Thầy cô nhận xét về độ khó của đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2025

19-10-2024 16:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 do Bộ GD&ĐT công bố, nhiều thầy cô giáo đã có những nhận xét cụ thể.

Nhận xét về đề thi tham khảo môn Toán kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, thầy Trần Mạnh Tùng – giáo viên dạy Toán tại Hà Nội cho biết: "Ngay khi đọc đề Toán, tôi và các đồng nghiệp đều nhận thấy ngay sự khác biệt rõ rệt so với trước đây, đề phân hóa mạnh và rất thách thức với thí sinh. Nếu giữ mức độ đề thi như thế này thì trong vài năm tới, điểm thi sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, đây cũng là hướng thay đổi tích cực, đúng với mục tiêu của chương trình mới là giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh. Đề thi dạng này cũng sẽ tác động trở lại làm thay đổi tích cực cách dạy và cách học trong thời gian tới".

Theo thầy Tùng, đề được xây dựng theo cấu trúc, định dạng mà Bộ GD&ĐT đã công bố từ trước. Kiến thức chủ yếu nằm ở lớp 12, còn phần lớp 10 và 11 chỉ ở mức cơ bản. Đề gồm 3 phần: Phần I (3 điểm): Câu trắc nghiệm nhiều phương án lựa chọn gồm 12 câu hỏi ở mức độ nhận biết và thông hiểu. Đây là phần dễ nhất của đề thi, tạo điều kiện lấy điểm cho phần lớn học sinh. Phần II (4 điểm): Câu trắc nghiệm đúng sai gồm 4 câu, mỗi câu 4 ý và được sắp xếp tăng dần độ khó từ cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng. Phần III (3 điểm): Câu trắc nghiệm trả lời ngắn gồm 6 câu ở cấp độ vận dụng. Đây là phần khó nhất của đề thi.

Đề thi có sự phân hóa mạnh hơn so với những năm trước: Nhận biết, thông hiểu, chỉ chiếm 60%; còn lại 40% là mức độ vận dụng. Với đề thi này, học sinh trung bình đạt 5 - 6 điểm; học sinh khá đạt 6 - 7 điểm; học sinh giỏi: 7 - 8 điểm. Để đạt từ 9 điểm trở lên học sinh cần nắm chắc kiến thức, có khả năng phân tích, tư duy tốt và kỹ năng tính toán nhanh.

"Một trong những thách thức lớn nhất của đề thi là có đến 50% các bài toán liên qua đến thực tế (chiếm 5 điểm). Đây là điểm nhấn của chương trình mới nhằm gắn môn Toán với thực tiễn song học sinh vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn do cả cách dạy và học chưa phù hợp".

Về điểm mới của đề thi, thầy Tùng cho rằng có năm điểm mới, đó là: toàn bộ đề thi không có bài nào chứa tham số; Không có hàm số hợp (dạng khó của những năm trước); Đề thi có phần thống kê, xác suất có điều kiện (theo chương trình mới, bỏ phần số phức và có thêm phần thống kê, xác suất có điều kiện); Có nhiều bài toán thực tế; đề thi giảm sự tính toán phức tạp và tăng phần tư duy, phân tích để giải quyết vấn đề.

"Để có thể đạt điểm cao, các em cần học chắc kiến thức nền tảng, hiểu bản chất vấn đề. Tăng cường liên hệ với các môn học khác, liên hệ thực tế. Bên cạnh đó cần rèn kỹ năng đọc đề, phân tích đề và lên phương án giải quyết vấn đề. Rèn kỹ năng tính toán nhanh và chính xác. Tăng cường luyện tập, giải toán và làm đề với đa dạng các nội dung, nhất là các bài toán ở phần III", thầy Tùng khuyên.

Thầy cô nhận xét về độ khó của đề thi tham khảo tốt nghiệp THPT 2025- Ảnh 1.

Thí sinh thi xong môn Toán tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Nội.

Với môn Ngữ văn, cô Phạm Thanh Nga - giáo viên Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho hay, cấu trúc đề thi bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình GDPT 2018, chấm dứt kiểu học Ngữ văn mẫu và tình trạng đoán đề, học tủ của học sinh.

"Nội dung phần đọc hiểu yêu cầu học sinh nắm chắc đặc trưng thể loại và có năng lực đọc hiểu tốt. Đối với phần viết, đề yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ có sự tích hợp từ phần đọc hiểu. Phần viết bài văn nghị luận xã hội có đề dạng mở, học sinh được quyền bày tỏ quan điểm, ý kiến. Theo tôi, đề tham khảo này vừa sức để xét tốt nghiệp. Với thí sinh dùng xét tuyển đại học, đề thi cần có sự phân hóa học sinh ở câu yêu cầu viết bài văn 600 chữ", cô Nga cho biết.

Theo Tổ Tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI, năm 2025 sẽ là năm đầu tiên triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT 2018. Đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh từ 2025 sẽ thay đổi hoàn toàn về cấu trúc đề thi và dạng thức của các câu hỏi nhằm đáp ứng định hướng đánh giá năng lực theo yêu cầu của chương trình GDPT mới, nội dung câu hỏi tập trung vào kỹ năng đọc hiểu, phân tích thông tin và sắp xếp ý logic của thí sinh.

Đề thi tập trung kiểm tra các kiến thức ngữ pháp và từ vựng nhưng không còn xuất hiện các câu hỏi ngắn mà được lồng ghép vào các dạng bài và toàn bộ đều dưới dạng đọc hiểu nhằm kiểm tra khả năng tư duy, đánh giá năng lực của thí sinh.

Theo nhận định của chuyên gia, sự thay đổi về cấu trúc và nội dung của đề thi cũng làm tăng độ khó của đề thi. Trong mỗi dạng bài đều có các câu hỏi ở các cấp độ nhận biết - thông hiểu - vận dụng; tuy nhiên học sinh cần phải đọc kỹ càng đoạn văn hơn vì nếu là các câu hỏi riêng lẻ thì học sinh có thể chỉ mất vài giây để chọn được đáp án nhưng dưới dạng đoạn văn thì học sinh sẽ mất thời gian hơn vì câu dài và có logic ý tứ. Đây cũng là một thách thức với học sinh vì phải xử lý 40 câu hỏi dưới dạng đoạn văn bản chỉ trong vòng 50 phút.

"Đây là một format đề thi hay và thách thức khi không còn việc làm bài theo mẹo mà cần phải học đúng - hiểu thật; vận dụng các kiến thức đầu vào về ngữ pháp nền tảng và từ vựng để xử lý bài thi dưới áp lực về thời gian và độ khó của các dạng bài. Cấu trúc và độ khó của đề thi phù hợp để xét tuyển đại học và các trường đại học có thể sẽ tăng chỉ tiêu xét tuyển vì một đề thi hay như này", Tổ Tiếng Anh - Hệ thống giáo dục HOCMAI nhận định.

2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo Chương trình GDPT 2018.

Thí sinh sẽ thi 4 môn, bao gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn lựa chọn (trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ). Dự kiến, kỳ thi diễn ra trong hai ngày 26-27/6/2025.

Bộ GD&ĐT cho biết sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học năm 2025, muộn nhất vào tháng 11.

Chi tiết đề tham khảo 17 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025Chi tiết đề tham khảo 17 môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025

SKĐS - Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) vừa công bố đề tham khảo kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đây là thông tin được nhiều phụ huynh, học sinh và nhà trường mong đợi.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn