Hà Nội

Thấu hiểu người bệnh

04-10-2013 07:27 | Y tế
google news

Hôm nay, trời mưa suốt từ sáng kéo dài đến tận trưa. Những cơn nắng gay gắt đã dịu đi, thời tiết đã sang thu. Mình cảm nhận được sự mát mẻ của những cơn gió thu mang đến.

Hôm nay, trời mưa suốt từ sáng kéo dài đến tận trưa. Những cơn nắng gay gắt đã dịu đi, thời tiết đã sang thu. Mình cảm nhận được sự mát mẻ của những cơn gió thu mang đến.

Bệnh nhân đến khám hôm nay vắng hơn mọi ngày. Có một bệnh nhân tên K. ở Hòa Bình đã khám bệnh từ lâu, hôm nay quay lại khám. Bác làm giáo viên ở một trường cấp 2, năm nay đã nghỉ hưu được 5 năm, ở cái tuổi xưa nay hiếm, lẽ ra bác ấy phải được nghỉ ngơi, vui đùa cùng con cháu nhưng trong lòng vẫn mang nặng nhiều nỗi lo lắng tưởng chừng không thể nào giải thoát được. Thấy hôm nay có ít bệnh nhân đến khám, bác ấy ngồi kể hết tâm sự với mình: Cuộc đời của tôi sao khổ vậy hả cô, tuổi trẻ tôi đã không hạnh phúc, không lấy được người tôi yêu thương, thế rồi qua một người giới thiệu, tôi quen bà vợ tôi bây giờ, chúng tôi lấy nhau nhưng cuộc sống không hạnh phúc, tôi có một cậu con trai, một cô con gái. Hai vợ chồng tôi thường xuyên mâu thuẫn, con trai tôi bị trầm cảm, năm nay 36 tuổi vẫn chưa lấy vợ, tôi buồn quá! Cách đây 2 năm, tôi bán căn nhà mặt phố giá rẻ quá, mua vào căn nhà trong ngõ, bây giờ tôi tiếc quá bác sĩ ơi...

Thấu hiểu người bệnh 1
 Người bệnh rất cần sự sẻ chia của thầy thuốc.

Vẫn là những lời như vậy, lần nào đến khám bác ấy cũng kể ra những chuyện đã xảy ra từ lâu lắm rồi, từ thời quá khứ cách đây nhiều năm. Lần sau càng than thở nhiều hơn lần trước, lần nào mình cũng nói với bác ấy cần phải học một phương pháp là sống trong những ngăn kín của thời gian, mọi chuyện đã xảy ra trong quá khứ là những điều không thay đổi được, bác không được suy nghĩ nhiều về nó, bác phải sống cho hiện tại và nghĩ về tương lai. Vấn đề bệnh tật của bác tất cả là từ trong suy nghĩ của bác mà ra. Bác suy nghĩ theo hướng tích cực thì cuộc sống của bác là màu hồng, nếu bác suy nghĩ theo hướng tiêu cực thì nó sẽ mang một màu xám xịt.

Dường như những lần tư vấn của mình cũng đem lại hiệu quả nhưng không nhiều, cứ nói chuyện xong, bác ấy thấy đúng, thấy hợp lý nhưng về nhà, hình như mọi việc lại đâu vào đấy. Lần này, mình động viên bác ấy vào trị liệu tâm lý trong phòng điều trị tâm lý, hy vọng lần sau bác ấy sẽ đỡ hơn. Mình hiểu là những bệnh nhân có những vấn đề sang chấn tâm lý không tìm ra lối thoát thường khó khỏi bệnh và họ cần có sự chia sẻ của bác sĩ như là những người bạn tâm tình.

Có một cô bệnh nhân ở Hải Dương, sau một thời gian chữa bệnh lo âu, mất ngủ, nhờ sự cố gắng của bản thân và sự điều trị của bác sĩ, bệnh đã ổn định nhiều nhưng cô vẫn kiên trì điều trị căn bệnh rối loạn lo âu lan tỏa, một căn bệnh mà không phải ai cũng có thể hiểu và chia sẻ được với người bệnh. Cô tâm sự: Bác sĩ ạ, chả ai hiểu căn bệnh này của tôi, mọi người bảo tôi như thế này là không có bệnh gì, người tôi vẫn khỏe, tôi vẫn bán hàng bình thường vậy mà tại sao tôi lại phải đi khám bệnh? Kể cả chồng và con tôi đều không hiểu, họ cho là tôi giả vờ, cứ thích đi khám, tôi không biết giải thích thế nào vì tôi không có chuyên môn, nhưng tôi thường xuyên mất ngủ, trong người cảm thấy bồn chồn, bứt dứt khó chịu, tim đập nhanh, hồi hộp, đi ngoài phân lỏng, mệt mỏi... Tôi đã đi khám ở rất nhiều bệnh viện nhưng đến đây tôi mới thấy bệnh của mình đỡ và lạ thế bác sĩ ạ, từ ngày uống thuốc và điều trị ở đây, tôi khỏi cả bệnh rối loạn tiêu hóa. Mình hỏi lại: “Thế mỗi lần chị đi khám thế này lấy tiền đâu mà mua thuốc?”. “Mỗi lần đi khám, tôi đều phải giấu chồng tôi, tiền thuốc hết nhiều, tôi phải nói dối với chồng tôi là hết ít, có lúc bán hàng tôi phải bớt cả tiền đi để hàng tháng lại đi khám bác sĩ ạ! Cũng may trời phù hộ, tôi đỡ bệnh và bán hàng lại đắt khách nên mới có tiền chữa bệnh. Tôi xin cám ơn bác sĩ, chỉ có lên đây với bác sĩ tôi mới có thể kể hết được những điều mà chồng con tôi cũng không thể hiểu được”.

Mình cảm thấy vui vui vì những tâm sự của cô bệnh nhân, đó như một món quà tinh thần lớn giúp cho mình thêm yêu nghề, yêu sự lựa chọn chuyên ngành bác sĩ tâm thần của mình.

Mình chợt nhớ lại lời nói của triết gia Plato: “Sai lầm lớn nhất của các thầy thuốc là cố gắng chữa trị phần thể xác mà không cố gắng cứu chữa tinh thần của người bệnh. Họ đã quên rằng tinh thần và thể xác luôn là bạn đồng hành cùng nhau”.

BS. YẾN TRANG


Ý kiến của bạn