PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, BV Việt Đức cho biết, chỏm quay tuy nhỏ nhưng là một khớp độc lập, rất quan trọng ở khớp khuỷu tay, chức năng của chỏm quay là quay xung quanh xương trụ, giúp khuỷu tay có thể quay, co duỗi, lật sấp ngửa, đồng thời góp phần tạo nên lực của cánh tay. Trong nhiều trường hợp chấn thương, hay tai nạn bệnh nhân thường bị vỡ, hoặc rạn xương khớp ở khu vực này. Với mức độ nhẹ, bác sĩ thường chỉ định cố định, kết hợp xương hoặc đặt lại xương bằng các dụng cụ. Tuy nhiên với các ca bệnh nặng, chỏm xương quay bị vỡ thành nhiều mảnh, không có khả năng kết hợp hoặc đặt lại xương, bác sĩ chỉ còn cách duy nhất là lấy các mảnh vỡ ra khỏi khớp của bệnh nhân bởi nếu không các mảnh vỡ sẽ bị kẹt trong khớp khiến bệnh nhân vận động khó khăn, cứng khớp, nặng sẽ bị đau khớp.
Gãy chỏm quay – chấn thương thường gặp
PGS Khánh cho biết, bệnh nhân tên là Nguyễn An V,. 24 tuổi, ở tại phố 6 Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội, nhập viện vì tai nạn xe máy với nhiều tổn thương: chấn thương hàm mặt, gãy răng cửa, gãy chỏm xương quay tay phải phức tạp độ 4 và gãy đầu dưới xương quay. Bố của bệnh nhân V. – ông Nguyễn Phi Hùng cho biết, khi bị tai nạn, V. được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thạch Thất, sau đó được chuyển lên BV Việt Đức. Khi tai nạn xảy ra, khuỷu tay cháu rất đau, sưng, sau khi chiếu chụp, bác sĩ cho biết cháu bị gãy 2 chỗ ở tay rất phức tạp và có chỉ định phẫu thuật.
Chỏm quay nhân tạo (bên trái) và chỏm quay của bệnh nhân bị vỡ thành 6 mảnh được lấy ra (ảnh phải)
PGS Khánh – người đã trực tiếp tiến hành ca phẫu thuật chia sẻ, đây là một bệnh nhân trẻ tuổi, lại bị tai nạn bên tay thuận, tương lai còn rất dài phía trước, nên các bác sĩ cố gắng hết sức phục hồi chức năng vận động của bệnh nhân. Khi mổ ra, riêng phần chỏm quay, bác sĩ đã lấy được 6 mảnh vỡ, khả năng ghép xương, đặt lại xương là điều không thể vì mỗi mảnh vỡ ở chỏm quay có kích thước rất nhỏ 0,5cm (5mm), không thể đặt bằng kim. Các bác sĩ đã tiến hành thay khớp chỏm quay cho bệnh nhân V. Qua trao đổi với phóng viên, người nhà bệnh nhân V cho biết, đến thời điểm này, bệnh nhân đã có thể co hết, duỗi, úp và ngửa tay được.
Hình ảnh X quang của bệnh nhân trước mổ (ảnh trái) và sau khi đặt chỏm quay nhân tạo (ảnh phải)
Cũng bị chấn thương nặng do tai nạn, nhưng phức tạp hơn, bệnh nhân Phạm Văn H. , 25 tuổi, ở Khánh Thiện, Yên Khánh, Ninh Bình nhập viện trong tình trạng vỡ mỏm khuỷu, vỡ mỏm vẹt nhỏ, vỡ trật phức tạp chỏm xương quay độ 4, PGS Khánh cho hay. Nguyên nhân là do bệnh nhân bị ngã ở độ cao 2m trong khi đang lao động. Với trường hợp này nếu chỉ lấy bỏ mỏm khuỷu bị vỡ, mỏm vẹt không có khả năng cứu chữa, chắc chắn khớp khuỷu của bệnh nhân sẽ mất vững, khớp có xu hướng bị trật. Đây là bệnh nhân thương tổn rất nặng, các bác sĩ phải đồng thời tiến hành 3 kỹ thuật thay chỏm quay nhân tạo, cố định mỏm khuỷu, đặt lại khớp khuỷu và cố định lại.
Thay chỏm quay nhân tạo trong các trường hợp gãy chỏm quay phức tạp
PGS Khánh cho biết, chấn thương khớp khuỷu với tổn thương gãy chỏm quay là chấn thương thường gặp, tuy nhiên tùy vào từng trường hợp mà bác sĩ sẽ cho chỉ định phù hợp. Với gãy chỏm quay mức độ nhẹ, độ 1, 2 có chỉ định đặt lại xương, cố định bằng kim, vít… Với trường hợp gãy vụn, gãy phức tạp thì bắt buộc phải lấy bỏ chỏm quay. Trước đây, trong những trường hợp vỡ nát chỏm xương quay, bác sĩ chỉ có thể lấy các mảnh vỡ ra khỏi khớp của người bệnh, nếu không các mảnh khớp bị kẹt trong khớp sẽ càng khiến bệnh nhận vận động khó khăn. Khi lấy bỏ chỏm quay, nguy cơ bệnh nhân sẽ bị cứng khớp hoặc hạn chế gấp duỗi khớp khuỷu, mất vững thậm chí có thể gây trật khớp.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó viện trưởng Viện chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Việt Đức
PGS Khánh chia sẻ, thời gian trước do kỹ thuật chưa đáp ứng, trang thiết bị chưa có, nên chúng ta chưa thực hiện các ca phẫu thuật như vậy. Tuy nhiên, đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã tiến hành những ca thay chỏm quay nhân tạo đầu tiên, dự kiến kỹ thuật này sẽ được thực hiện thường xuyên tại bệnh viện. Mỗi phẫu thuật thay chỏm quay nhân tạo chỉ mất khoảng 20 phút, với các vật liệu khớp nhân tạo trơ sinh học, sau ghép bệnh nhân không phải dùng thuốc chống thải ghép vì khớp không gây phản ứng thải ghép. Kỹ thuật thay chỏm quay nhân tạo được đưa vào thực hiện sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động của khớp khuỷu tay trong các trường hợp chấn thương ở vùng chỏm quay.