(Tưởng nhớ Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm)
PGS.NGND. Trần Thanh Đạm đã vĩnh biệt chúng ta vào một buổi sáng trời quang mây tạnh hiếm hoi giữa mùa mưa Sài Gòn, 8h15 sáng 2/11/2015 (nhằm ngày 21 tháng 9 Ất Mùi), hưởng thọ 84 tuổi. Thầy Trần Thanh Đạm sinh năm 1932, tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên. Thầy tham gia kháng chiến từ năm 17 tuổi. Sự nghiệp sư phạm của thầy lớn lên ngay trên bục giảng Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu, Khu học xá Trung ương, Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương. Rồi thầy chuyển lên dạy đại học với các vị trí Phó Trưởng khoa Ngữ văn ĐH Sư phạm Hà Nội, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục và Đào tạo phía Nam thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (từ năm 1999 đến nay là Viện Nghiên cứu Giáo dục thuộc ĐH Sư phạm TP.HCM), Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐH KHXH&NV thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM. Thầy cũng là Ủy viên Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và TP.HCM... Từng đoạt giải thưởng của Hội Văn nghệ Thừa Thiên vào năm 1950, cho thấy thầy Trần Thanh Đạm khởi đầu là một cây bút viết văn, nhưng rồi sau đó thầy chuyển sang nghiên cứu, viết lý luận, phê bình văn học. Thầy viết nhiều sách cho ngành sư phạm, nhiều tài liệu giảng dạy văn học dành cho các cấp... Thầy cũng cùng giảng viên, dịch giả Hán văn Phạm Thị Hảo - vợ thầy - dịch tác phẩm Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp (Trung Quốc), xuất bản năm 2007.

PGS.NGND. Trần Thanh Đạm (1932 - 2015).
Ngoài học vị Phó giáo sư và danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, còn có nhiều “nhà” khác thường đi cùng tên tuổi của thầy Trần Thanh Đạm như: nhà lý luận phê bình văn học, nhà sư phạm, nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học... Với riêng mình, tôi muốn “lược” hết những mỹ từ, danh hiệu ấy để luôn được gọi thầy là Thầy Đạm của tôi! Vì với tôi và có lẽ với tất cả những học trò cũ, thầy luôn gần gũi như một người anh, thân mật nhưng nghiêm khắc như một người cha. Với tôi, 4 năm từ 1976 đến 1980 được làm học trò thầy Đạm là 4 năm không thể nào quên vì đó là khóa học nằm gọn trong thời kỳ bao cấp nhọc nhằn, khóa học đó còn bị tác động mạnh mẽ bởi những sự kiện xã hội lớn như lệnh cấm vận của Mỹ, 2 đợt đổi tiền, chiến tranh biên giới Tây Nam... Tất cả những đợt “sóng thần” đó đánh ầm ập vào ngôi trường Đại học Sư phạm TP.HCM của thầy trò chúng tôi. Vừa học tập vừa phải chống chọi với cái đói, cái thiếu ăn thiếu mặc, thiếu tài liệu tham khảo, thiếu cả... giáo viên - vì ngày ấy hầu hết giảng viên Khoa Ngữ văn đều được thỉnh giảng từ Hà Nội vào. Những khi giảng viên không bay vào kịp, đám sinh viên chúng tôi chơi dài dài cả tuần, lúc có giảng viên bay vào thì thầy trò cắm đầu học ngày học đêm trong dăm ngày hay tuần lễ cho hết một bộ môn để thầy cô còn trở ra Bắc. Làm Hiệu trưởng một ngôi trường đại học đào tạo ra “cỗ máy cái cho ngành giáo dục” trong bối cảnh phức tạp như vậy mà tôi thấy thầy Đạm vẫn giữ phong thái ung dung. Thầy vẫn sắp xếp công việc lãnh đạo để lên lớp giảng dạy chúng tôi những tiết giảng văn Việt Nam thật uyên bác, sinh động, vui tươi!
Thế hệ sinh viên chúng tôi may mắn được “thọ giáo” những bậc thầy lớn như các thầy cô: Hoàng Như Mai, Lê Trí Viễn, Lê Đình Kỵ, Trần Thanh Đạm, Phạm Thị Hảo, Diệu Biên, Hoàng Nhân, Mai Quốc Liên, Lê Ngọc Trà, Phùng Quý Nhâm... Thầy cô tên tuổi lớn, tri thức uyên thâm cho nên mỗi thầy có phương pháp và phong cách giảng dạy không lẫn vào nhau được. Riêng thầy Đạm thì khi giảng văn thường ngồi ở bàn giảng viên, giảng bài bằng giọng Bình Trị Thiên ngọt như rót mật, có lẽ để tránh không khí đều đều dễ gây buồn tẻ, thỉnh thoảng thầy tìm ra một tứ lạ, ý mới tâm đắc trong lời giảng, thế là thầy cười rất to, rất sảng khoái, có khi thầy vừa cười rất lâu vừa tiếp tục giảng bài, không khí thật vui vẻ. Ngày ấy, sinh viên chúng tôi cũng được phát nhu yếu phẩm, bao gồm những thứ (mà bây giờ gọi là linh tinh) như đường, sữa hộp, bột ngọt, nước mắm... và có cả vài bao thuốc lá. Được xếp vào “nhu yếu phẩm” nghĩa là thuốc lá “cần thiết” và “phổ cập” lắm, vậy mà ngay giữa giờ giảng, thầy Đạm mỉa mai: “Tôi thấy sinh viên các anh ngậm điếu thuốc lá giống như con cóc ngậm giun!”, nói xong thầy cười sang sảng, cả lớp cười theo, trong khi hầu hết sinh viên chúng tôi lúc ấy đều là những con nghiện, dù có khi chỉ là theo phong trào. Thầy đưa vào bài giảng một lời răn dạy về sức khỏe hết sức nhẹ nhàng nhưng thấm thía, khiến đối tượng được dạy bảo chỉ biết nhe răng cười tiếp thu mà thôi.
Tôi là học trò nhưng đã có một số tác phẩm văn, thơ đăng trên báo chí lúc đó nên thường được thầy “rủ” lên căn hộ của gia đình thầy ngay trong Trường đại học Sư phạm TP.HCM cơ sở 222 Lê Văn Sỹ, Q.3 để trò chuyện văn chương. Ở đó, ngoài thầy và cô Hảo, thỉnh thoảng tôi cũng được ngồi cùng các thầy cô khác trong Khoa Ngữ văn. Bên những câu chuyện văn học không bao giờ dứt, tôi cũng chỉ thấy trên bàn salon nhà thầy bộ ấm tách trà, thi thoảng vào ngày Tết đến thăm mới thấy có chai rượu ai đó đã tặng, tôi cũng chưa thấy thầy Đạm uống bia rượu, hút thuốc lá bao giờ.
Vóc dáng thầy Đạm cao ráo, người cân đối, vẻ mặt trắng trẻo, nho nhã... Thầy không chỉ giữ gìn sức khỏe trong ăn uống. Sau này, khi đã tốt nghiệp, trở thành người hoạt động trong giới văn học nghệ thuật, tình cờ nhà tôi lại cách nhà thầy chỉ vài trăm mét. Sáng sớm tôi xỏ giày chạy bộ ở Công viên Lê Văn Tám hoặc Sở thú hay bờ kè kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì gần như sáng nào cũng gặp thầy đi bộ tập thể dục. Thầy trò chào nhau, hỏi thăm sức khỏe nhau rồi tôi nhìn theo dáng thầy đi dần xa, thấy thầy đã dần ngả về phía tuổi già, một bên vai đã lệch hơn bên vai kia, có lẽ do gánh nặng tuổi tác, hay chiếc gánh sự nghiệp giáo dục đặt trên vai non nửa thế kỷ đã đè lệch vai thầy?
Thương thầy quá!
Chia buồn!
Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm sinh năm 1932, tại xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nguyên là giáo viên Trường trung học Kháng chiến Nguyễn Chí Diểu, giáo viên Khu học xá Trung ương, giáo viên Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Phó Trưởng khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội 1, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP.HCM, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài Khoa Ngữ văn và Báo chí Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Nghệ thuật Trung ương, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm được tặng Huy chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm từ trần hồi 8h15 ngày 2/11 (nhằm ngày 21 tháng 9 Ất Mùi), hưởng thọ 84 tuổi.
Lễ viếng bắt đầu lúc 16h ngày 3/11 (22 tháng 9 Ất Mùi) tại Nhà tang lễ Thành phố, số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.HCM. Lễ truy điệu vào hồi 6h ngày 5/11 (24 tháng 9 Ất Mùi); Hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.
Ban biên tập báo Sức khỏe & Đời sống xin chia buồn cùng toàn thể gia quyến Phó giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Trần Thanh Đạm!
SK&ĐS
Bài và ảnh: HỒ THI CA