Thầy cô và những 'chuyến đò' vượt bão táp COVID-19

20-11-2021 08:17 | Xã hội

SKĐS - COVID-19 xuất hiện và kéo dài dai dẳng tạo ra thực trạng chưa từng có từ trước đến nay của thầy trò khắp mọi miền đất nước. Lần đầu tiên thầy trò dạy và học thiếu bảng đen phấn trắng. Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy...

14 năm cần mẫn "lái đò", thầy Lê Huy Chính - Trường Tiểu học Sơn Kim 2, Hương Sơn, Hà Tĩnh không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học; xây dựng kế hoạch bài học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh.

Trong năm học vừa qua do tình hình dịch bệnh COVID-19 kéo dài, bản thân thầy Chính là một giáo viên được phân công phụ trách công nghệ thông tin đã tổ chức tập huấn cho giáo viên trong trường sử dụng các phần mềm như: Zoom, Google meet để tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh nhằm hoàn thành chương trình dạy học.

"Tôi xây dựng và hướng dẫn các đồng nghiệp của mình xây dựng những bài giảng điển tử E - learning để phục vụ việc dạy học. Lớp 5A do tôi phụ trách có 100% học sinh tham gia học trực tuyến. Với các em không có phương tiện học trực tuyến, tôi đã tổ chức cho các em học học theo cặp, theo nhóm từ 2-3 em" - thầy Chính chia sẻ.

Với mong muốn đem lại những tiết học hiệu quả, sinh động, thú vị không nhàm chán, thầy Lê Anh Đông - Trường THPT Ngô Quyền, huyện Phú Riềng, Bình Phước đã dành nhiều thời gian soạn powerpoint, soạn bài, quay video gửi học sinh giúp các em hiểu bài, tìm tòi và sử dụng công nghệ. Sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh, bên cạnh công tác giảng dạy thầy Đông còn xung phong tình nguyện trực các chốt kiểm dịch của thôn của xã.

COVID-19 xuất hiện và kéo dài dai dẳng tạo ra thực trạng chưa từng có từ trước đến nay của thầy trò khắp mọi miền đất nước. Lần đầu tiên thầy trò dạy và học thiếu bảng đen phấn trắng, nhưng điều này vẫn không làm thay đổi quyết tâm vượt qua kỳ thi tốt nghiệp của thầy Trang Giá Thành và các học trò Trường THPT Trần Văn Thời, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Quyết tâm "ngừng đến trường nhưng không ngừng học" thầy trò đã cùng nhau hoàn thành chương trình, cùng nhau ôn tập. Đúng nghĩa với từ "vùng sâu", các em thiếu đủ thứ, thiếu smartphone, laptop… đến thiếu wifi, 3G,… Nhưng không chịu khuất phục, thầy Thành thì miệt mài tìm thông tin, biến cái phòng làm việc nhỏ thành "trung tâm thu - phát sóng" còn trò thì thành các "ăngten vệ tinh".

"Lớp học chúng tôi không chỉ có thầy giảng bài mà ai cũng có thể giảng được. Học sinh nào biết, hiểu bài đều có thể là "thầy" cho những em chưa hiểu. Thời gian tiết học của chúng tôi không còn là 45 phút mà có thể kéo dài cả ngày, đến tận khuya....
Thầy giáo Trang Giá Thành nói.

Thầy Thành nghẹn ngào, thầy dạy trên địa bàn sông nước, phụ huynh thường tập trung làm ở khu công nghiệp ở TPHCM, Đồng Nai... để cung cấp kinh tế về cho gia đình. 

Sau khi dịch bệnh xảy ra, một số học sinh mất đi cha mẹ đã gặp khó khăn trong việc tiếp cận học tập, bị tổn thương tâm lý nên dễ bỏ học. Do vậy, thầy cô giáo và nhà trường phải thường xuyên quan tâm, động viên các em vượt qua giai đoạn khó khăn.

Được tiếp cận dự án tăng cường kỹ năng công nghệ thông tin và khoa học máy tính cho trẻ em Việt Nam, thầy Bùi Minh Đức - Trường Tiểu học và trung học cơ sở Phú Lương, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình không ngừng tìm tòi, đổi mới để về trường xây dựng kế hoạch và chia sẻ tới học sinh.

"Một trong những nội dung hay nhất tôi triển khai đó là lập trình Scratch. Ngoài Scratch tôi linh hoạt lồng ghép các ứng dụng khoa học máy tính vào giảng dạy nhằm thu hút và gây hứng thú đến học sinh trong mỗi tiết học như: Kahoot, bài giảng bằng Powerpoint, dạy học bằng các hình ảnh ví dụ trực quan" – thầy Đức nói.

Trong năm học 2020-2021 do sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các em học sinh được nghỉ ở nhà, thầy Đức đã mạnh dạn sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến như GoogleMeet, Zalo để trao đổi bài và gửi bài tập cho các em học sinh. Hơn nữa thầy còn sử dụng Google Form để tạo các câu hỏi trắc nghiệm cho các em học sinh ôn tập củng cố và có đánh giá trên zalo. Các video ngắn về các bài lập trình Scratch cũng như Microbit trên Youtube cũng được thầy chia sẻ để các em học sinh có thể tham khảo thêm.

Đem chữ lên non

Ở xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, Lai Châu, không ai là không biết đến cô giáo Đặng Thị Hà - Trường Mầm non Tà Tổng. Trường Mầm non số 1 Tà Tổng là nơi cô Hà "dừng chân" - một ngôi trường vùng đặc biệt khó khăn trường lớp đều là tranh tre, nứa lá tất cả đều mới lạ, điểm bản xa chỉ có một giáo viên. 

Hàng ngày bên lớp học nhỏ đơn sơ cùng các con với tình yêu, sự chia sẻ những khó khăn, thiếu thốn của các con, cô Hà luôn mong muốn mang lại những gì tốt đẹp nhất đến với các con để các con dần hòa nhập và nhận biết thế giới xung quanh trẻ bằng cách làm những bộ đồ dùng đồ chơi bằng nguyên vật liệu phế thải sẵn có tại địa phương như: cát, sỏi, tre, nứa… làm nguyên vật liệu và đồ dùng dạy học và các mô hình giúp trẻ phát triển vận động bằng lốp xe cũ, mô hình biển đảo quê hương... giúp các con hứng thú học tập và yêu thích đến trường.

Thầy cô và những 'chuyến đò' vượt bão táp COVID-19 - Ảnh 3.

Tri ân, động viên các thầy cô vượt khó dạy và học.

Là một giáo viên dạy tại một ngôi trường đặc biệt khó khăn nhưng chưa giây phút nào cô giáo trẻ nản lòng mà luôn hy vọng và tin tưởng nhiều hơn. Chính niềm tin đó giúp cô vững vàng với lựa chọn của mình, tự tin trong việc rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, trong nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, sáng kiến áp dụng vào giảng dạy, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương nơi công tác đem lại niềm tin của phụ huynh và đồng nghiệp.

Học sinh ở Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Giồng Riềng, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang gần như 100% là học sinh người Khmer. Thầy Huỳnh Bá Hiếu cho biết, gia đình nhiều em còn rất khó khăn, không có thiết bị học trực tuyến, hầu như đa số các em khi tham gia học trực tuyến đều không thể tương tác với giáo viên. Các em không biết nút nào chat, giơ tay, nộp bài, vào hệ thống vnEdu LMS học như thế nào. Thầy trò phải hàng đêm kết nối và chính thầy Hiếu phải cần mẫn hướng dẫn cho từng em.

Trong mùa dịch COVID-19, thầy Hiếu cũng đã giúp và hỗ trợ được rất nhiều giáo viên qua các buổi tập huấn của Phòng giáo dục và đào tạo Giồng Riềng để giáo viên có thể tham gia giảng dạy trực tuyến; giới thiệu các chương trình cho giáo viên và cách sử dụng như: Mentimeter, Padlet, Geogebra, Google Forms,… đảm bảo việc dạy trực tuyến cho học sinh.

Thầy cô và những 'chuyến đò' vượt bão táp COVID-19 - Ảnh 4.

"Chính các thầy cô là người khơi dậy khát vọng cho nhau và cho học sinh để vươn lên, sống có lý tưởng và cống hiến", Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh chia sẻ.

Chia sẻ cùng thầy cô...

Sáng 20/11, tại Hà Nội, Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" 2021 – tuyên dương các giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong điều kiện khó khăn như bị thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh COVID-19 ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng chịu ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19.

Sau 6 lần tổ chức, Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" đã tuyên dương 340 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo; thầy giáo, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho các học sinh là người dân tộc thiểu số tại các lớp học thuộc các trường Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở; thầy cô giáo là người dân tộc thiểu số đang trực tiếp dạy học cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn... 

Mỗi thầy giáo, cô giáo được tuyên dương được nhận 01 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và Bằng khen của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và nhiều phần thưởng có ý nghĩa khác. Chương trình đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các ban ngành ở Trung ương và được dư luận xã hội đánh giá cao.

Trước đó, trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt, biểu dương 50 thầy cô giáo được tuyên dương vào chiều ngày 18/11; Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp mặt, động viên và tặng Bằng khen cho 50 thầy cô giáo trong Chương trình vào sáng ngày 19/11/2021. Cũng trong sáng ngày 19/11/2021, đã diễn ra Diễn đàn "Áp dụng công nghệ đổi mới đổi với việc dạy và học cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn"...

Có thể nói, dù dịch bệnh đã làm xáo trộn nhiều mặt của xã hội nhưng dịch bệnh cũng làm sáng bừng nghị lực và sự sáng tạo của người thầy người cô. Chừng nào tấm lòng và nghị lực của các thầy cô còn đó, chừng đó ngành giáo dục sẽ vẫn có thể thích nghi và truyền tải kiến thức cho thế hệ tương lai của đất nước...

Đã qua thời gian rất dài, thầy trò không được tới trường. Chưa bao giờ một điều rất đỗi bình thường, giản dị là học sinh tới trường học lại trở nên khó khăn, thách thức đến vậy. Mong muốn tới trường vừa là của học trò, của phụ huynh, của thầy cô và của toàn xã hội.

Và vì vậy, nếu ngày tháng nào đó bình yên, chúng ta được cùng các học sinh tới trường, đó sẽ là một ngày quý giá. Thầy và trò được cùng nhau dạy và học trực tiếp dưới mái trường là một giá trị. Lần đầu tiên chúng ta thấy được tới trường trực tiếp nghe trống trường, gặp nhau vui chơi là một điều rất quý. Chúng ta cần nói với học sinh về giá trị của việc được tới trường học tập, nói về giá trị của sự bình yên, để trong lòng các em còn mãi cảm xúc và thái độ nâng niu, gìn giữ sự bình yên cho cuộc sống...

Dịch bệnh khiến việc dạy và học cần hết sức linh hoạt, linh hoạt để điều chỉnh, để ứng phó với các tình huống phức tạp. Đối với toàn ngành, linh hoạt thích ứng là một năng lực của ngành, thích ứng với các hoàn cảnh là năng lực của từng cá nhân. Chúng ta cần dạy cho học sinh năng lực thích ứng, khả năng linh hoạt nhưng lại phải biết giữ nguyên tắc và kiên trì theo đuổi cái ổn định lâu dài. Cần dạy cho học sinh biết cách học và đặc biệt là cách tự học. Đó là phương pháp vạn năng để học và trưởng thành trong thời đại thông tin bùng nổ hiện nay...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn

Xem thêm video đang được quan tâm:

Minh Đức
Ý kiến của bạn