Sáng nay, 19/11, PGS.TS Trần Danh Cường - người mang trong mình 2 vai trò: Thầy giáo và thầy thuốc, giảng viên cao cấp, chủ nhiệm Bộ môn Phụ sản - Trường Đại học Y Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương dậy sớm hơn mọi ngày...
Thầy Cường hồi hộp chuẩn bị trang phục và tinh thần để đến Cung văn hóa hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) dự một sự kiện quan trọng trong sự nghiệp làm thầy giáo của mình - lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) do Bộ GD&ĐT tổ chức...
Dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng vừa tròn 40 năm PGS.TS Trần Danh Cường gắn bó với nghề- nghiệp y, kể từ năm 1982- cậu tân sinh viên năm nhất Trần Danh Cường bước vào các giảng đường của ngôi trường có bề dày lịch sử - Đại học Y Hà Nội.
40 năm gắn bó với nghề y, thầy Cường trên bục giảng đã có 6 năm liên tiếp được sinh viên Y4 và Y6 của Trường Đại học Y Hà Nội bình chọn là thầy giáo được yêu thích nhất. Còn nhiều những năm khác là yêu thích nhì, yêu thích ba... Và, dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, thầy Cường là 1 trong 2 nhà giáo đại diện cho hàng nghìn thầy cô giáo ngành y nhận danh hiệu nhà giáo tiêu biểu của cả nước.
Ở vai trò là thầy Cường- bác sĩ, sự tận tâm, tận lực và tận trí của ông đã mang lại sức khỏe cho nhiều rất nhiều chị em và niềm hạnh phúc làm cha mẹ của hàng nghìn gia đình...
"Tôi không nghĩ mình sẽ theo nghề y mà lại còn làm cả thầy giáo"
"Thực sự tôi cũng không nghĩ mình sẽ đi theo nghề y đâu, nhưng ý thức về nghề này có từ trong tôi rất sớm và nó đến như một cơ duyên lạ. Tôi có ông chú đi bộ đội được về phép kể chuyện phiếm, trong bộ đội bác sĩ là sướng nhất. Khi đánh nhau thì chạy sau, rút quân được đi ô tô. Trẻ con lúc đó có biết gì đâu, cứ nghĩ như thế sướng thật. Câu chuyện phiếm của người chú như một sự tình cờ trở thành nguồn động lực thôi thúc tôi lựa chọn ngành y và sau đó đỗ vào Đại học Y Hà Nội"- PGS.TS Trần Danh Cường kể
Năm 1982, cậu học trò nghèo từ quê hương Bắc Giang lên Hà Nội với hành trang: một cái túi và một chiếc chiếu.
"Lại là một cơ duyên, hôm đó, chúng tôi vào văn phòng bộ môn Phụ sản được gặp GS Dương Thị Cương, trong khi bình thường cô rất bận ở bệnh phòng. Cô gọi chúng tôi vào hỏi về thành tích, tôi thưa thi lâm sàng và lý thuyết đều được 9 điểm, cô chọn luôn. Đúng là nghề chọn người, chứ người không chọn nghề. Bản chất tôi không thích Sản khoa nhưng vì không có xe đạp lại trở thành thầy Cường "sản" hiện tại"- PGS. TS Trần Danh Cường nhớ lại.
PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ, khoảng năm 1992, lúc đó ông đã tốt nghiệp bác sĩ nội trú, làm ở Bộ môn Phụ sản nhưng là một cán bộ hợp đồng không có lương, còn lương ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng rất thấp. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội ngày ấy có mở lời bảo ông về làm việc vừa có lương vừa được vào biên chế, nhưng khi ông hỏi xin ý kiến GS Dương Thị Cương thì cô bảo: "Em đi đâu thì đi nhưng cô vẫn nhận em ở bộ môn Phụ sản".
Nhắc đến cố giáo sư, nhà giáo Dương Thị Cương (nguyên Trưởng Bộ môn Phụ sản, Viện trưởng Viện bảo vệ bà mẹ và trẻ sơ sinh- nay là Bệnh viện Phụ sản Trung ương), PGS.TS Trần Danh Cường không khỏi xúc động: "Chính cô đã nhận tôi vào học nội trú, nhận tôi vào bộ môn nên tôi đã chọn ở lại, không đến nơi có điều kiện tốt hơn. Cho đến hôm nay, tôi vẫn luôn ghi nhớ những chỉ bảo, quan tâm của cô để tôi thành một thầy Cường - nhà giáo và thầy Cường - bác sĩ sản như bây giờ".
Trưởng Bộ môn Phụ sản - Trường Đại học Y Hà Nội bảo rằng ông chọn làm thầy thuốc nhưng cơ duyên cho ông làm thêm nghề thầy giáo. Ông được các thầy cô truyền thụ cho kiến thức, để rồi ông lại tiếp bước các thầy cô làm người đưa đò.
"Tôi được vinh danh là nhà giáo tiêu biểu của ngành y, đây là vinh dự rất lớn và rất tự hào, tuy nhiên để có thầy Cường hôm nay là công rất lớn của các thầy các cô đã đào tạo, uốn nắn... Vì thế niềm vinh dự này tôi xin kính tặng các thầy giáo, cô giáo trong và ngoài nước đã truyền thụ kiến thức, cảm hứng yêu nghề, dạy cho tôi phương pháp và nghiệp vụ làm nhà giáo, thầy thuốc. Tôi cũng tặng niềm vui này đến Bộ môn Phụ sản và các thế hệ học trò đã từng nghe thầy Cường giảng bài..."- PGS.TS Trần Danh Cường chia sẻ bên lề buổi lễ vinh danh 400 nhà giáo, nhà quản lý giáo dục tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam của Bộ GD&ĐT.
Làm thầy giáo - thầy thuốc: Cả đời đều phải học
Khi chúng tôi trao đổi về câu chuyện một số y bác sĩ trẻ đang chật vật bám trụ với nghề, là người thầy và là nhà quản lý bệnh viện ông có quan điểm thế nào, PGS.TS Trần Danh Cường cho hay, lựa chọn vào nghề y phải xác định là sẽ phải trải qua nhiều khó khăn, bởi đó là nghề đặc thù liên quan đến chữa bệnh cứu người.
Đã liên quan đến con người thì không có gì dễ, kể cả trong điều kiện môi trường thực hành tốt nhất, trang thiết bị tốt nhất vì diễn biến bệnh tật của con người không thể lường trước, cho nên với nghề y bản thân thầy thuốc cũng chính là một học trò, phải học tập liên tục, học cho đến khi không còn hành nghề...
"Đối với các bác sĩ trẻ hiện nay trong bối cảnh ngành y phải đối diện với nhiều khó khăn, chúng tôi chỉ mong các bạn hãy luôn tâm niệm theo nghề thuốc lấy sứ mệnh cứu người làm mục tiêu cho nghề nghiệp. Khi đối diện với vất vả, khó khăn, chúng ta sẽ trưởng thành, sẽ sáng tạo và vượt qua được để làm sao khám bệnh tốt nhất, đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, từ đó chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt nhất"- PGS.TS Trần Danh Cường nhắn nhủ...
Cũng theo PGS.TS Trần Danh Cường, mỗi một thầy thuốc đều luôn đồng thời đóng vai trò là một thầy giáo để truyền thụ kiến thức cho các thế hệ sau, cho các đồng nghiệp trẻ tuyến dưới..
Vậy giữa thầy Cường trên bục giảng và trong phòng mổ có khác nhau không? Ông cho rằng chỉ khác nhau duy nhất là ở hai vị trí: giảng đường và phòng mổ, còn lại vẫn là 'thầy Cường sản say nghề, yêu học trò, yêu bệnh viện...'
Thầy Cường trong phòng mổ đóng vai trò là người chữa bệnh phải tập trung cao độ, phải cẩn trọng từng chút nhỏ nhất, dồn hết tâm sức, trí lực cho người bệnh để mang lại cho bệnh nhân sức khoẻ.
Còn thầy Cường trên giảng đường thì thế nào nhỉ? "Khó nói quá, nhưng với tôi mỗi lần lên giảng bài là một lần cho mình ôn lại kiến thức, mỗi bài giảng là một kiến thức. Muốn dạy các em tốt, cập nhật kiến thức y khoa, chính bản thân người thầy giáo, cô giáo cũng phải học hỏi hàng ngày vì kiến thức y học là mênh mông, mô hình bệnh học thay đổi liên tục"- PGS.TS Trần Danh Cường nói.
Theo ông, để truyền cảm hứng cho học trò- các bác sĩ tương lai niềm đam mê yêu nghề, bản thân ông luôn cho sinh viên, học viên nhìn thấy đam mê với nghề y của người thầy, cùng đó vì kiến thức y học thường khô khan nên trong lúc giảng bài thầy Cường cũng luôn đưa ví dụ thực tiễn từ thăm khám bệnh, từ cuộc sống để minh họa cho bài học đỡ nhàm chán, người học đỡ buồn ngủ khi nghe giảng.
"Những kiến thức chúng ta khám bệnh, giảng dạy và học hỏi từ đồng nghiệp, từ các thầy cô sẽ bồi dưỡng thêm cho chính mình trong công việc và cuộc sống"- PGS.TS Trần Danh Cường bày tỏ.