Thay đổi mô hình khám chữa bệnh tim mạch trong đại dịch

03-07-2021 13:53 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Khi dịch COVID-19 bùng phát, việc khám bệnh từ xa được sử dụng thường xuyên hơn. Tuy nhiên, việc triển khai rộng rãi đang gặp phải hạn chế do vấn đề công nghệ và kết quả lâu dài cũng đang được tiếp tục đánh giá...

Y tế từ xa bị kìm hãm bởi vấn đề sử dụng công nghệ

Sử dụng telehealth đã tăng dần trong những thập kỷ trước. Việc sử dụng rộng rãi dịch vụ này trong đại dịch COVID-19 có thể sẽ đặt nền tảng cho việc thăm khám từ xa như một phần quan trọng trong dịch vụ y tế. Tương lai sẽ được sử dụng lâu dài hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe. Trước đây các lợi ích của việc chăm sóc từ xa bằng cách sử dụng các công nghệ như máy theo dõi, đồng hồ thông minh nhắm mục tiêu đến các bệnh tim mạch cụ thể như rối loạn nhịp tim, suy tim hoặc tăng huyết áp đã được chứng minh là có hiệu quả. Đến nay, khi mô hình khám chữa bệnh thay đổi, là cơ hội đầu tiên để các nhà khoa học nghiên cứu về khả năng y học từ xa hiện đại này có thể dẫn đến việc chăm sóc hiệu quả và dễ tiếp cận trong thực tế thế giới thực hay không.

Y tế từ xa đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Y tế từ xa luôn bị kìm hãm bởi những lo ngại về sự chênh lệch trong tiếp cận do sự phân chia kỹ thuật số gây ra. Những người lớn tuổi hơn, có thu nhập thấp hơn, trình độ học vấn thấp hơn, nhóm chủng tộc hoặc dân tộc thiểu số, sống ở các vùng nông thôn và mắc các bệnh mãn tính được cho là có ít quyền truy cập vào internet hơn. Do đó có thể có các dịch vụ y tế từ xa, đặc biệt là các lượt xem video đòi hỏi đầu tư nhiều hơn vào công nghệ.

Tăng số lượng người khám tim mạch từ xa

Khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đã dẫn đến sự thay đổi chưa từng có trong việc khám chữa bệnh. Từ khám tại chỗ chuyển sang khám, chăm sóc, tư vấn từ xa, trong đó nổi lên là bệnh lý phức tạp như tim mạch.

Theo đó, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y tế Cedars-Sinai (Mỹ) đã nghiên cứu dịch vụ khám bệnh từ xa cho bệnh nhân tim mạch, nhằm xác định hiệu quả cũng như những hạn chế trong mô hình khám chữa bệnh mới này.

Nghiên cứu đã xác định tất cả các lần khám tim mạch tại hệ thống y tế đô thị là 1 năm, bao gồm cả thăm khám trực tiếp và thăm khám từ xa tại 31 phòng khám tim mạch khác nhau ở Los Angeles, California… Mô hình thăm khám từ xa là qua cuộc gọi điện thoại hoặc video.

Những thay đổi đối với chính sách đã tạo điều kiện cho sự gia tăng số lượng người thụ hưởng dịch vụ y tế từ xa tăng lên: Từ 13.000 người trước dịch COVID-19 lên đến gần 1.7 triệu người chỉ trong vòng 4 tháng sau đó. Trước đó, các dịch vụ chăm sóc y tế này thường được tiến hành trong các cơ sở y tế.

Giảm tỉ lệ xét nghiệm

Nghiên cứu xem xét 176.781 lượt khám bệnh tim mạch cấp cứu, bao gồm 87.182 lượt khám trực tiếp trong giai đoạn trước COVID-19; 74.498 lượt khám trực tiếp trong giai đoạn dịch; 4.720 lượt khám video và 10.381 lượt khám bệnh trong đại dịch COVID-19 qua điện thoại.

Kết quả cho thấy, qua khám bệnh từ xa việc đặt hàng để sử dụng các dịch vụ xét nghiệm, sử dụng thuốc trong các nhóm đều tăng lên khi tình hình dịch COVID-19 giảm và ngược lại. Tuy nhiên, so với các lần khám trực tiếp trước COVID-19, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ xét nghiệm, dịch vụ cận lâm sàng đều giảm rõ rệt.

Từ đó, các nhà nghiên cứu xác định xem sự gia tăng nhanh chóng của việc sử dụng telehealth có liên quan như thế nào với những thay đổi trong chăm sóc bệnh nhân tim mạch trong môi trường thực tế.

Trên tất cả các bệnh nhân, có sự khác biệt đáng kể trong các mô hình thực hành theo loại khám. Những lo ngại trước đây về việc liệu các cuộc khám bệnh từ xa có thể dẫn đến việc lạm dụng các xét nghiệm không cần thiết và kê đơn thuốc quá mức hay không. Nhưng điều thú vị là các nhà nghiên cứu nhận thấy có sự giảm xuống từ 1/3 đến ½ việc lạm dụng thuốc và các xét nghiệm.

Việt Nam cũng triển khai hệ thống telehealth, khám chữa bệnh từ xa.

Việc này được giải thích là do giảm khả năng tiếp cận. Chẳng hạn như xét nghiệm trong phòng thí nghiệm, điện tâm đồ, siêu âm tim… thường được thực hiện ở cùng một cơ sở và cùng lúc với phòng khám trực tiếp. Một số khác biệt trong xét nghiệm cũng có thể liên quan đến những thiếu sót đối với dịch vụ chăm sóc từ xa, như hiểu biết về bệnh cảnh lâm sàng của bệnh nhân kém hơn so với khám trực tiếp.

Thực tế bác sĩ lâm sàng có thể không nghĩ đến việc chỉ định các xét nghiệm cụ thể nếu không được kiểm chứng trực tiếp trên sức khỏe của bệnh nhân. Hơn nữa, cũng có thể khi quan sát bệnh nhân qua video hoặc qua trao đổi từ điện thoại, nếu nhận thấy bệnh nhân chưa cần gấp, bác sĩ có xu hướng chờ đại dịch COVID-19 giảm trước khi tiến hành chăm sóc y tế trực tiếp cho bệnh nhân.

Thận trọng với nguy cơ rủi ro

Hiện tại có rất ít các hướng dẫn chính thức chỉ định các phương pháp hay nhất cho việc thăm khám tim mạch từ xa. Dù đây là mô hình được áp dụng trong khi thế giới đang khủng hoảng với dịch bệnh, nhưng nó cũng có thể có những hậu quả không mong muốn từ hình thức chăm sóc mới này mà vẫn chưa được xác định.

Bác sĩ có thể kiểm tra hình ảnh chụp phim qua các thiết bị công nghệ.

Do khám sức khỏe, điều trị từ xa, việc thăm khám có thể dẫn đến việc sử dụng thuốc ít được điều chỉnh hơn; ít sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán cụ thể về tim mạch phổ biến nhất, bao gồm: Điện tâm đồ (ECG), siêu âm tim qua lồng ngực (TTEs), chụp cắt lớp vi tính mạch vành (CCTA), ECG gắng sức, mạch vành quét canxi động mạch, chụp cộng hưởng từ tim (MRI)... cùng các xét nghiệm khác. Thậm chí có thể xảy ra tình huống một số trường hợp bệnh nhân tim mạch không được sử dụng thuốc hoặc sử dụng các xét nghiệm cận lâm sàng kịp thời.

Như vậy, sự chuyển đổi nhanh chóng và quy mô lớn từ chăm sóc tim mạch tại chỗ sang chăm sóc tim mạch từ xa trong đại dịch COVID-19 có ý nghĩa quan trọng đối với việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc của bệnh nhân cũng như các mô hình thực hành của bác sĩ lâm sàng. Do một tỷ lệ đáng kể các dịch vụ chăm sóc cấp cứu tim mạch trong tương lai có thể sẽ tiếp tục được cung cấp thông qua các chuyến thăm khám từ xa, những thay đổi này trong cách tiếp cận và thực hành chăm sóc sẽ có những ảnh hưởng đáng kể liên quan đến cả hiệu quả và chi phí của chăm sóc tim mạch trong tương lai.


Ngọc Sơn
Ý kiến của bạn