Dưới đây là bức tranh tổng thể về vấn đề này:
Số người chết tăng lên
Theo Tổ chức Y tế thế giới, từ năm 2030 tới năm 2050, thay đổi khí hậu có thể gây ra 250.000 ca tử vong mỗi năm, ước tính khoảng 38.000 ca do nắng nóng, 48.000 ca do tiêu chảy, 60.000 ca do sốt rét và 95.000 ca do suy dinh dưỡng.
Tới năm 2030, thiệt hại trực tiếp của ngành y tế sẽ khoảng 2 tới 4 tỷ đô la Mỹ mỗi năm.
Nguyên nhân và hậu quả
Patrice Halimi, Tổng thư kí Hội Sức khỏe môi trường Pháp cho biết đây là một vấn đề đa dạng.
Giống như mọi thảm họa khởi phát chậm khác, không có một nguyên nhân dẫn đến một hậu quả, mà đây là hàng loạt các sự kiện.
TheHamlimi, bản thân sự nóng lên của trái đất không nhất thiết dẫn tới dịch tả, nhưng nhiệt độ nóng lên có thể khiến dịch bùng phát đáng sợ.
Robert Barouki ở Viện Nghiên cứu Sức khỏe và y tế Quốc gia Pháp cho biết khó khăn thực sự nằm ở chỗ đánh giá vai trò của sự nóng lên của trái đất trong các vấn đề sức khỏe.
Mối liên quan trực tiếp
Nhiệt độ nóng lên có thể gây ra các vấn đề tim mạch và hô hấp đặc biệt ở người cao tuổi.
Trong đợt nắng nóng diện rộng năm 2003 ở châu Âu, khoảng hơn 70.000 ca tử vong đã được ghi nhận.
Và nhiều nắng hơn có thể dẫn tới tăng các nguy cơ liên quan tới tia cực tím như ung thư da.
Thay đổi khí hậu có thể cũng dẫn tới gia tăng các trường hợp tử vong do thiên tai như lũ lụt và bão.
Theo WHO, thảm họa do thời tiết đã tăng gấp 3 lần kể từ những năm 1960. hàng năm, thiên tai đã cướp đi hơn 60.000 sinh mạng, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Các bệnh truyền nhiễm
Sự nóng lên của trái đất tạo điều kiện thuận lợi cho sự lây lan các bệnh truyền nhiễm do các tác nhân như muỗi.
WHO cho biết thay đổi khí hậu có thể kéo dài mùa truyền nhiễm của của các bệnh lây truyền bởi vector và thay đổi phạm vi địa lý. Sốt rét đã giết chết khoảng 800.000 người mỗi năm.
Muỗi cũng lây truyền bệnh sốt xuất huyết và một số nghiên cứu chỉ ra rằng trái đất nóng lên có thể dẫn tới trên 2 triệu người có nguy cơ tử vong vì bệnh này tới năm 2080.
Cơ quan Liên Hợp quốc ước tính Trung Quốc sẽ gia tăng phát triển bệnh Schistosomiasis (bệnh sán máng) lây lan bởi ốc sên ở các khu vực kém phát triển. 240 triệu người trên thế giới đã bị bệnh này.
Ô nhiễm và bệnh hen
Bruno Housset, người đứng đầu Liên đoàn Phổi Pháp cho biết, sự gia tăng các vụ cháy rừng do trái đất nóng lên, đặc biệt là ở phía Bắc sẽ tạo ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí. Những hạt này có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và dẫn đến ung thư phổi và hen.
Khoảng 300 triệu người bị bệnh hen trên thế giới và gia tăng nhiệt độ liên tục dự kiến sẽ làm tăng gánh nặng này.
Nhiệt độ nóng lên cũng sẽ làm tăng các dị ứng liên quan tới thực vật, với hàm lượng phấn hoa ở châu Âu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050.