Thay đổi ADN từ bào thai, liệu có hoang đường?

12-06-2015 08:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Nhiều nhà khoa học đang cố gắng để chỉnh sửa các gen bằng một kỹ thuật mà nếu thành công sẽ làm thay đổi vĩnh viễn ADN của mọi tế bào.

Nhiều nhà khoa học đang cố gắng để chỉnh sửa các gen bằng một kỹ thuật mà nếu thành công sẽ làm thay đổi vĩnh viễn ADN của mọi tế bào. Sự thay đổi này sẽ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Thí nghiệm sửa gen của các nhà khoa học Trung Quốc

Một báo cáo cho thấy rằng, các nhà khoa học Trung Quốc đang cố gắng sửa đổi phôi người. Họ sử dụng phôi người bị lỗi làm thí nghiệm với hy vọng rằng làm thay đổi gen hoàn toàn trong mọi tế bào mà không gây thiệt hại cho ADN. Phương pháp chỉnh sửa gen này sử dụng một công thức được gọi là Crispr. Nó nhanh chóng trở thành một đề tài “hot”. Crispr khai thác một hệ thống mà ở đó vi khuẩn sử dụng để tự bảo vệ chúng và cho phép các nhà nghiên cứu cắt ra các gen được chọn lọc và cấy những gen này sang cái mới.

ý định sửa đổi phôi thai người đang gây nhiều tranh cãi trong giới y khoa trên thế giới.

TS. Junjiu Huang và TS. Canquan Zhou cùng các đồng nghiệp tại Trường đại học Trung Sơn (Quảng Châu, Trung Quốc) cho biết, họ đã thu được phôi người từ một phòng khám. Không có cái phôi nào được phát triển bình thường bởi vì chúng có thêm nhiễm sắc thể, vì thế chúng được hiến cho nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng phương pháp Crispr nhằm cố gắng chỉnh sửa gen khi bị đột biến do Beta thalassemia, một chứng rối loạn máu nghiêm trọng gây nên. Mục tiêu của các nhà khoa học Trung Quốc là thay đổi gen và chỉ gen trong mọi tế bào để phát triển nên phôi.

Thế nhưng không có cái nào trong số 85 phôi người hoàn thành được những tiêu chí này. Trong phần lớn các trường hợp, phôi bị chết hoặc gen không bị thay đổi. Ngay cả 4 phôi có gen được chú trọng sửa đổi cũng có vấn đề, một số tế bào phôi “bất tuân” việc chỉnh sửa và xuất hiện những vết đốm trên ADN của các tế bào, đây là một dạng tác dụng phụ - sự đột biến ADN được gây ra từ chính nỗ lực chỉnh sửa. Dù thí nghiệm đã thất bại song nó vẫn tạo nên sự hoang mang, lo lắng bởi đây là hành động liên quan đến đạo đức làm dấy lên nỗi sợ hãi và khó có thể được chấp nhận rộng rãi. Các nhà nghiên cứu hàng đầu phải lên tiếng kêu gọi khẩn cấp yêu cầu tạm dừng dự án trên phôi người, ít nhất là cho đến khi nó được chứng minh là an toàn và xã hội chấp nhận nó.

Sự phản đối của các nhà nghiên cứu trên thế giới

Một số nhà nghiên cứu tỏ ra lo ngại rằng thí nghiệm của các nhà khoa học Trung Quốc chỉ là một cuộc dạo chơi buổi đầu và chắc chắn sẽ có những nỗ lực khác được tiếp tục với các ứng dụng lâm sàng. Các nhà khoa học quan ngại rằng kết quả sẽ là sự ra đời những đứa trẻ có tế bào được thay đổi. Điều này có thể xảy ra trước khi các nhà nghiên cứu nhận ra hậu quả của gen sửa đổi, trước khi họ biết về sự sửa đổi an toàn và trước cả khi xã hội có thể chấp thuận nó.

TS. George Q Daley, một nhà nghiên cứu tế bào gốc tại Harvard, người quan tâm đến thụ tinh trong ống nghiệm phát biểu: “Nghiên cứu của họ (các nhà khoa học Trung Quốc) nhất thiết nên tạm dừng. Đây là một thủ thuật không an toàn và không nên thực hiện tại thời điểm này và không nên lặp lại”. Còn TS. David Baltimore, một nhà sinh học phân tử đã đoạt giải Nobel, nguyên chủ tịch của Viện Công nghệ California (CIT) cho biết: “Từ thí nghiệm thất bại cho thấy sự chưa trưởng thành của ngành khoa học này. Chúng tôi học hỏi nhiều từ những cố gắng của họ, chủ yếu để tránh đi sai lầm mắc phải”.

Cũng phản đối thí nghiệm này, TS. Rudodf Jaenisch công tác tại Viện Công nghệ Masachusetts đưa ra câu hỏi đầy bức xúc rằng tại sao người ta lại muốn chỉnh sửa các gen phôi thai người để phòng chống dịch bệnh? Theo ông, ngay cả trong những trường hợp nghiêm trọng nhất như bệnh Huntington (là một bản sao đơn về gen bị đột biến được thừa hưởng từ cha mẹ và là căn nguyên chắc chắn gây bệnh) thì việc chỉnh sửa gen đã vướng phải những vấn đề đạo đức. Bởi cách thức gen được phân phối thì khi cha mẹ mắc bệnh này cũng chỉ có khoảng 50% người con thừa hưởng gen, 50% thì không. Vậy với việc chỉnh sửa gen, cắt và dán gen ngay từ khi trứng được thu thai thì dã có 50% trường hợp bị sửa gen và thay đổi vĩnh viễn ADN một cách oan uổng. Vì thế không thể chấp nhận đối với những phôi bình thường bị biến đổi.

Ghi nhận nhiều câu hỏi không có lời đáp về việc chỉnh sửa gen của phôi người, một nhóm các nhà nghiên cứu hàng đầu người Mỹ gần đây đã kêu gọi một lệnh cấm tạm thời việc chỉnh sửa gen cho những lý do lâm sàng.

Họ chỉ ra rằng, kiến thức hiện tại về gen và sự tương tác của chúng còn khá hạn chế và việc thay đổi gen mắc bệnh từ phôi có thể gặp những hậu quả không lường trước được, khi mà các thế hệ sau này của người được sửa chữa gen sẽ phải thừa hưởng những hệ quả đó. Các nhà khoa học Mỹ cũng đồng tình cho rằng, việc chỉnh sửa hệ gen trong phôi người bằng cách dùng các công nghệ hiện thời có thể tạo ra những tác động không dự báo trước được đối với những thế hệ tương lai. Nếu những hậu quả đó xảy ra, mọi người sẽ cảm nhận thế nào về chủng tộc và giống loài người?

(Theo Today, 2015)

Phan Bình

 

 


Ý kiến của bạn
Tags: