tuyển sinh năm 2025.

Theo dự thảo, ngưỡng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo Giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề cho các phương thức tuyển sinh đào tạo, Bộ GD&ĐT quy định kết quả học tập trong cả 3 cấp THPT xếp mức Tốt trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 trở lên.

Thay đổi ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo thuộc lĩnh vực Sức khỏe- Ảnh 1.

Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội.

Đối với các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc, Sư phạm mỹ thuật; ngành Giáo dục Mầm non trình độ cao đẳng và các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, kết quả học tập trong cả 3 năm cấp THPT cần xếp mức Khá trở lên hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 6,5 trở lên.

Với thí sinh đã tốt nghiệp trình độ trung cấp trở lên cùng nhóm ngành dự tuyển được áp dụng quy định ngưỡng đầu vào như sau: Đối với thí sinh dự tuyển vào đại học nhóm ngành đào tạo Giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực Sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau: Học lực 3 năm cấp THPT đạt loại giỏi (mức Tốt) trở lên hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 8,0 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên hoặc học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; Tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng, đại học đạt loại giỏi trở lên; Tốt nghiệp trình độ trung cấp, hoặc trình độ cao đẳng hoặc trình độ đại học đạt loại khá và có 3 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo.

Đối với thí sinh dự tuyển vào đại học các ngành Điều dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục Thể chất, ngưỡng đầu vào được áp dụng một trong các tiêu chí sau: Học lực cấp THPT đạt loại khá (mức Khá) hoặc điểm trung bình chung các môn văn hóa cấp THPT đạt từ 6,5 trở lên; Tốt nghiệp THPT loại khá, hoặc có học lực cấp THPT đạt loại trung bình (mức Đạt) và có 5 năm kinh nghiệm công tác đúng với chuyên môn đào tạo; Tốt nghiệp trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, trình độ đại học đạt loại khá trở lên.

Điểm sàn chung với nhóm ngành Sức khỏe và Sư phạm được Bộ GD&ĐT thực hiện nhiều năm qua nhằm nâng cao chất lượng đầu vào của hai nhóm đặc thù này.

Năm 2023, Bộ GD&ĐT công bố điểm sàn ngành Sức khỏe với ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt cùng mức 22,5 điểm, tiếp theo là ngành Y học cổ truyền và Dược học lấy 21 điểm. Các ngành còn lại là Điều Dưỡng, Y học dự phòng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hình răng, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Kỹ thuật hình ảnh y học và Kỹ học phục hồi chức năng lấy 19 điểm.

Vì sao trường đại học nên lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm?Vì sao trường đại học nên lùi thời gian công bố kết quả xét tuyển sớm?

SKĐS - Trong phương án tuyển sinh năm 2025, Bộ GD&ĐT đề xuất các trường đại học chỉ được công bố kết quả xét tuyển sớm sau khi kết thúc chương trình và kế hoạch năm học.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn