Hà Nội

Thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV/AIDS

28-10-2021 17:12 | Y tế
google news

SKĐS - Nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa ngày càng hiểu rõ về căn bệnh HIV/AIDS. Từ đó người nhiễm tích cực điều trị theo phác đồ, người chưa nhiễm thì có đầy đủ biện pháp phòng, tránh. Đi kiểm tra sức khỏe và xét nghiệm thường xuyên.

Tự tin vươn lên, tích cực điều trị bệnh

Đi qua nhiều ngày buồn vui, với những người lầm lỡ, vách tường dữ dội mà khó vượt qua nhất đó là sự mặc cảm. Nhưng rồi, để hòa nhập cuộc sống, bảo vệ an toàn cho người thân, họ phải vượt qua.

Nhiễm HIV vài năm nay, chị Lê T.T (Vạn Ninh, Khánh Hòa) chia sẻ: Trước mình tính phó mặc cho số phận. Để cuộc sống trôi đi đến đâu hay đến đó. Nhưng rồi khi được tiếp cận thuốc điều trị ARV, được các y bác sĩ   cận kề hướng dẫn    với sự động viên của người thân nên đã thay đổi hẳn hành vi. Lịch khám bệnh và uống thuốc nhớ rõ. Mọi việc làm và hành động đều cẩn trọng hướng đến bảo vệ, phòng, chống tối đa nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS cho người khác".

Thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV/AIDS - Ảnh 1.

Người có nguy cơ cao nên đi xét nghiệm HIV sớm

Những đêm quay cuồng trong ánh đèn xanh đỏ với Cao P ở Nha Trang (Khánh Hòa) giờ trở thành nỗi ám ảnh, dẫu muốn dìm sâu vào đáy kí ức nhưng vẫn trỗi dậy trong những đêm thiếu ngủ. Có thời gian sa ngã vào ma túy, mại dâm và mang trong mình căn bệnh HIV. Ngày nhận kết quả, tâm trí chị như trôi vào tuyệt vọng. Đúng lúc ấy, các nhóm đồng đẳng, các thành viên ở Khánh Hòa tìm đến an ủi, sẻ chia, động viên khơi dậy khát vọng sống, làm việc có ích cho gia đình, xã hội. Đồng thời   cho P vay một khoản tiền   nho nhỏ không lãi suất   để tạo điều kiện  cho P làm lại cuộc đời. Như "chết đuối vớ được cọc", P từ bỏ hẳn con đường lạc lối của mình. Từ đó mọi hành vi của chị đều hướng đến điều trị tốt nhất căn bệnh mình đã nhiễm. Đồng thời ngày cũng như đêm tuyên truyền, vận động những người từng sa ngã như mình hãy vươn lên làm người có ích, tuân thủ các phác đồ điều trị và phòng lây bệnh cho cộng đồng, người thân.  

Nhìn dãy cửa hàng ăn của một người nhiễm HIV ở Diên Khánh (Khánh Hòa), nhiều người thán phục: Người phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó trong quán ăn ấy, một thời chìm đắm vào tệ nạn ma túy, mại dâm. Bây giờ thì vươn lên không mệt mỏi để kiến thiết cuộc sống cho mình và làm điều có ích cho bản thân, xã hội.

Thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng nguy cơ cao với HIV/AIDS - Ảnh 2.

Phát thuốc, khám cho các bệnh nhân HIV/AIDS luôn được Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa sẵn sàng

Sau một thời gian sa chân vào con đường tiêm chích ma túy, anh N thường xuyên đi tụ tập với bạn bè ở khu vực Vĩnh Phước (Nha Trang). Khi hiểu rõ tác hại của ma túy và nguy cơ lây HIV/AIDS anh đã dần tỉnh ngộ. Sau khi đi cai nghiện về, chứng kiến một người khác từng sa ngã như mình đã "dính" HIV thì anh N bừng lên khao khát quay về với cuộc sống mới. Không chỉ bản thân mình, N còn không quản ngại gian khó đi vận động những thành phần nghiện ma túy, tiêm chích khác…hãy dừng lại khi chưa quá muộn.

Thời gian qua, thực hiện chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, Khánh Hòa đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp. Tận tình, kiên trì với các địa bàn nhằm hạn chế tối đa các ca nhiễm mới. Cùng với đó quản lý, điều trị tốt nhất các ca đã nhiễm. Đặc biệt, hành vi của các nhóm đối tượng nguy cơ lây nhiễm cao đã có chuyển biến tích cực.

Theo lãnh đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa: Để giảm thiểu tác hại của dịch HIV/AIDS đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, toàn tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiều giải pháp có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Đến nay, hầu hết trên khắp các địa bàn, nhất là khu vực "nóng" tụ tập nhiều đối tượng ma túy, mại dâm công tác tuyên truyền, vận động được triển khai sâu rộng. Luật phòng chống HIV/AIDS đi vào đời sống một cách thiết thực.  Các nhóm nguy cơ cao đã tiếp cận được một cách đầy đủ nhất với các dịch vụ dự phòng, thuốc ARV…

Cùng với đội ngũ y, bác sĩ thì các đội/nhóm, tình nguyện viên tuyên truyền…nhập cuộc tích cực để xoay chuyển ý thức và hành vi của các nhóm nguy cơ cao.

Nhận thức rõ về HIV/AIDS

Một trong những nhóm nguy cơ cao nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa đó là quan hệ đồng giới. Một tình nguyện viên tuyên truyền phòng chống HIV ở Nha Trang (Khánh Hòa) nhìn nhận: Là tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển năng động, nhất là lĩnh vực du lịch nên kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển. Chúng tôi đã mở rộng tuyên truyền đến tận các cơ sở, các tụ điểm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao.

Tuy nhiên, người đồng giới rất ngại tiếp xúc với các tuyên truyền viên, khi họ đã cặp với nhau thì chỉ muốn tìm không gian riêng cho mình hoặc tiếp xúc  với những người có cùng sở thích tâm sinh lý như họ. Có người đồng giới cùng lúc quan hệ với 2-3 người. Đó cũng là rào cản lớn trong việc ngăn ngừa lây nhiễm trong các đối tượng này. Từ đó, kỹ năng truyền thông phòng, tránh nhiễm HIV trong người đồng giới được nâng cao, đổi mới liên tục. Công tác tư vấn, hướng dẫn các nhóm, cặp đồng giới được triển khai tích cực để kịp thời phát hiện người nhiễm HIV động viên, khích lệ họ đi xét nghiệm. Bên cạnh đó các dịch vụ y tế trong điều trị HIV cũng không ngừng được nâng cao, thích ứng với hầu hết các nhóm đối tượng. Giúp từng nhóm đối tượng hiểu rõ về căn bệnh HIV/AIDS.

Cùng với việc cởi bỏ mặc cảm, người đồng tính cần bảo vệ an toàn cho mình và bạn tình khi sử dụng đầy đủ các biện pháp, dụng cụ phòng ngừa như: Dùng bao cao su, không tiêm chích ma túy, không quan hệ bữa bãi khi phát hiện nhiễm HIV…Các bậc phụ huynh, người thân khi có con em đồng giới nhiễm HIV nên động viên điều trị bằng thuốc ARV ngay từ đầu, xem người nhiễm là bệnh nhân đặc biệt để chăm sóc chu đáo, tránh kỳ thị.

Nhiễm HIV từ quan hệ đồng giới, anh B (Cam Ranh) lúc đầu cũng tự ti không dám quay về nhà, càng lang bạt sức khỏe càng suy kiệt. Nhiều lần muốn buông xuôi cho đến khi được nhân viên y tế, tình nguyện viên tư vấn, hướng dẫn điều trị bằng thuốc thì giờ đây đã ổn định trở lại.

Có thể nói, đa số các nhóm nguy cơ ở Khánh Hòa cơ bản đã hiểu rõ cách thức lây lan của HIV/AIDS cũng như phương thức, tác dụng của điều trị sớm để ổn định  sức khỏe cho mình cũng như tránh lây nhiễm cho người thân.

Nỗ lực vì công tác phòng, chống HIV/AIDS

Cùng với thay đổi hành vi các nhóm nguy cơ cao như: Quan hệ đồng giới, tiêm chích ma túy, mại dâm…từ nay đến hết năm 2021, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa tiếp tục giám sát, điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV/AIDS.

Triển khai mạnh mẽ công tác giám sát trọng điểm HIV/STI và giám sát trọng điểm HIV lồng ghép hành vi (HSS+) năm 2021 trên nhóm NCMT (nghiệm chích ma túy). Hoàn thành 31.000 mẫu giám sát phát hiện HIV chỉ tiêu giao trong năm 2021.

Cùng với đó tiếp tục thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ  dự án hỗ trợ kỹ thuật "Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2021-2023" ban hành kèm theo Quyết định số 402/QĐ-BYT ngày 20/01/2021 của Bộ Y tế. Tiếp tục triển khai nghiên cứu SNaP (thực hiện chương trình can thiệp dựa trên bằng chứng về tư vấn và hỗ trợ chuyển gửi điều trị HIV cho người tiêm chích ma túy ở Việt Nam) tại 02 địa điểm nghiên cứu là Nha Trang và Cam Ranh theo  thỏa thuận  hợp tác số 05.05.2020/UNC-CDCKH đã ký giữa Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa và Trường ĐH North Carolina (UNC)  ngày 05/5/2020.

Tiếp tục phối hợp thực hiện  dự án "Thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực trong phòng chống HIV/AIDS để đạt mục tiêu 90-90-90" (Dự án Initative 5%) theo hướng dẫn của Cục Phòng, chống HIV/AIDS.

                                                                                                 


Đ.H
Ý kiến của bạn