ThS.BS Tạ Xuân Trường – Phó khoa Nội tổng hợp, Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cho biết, bệnh nhân P.Q.Đ (nam, 35 tuổi, ở Kim Động, Hưng Yên) là bệnh nhân đầu tiên được can thiệp tĩnh mạch chi dưới không cần phẫu thuật tại Trung tâm ứng dụng công nghệ cao của BV.
Trước đó, theo lời kể của bệnh nhân D., anh này có biểu hiện tức nặng chân đặc biệt khi đứng lâu, gần đây bệnh nhân xuất hiện biến đổi sắc tố da ở vùng cổ chân. Bệnh nhân D. đã đến khám tại khoa Khám bệnh – Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp. Căn cứ vào kết quả thăm khám và siêu âm doppler mạch cho bệnh nhân, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân D. bị suy tĩnh mạch hiển lớn hai bên giai đoạn C4 (CEAP 4).
Các bác sĩ tư vấn cho bệnh nhân phương pháp điều trị mới căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới không cần phẫu thuật ở Trung tâm ứng dụng công nghệ cao bằng kỹ thuật can thiệp nội nhiệt tĩnh mạch bằng sóng có tần số radio (RFA).
Cùng với chuyên gia của Bệnh viện 108, các bác sĩ Trung tâm ứng dụng công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp đã tiến hành can thiệp thành công bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần.
Các bác sĩ tiến hành can thiệp cho bệnh nhân mắc suy tĩnh mạch chi dưới bằng sóng cao tần.
ThS.BS Tạ Xuân Trường – người trực tiếp thực hiện ca can thiệp cho bệnh nhân D. cho biết, với kỹ thuật này bệnh nhân sẽ được sử dụng sóng cao tần nhằm loại bỏ dòng máu trào ngược trong điều trị suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới, gọi tắt là RFA (radio frequency ablation).
“Phương pháp này có nhiều ưu điểm so với các phương pháp trước đây như tỉ lệ thành công cao trong việc loại bỏ dòng trào ngược (nguyên nhân gây bệnh). Ít đau, ít bầm máu. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày. Hơn nữa đảm bảo yếu tố thẩm mỹ cao (chỉ với một vết mổ 0,3cm duy nhất). Bệnh nhân an toàn, rất ít tai biến và biến chứng”- ThS. Trường cho hay.
Dễ nhầm lẫn với bệnh đau khớp
Theo ThS. Trường, các triệu chứng chủ yếu của bệnh suy giãn tĩnh mạch là bệnh nhân thường thấy chân bị sưng, phù... Các triệu chứng này thường xuất hiện vào buổi chiều tối sau một ngày làm việc phải đứng hay ngồi lâu và hết sau khi nằm nghỉ ngơi kê cao chân.
Bệnh nhân có cảm giác nặng chân, mỏi chân, đau nhức hoặc tê chân. Khi bệnh nhân đứng, các búi tĩnh mạch sẽ nổi rõ ngoằn ngoèo ở vùng đùi và cẳng chân. Ban đêm thường bị chuột rút ở chân. Da chân đậm màu, sạm da, ngứa da hoặc có vết loét.
"Đáng chú ý là phần lớn bệnh nhân không biết về bệnh gì, thường lầm tưởng là đau xương khớp hoặc bệnh ngoài da"- ThS. Trường nói.
Lãnh đạo BV chúc mừng người bệnh và kíp phẫu thuật sau khi điều trị can thiệp suy tĩnh mạch bằng kỹ thuật RFA thành công.
Theo các bác sĩ, các đối tượng dễ bị suy tĩnh mạch chân là những người lớn tuổi, bệnh suy giãn tĩnh mạch chân thường gặp ở những người từ 30 tuổi trở đi. Càng lớn tuổi càng dễ bị suy giãn tĩnh mạch chân. Ngày nay do tình trạng ít hoạt động và chế độ ăn ít chất sơ suy tĩnh mạch có thể gặp cả ở độ tuổi từ 20.
Yếu tố nghề nghiệp và giới tính cũng có ảnh hưởng nhất định. Những công việc ngồi lâu và ít vận động như: tài xế, nhân viên văn phòng, hoặc đứng lâu như đầu bếp, nhân viên bán hàng, thợ cắt tóc, giáo viên, phẫu thuật viên,.. dễ mắc bệnh hơn.
Phụ nữ dễ bị giãn tĩnh mạch chân do những thay đổi về hormone trong thay kỳ, kinh nguyệt và mãn kinh. Những người có cha mẹ, anh chị em bị giãn tĩnh mạch chân cũng dễ mắc bệnh này.
Ngoài ra, tình trạng béo phì, thừa cân cũng làm tăng áp lực lên tĩnh mạch chân.
Thời gian khám: Thứ bảy hàng tuần từ 13h30 tới 16h 30 tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp Cơ sở 1 – km13 500, Quốc lộ 1A, Ngọc Hồi, Thanh Trì, TP Hà Nội.
Chủ Nhật hàng tuần từ 8h00 tới 11h tại Bệnh viện Đa khoa Nông Nghiệp Cơ sở 2 – số 16 ngõ 183 phố Đặng Tiến Đông, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Người dân quan tâm có thể liên hệ để được khám và tư vấn qua số điện thoại 0355538888.