Hàng năm, hàng ngàn người Mỹ được chẩn đoán bị ung thư miệng và tỷ lệ tử vong do ung thư này rất cao. Để ngăn ngừa ung thư miệng, chúng ta cần lưu ý đến những biện pháp đơn giản trong thay đổi lối sống giúp giảm nguy cơ ung thư miệng và/hoặc tăng khả năng chẩn đoán sớm…
Các yếu tố nguy cơ
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng lối sống là một yếu tố quyết định chính trong việc phát triển ung thư miệng. Sau đây là những yếu tố nguy cơ:
Hút thuốc lá: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của ung thư miệng là sử dụng thuốc lá kéo dài. Hơn 80% trường hợp ung thư miệng xảy ra đối với những người hút thuốc lá.
Uống rượu: Có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Điều này là do hiệu quả khử nước của cồn trên thành tế bào của các mô mềm, cho phép các chất gây ung thư xâm nhập vào các mô miệng dễ dàng hơn.
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Phơi nắng kéo dài mà không có biện pháp bảo vệ chống nắng tới bất kỳ bộ phận nào của cơ thể sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gọi là ung thư biểu mô tế bào vẩy, trong đó có vùng mặt và môi.
Ăn kiêng: Chế độ ăn ít rau có thể làm tăng nguy cơ ung thư miệng. Các loại rau chứa chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa ung thư. Vì vậy, một chế độ ăn nhiều trái cây và rau có thể giúp giảm nguy cơ này.
Virut gây u nhú ở người (HPV): Nghiên cứu mới đã phát hiện có sự liên kết của HPV - một loại virut gây ra mụn cóc sinh dục và ung thư cổ tử cung với ung thư miệng. HPV có thể lây truyền qua đường tình dục từ các bạn tình và nó cũng có thể lây lan khi quan hệ tình dục qua đường miệng. Điều này có thể lý giải một phần nào đó cho hiện tượng ngày càng có nhiều bệnh nhân ung thư miệng không hút thuốc lá.
Sau đây là những dấu hiệu và triệu chứng của ung thư miệng mà chúng ta cần phải biết: xuất hiện mảng đỏ và/hoặc màu trắng bất cứ nơi nào trong miệng; một vết loét hoặc đau trong môi hoặc miệng thường chảy máu và chậm lành; một u cục không trong môi hoặc miệng thường chảy máu và chậm lành; một u cục không đau; trong miệng xuất hiện vùng thô hoặc cứng; bị tê trong miệng; rụng nhiều răng/loét nướu răng; sự thay đổi vị giác; sưng hạch bạch huyết; đau tai kéo dài.
Khám răng định kỳ để phát hiện sớm những bất thường trong khoang miệng.
Thay đổi lối sống như thế nào?
Luôn luôn đánh răng và đánh răng thường xuyên: Miệng không vệ sinh làm suy giảm hệ thống miễn dịch của bạn và ức chế khả năng chống lại các loại ung thư tiềm tàng của cơ thể, trong đó có ung thư miệng.
Bỏ thuốc lá: Thuốc lá chứa ít nhất 50 chất gây ung thư. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có một sự liên kết chặt chẽ giữa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá và sự phát triển của ung thư miệng. Một nghiên cứu được tiến hành tại Đại học California, San Francisco, Hoa Kỳ phát hiện ra rằng hơn 8 trong số 10 bệnh nhân ung thư miệng là người hút thuốc lá.
Uống rượu với mức độ vừa phải: Từ 1 - 2 ly mỗi ngày hoặc tốt nhất không nên uống rượu. Nguy cơ phát triển ung thư miệng tăng lên với số lượng và thời gian uống rượu cùng các sản phẩm thuốc lá.
Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời: Chúng ta cần sử dụng kem chống nắng nhưng liệu chúng ta có nhớ áp dụng nó vào môi không? Sử dụng kem chống nắng có quang phổ rộng cho bất kỳ vùng da bị phơi nhiễm, kể cả môi của bạn. Luôn luôn sử dụng kem chống nắng trên môi khi bạn đang ở dưới ánh nắng mặt trời. Tiếp xúc lặp lại làm tăng nguy cơ ung thư môi, đặc biệt là môi dưới. Có rất nhiều ống kem chống nắng có kích thước gọn nhẹ có thể để trong ví của bạn để sử dụng hàng ngày.
Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục đều đặn không chỉ tăng cường sức khỏe mà còn phòng chống được 13 căn bệnh ung thư phổ biến. Tập thể dục làm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể, do đó giúp ngăn ngừa bệnh ung thư, trong đó có ung thư miệng.
Chọn thức ăn chống ung thư trong chế độ ăn uống của bạn: Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ khuyên bạn nên ăn nhiều đậu, quả mọng, rau cải (như cải bắp và bông cải xanh), rau lá xanh đậm, hạt lanh, tỏi, nho, trà xanh, đậu nành và cà chua vì vai trò của chúng trong phòng ngừa ung thư.
Khám răng miệng định kỳ: Thường xuyên kiểm tra răng miệng để phát hiện sớm bất thường và áp dụng kịp thời những khuyến cáo bảo vệ răng miệng. Hãy thường xuyên gặp bác sĩ nha khoa ít nhất 6 tháng/lần và yêu cầu khám sàng lọc ung thư miệng.
Tự kiểm tra răng miệng hàng tháng: Mua gương tiện dụng để soi những khu vực khó nhìn. Hãy kiểm tra kỹ cả mặt sau và mặt trước lưỡi của bạn. Nếu bạn nhìn thấy hoặc cảm thấy bất cứ điều gì đáng nghi như cục u, bướu; vùng da nhạy cảm; các đốm trắng, đỏ hoặc xám, hãy đến bác sĩ hay nha sĩ để kiểm tra ngay.
Phát hiện sớm ung thư miệng sẽ cho tiên lượng tốt. Vì vậy, chúng ta nên cảnh giác và quan sát bất kỳ thay đổi nào đang diễn ra trong miệng kéo dài hơn 02 tuần. Nếu bạn nghi ngờ ung thư miệng, hãy đi kiểm tra để xem những thay đổi này có phải là ung thư hay không.