Cuốn tiểu thuyết giới thiệu chúng ta đến một thế giới xa lạ
Robinson có - tự - kỷ của tôi là tiểu thuyết đầu tay của tác giả người Bỉ Laurent Demoulin, xuất bản năm 2016. Ngay khi ra đời, cuốn sách đã lập tức thu hút sự chú ý của văn đàn và đạt được giải Victor – Rossel, một trong những giải thưởng danh giá nhất của văn học Bỉ.
Ông Pierre Mertens, Chủ tịch hội đồng giám khảo giải Rossel 2017, nhận xét về tiểu thuyết này: "Đó không phải là một cuốn sách. Nó là một hiện tượng và giống như một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, nhưng sau đó hoàn toàn không giống với hình ảnh của một cuốn tiểu thuyết lãng mạn theo cách truyền thống.
Đó là một cuốn tiểu thuyết giới thiệu chúng ta đến một thế giới xa lạ. Một cuốn sách chứa đựng nhiều cảm xúc tốt, người ta có thể đồng cảm với các nhân vật nhưng nó được thể hiện rất cân bằng và không khiến chúng ta bị tổn thương. Laurent Demoulin nói với chúng ta về một vấn đề đang diễn ra trong xã hội, đồng thời tác giả khiến mọi người vui mừng vì đã đem tới những thông điệp nghệ thuật đặc sắc".
Hội đồng giám khảo giải Rossel của Bỉ nhận định, tác phẩm đã tôn vinh tính nhân văn sâu sắc. Xoay quanh đứa trẻ tự kỷ Robinson, nhà văn kể lại, gợi mở hàng loạt tình huống, lát cắt của cuộc sống hàng ngày, đôi khi gay cấn, đôi khi vụn vặt, thậm chí hài hước.
Robinson có-tự-kỷ của tôi có gì hấp dẫn?
Câu chuyện trong cuốn Robinson có-tự-kỷ của tôi xoay quanh cậu bé Robinson và bố. Robinson là một cậu bé tự kỷ, thể xác tuy lớn lên nhưng trí tuệ thì chững lại. Bố của Robinson là một giáo sư văn học không ngại chinh chiến khắp các giảng đường lớn nhỏ để phân tích về sự kỳ diệu và quyền lực mềm của ngôn ngữ, nhưng hoàn toàn bất lực khi có đứa con trai chẳng giống những đứa trẻ bình thường.
Bằng tất cả sự vụng về nhưng đầy can đảm, người bố ấy dấn thân vào hòn đảo cô độc của đứa con trai yêu dấu, một thế giới không được vận hành theo cách ta có thể sử dụng vốn kinh nghiệm và bản năng sẵn có.
Băng qua những lát cắt ngắn dài trong cuộc sống của hai cha con, nơi mọi chuyển động bình dị nhất hiện ra trước mắt: đi siêu thị, tản bộ, cùng ăn uống, tắm rửa, chơi đùa… ta nhận ra sự tinh tế nhưng cũng đầy hài hước trong lối viết của Laurent Demoulin - người có khả năng biến những trải nghiệm đau đớn, tuyệt vọng bậc nhất thành một khúc ca dịu êm của tình phụ tử. Trật tự thành hỗn độn, lộn xộn hóa hài hòa, cuốn sách đã khiến chúng ta nhận ra cuộc đời này đủ rộng lớn để chào đón tất cả những khác biệt như là một tên gọi khác của "con người".
Một vài trích đoạn trong cuốn sách có lẽ các bậc phụ huynh nói chung và có con tự kỷ nói riêng sẽ cảm thấy đồng cảm: Thường thì cha mẹ của những đứa trẻ có - tự kỷ phải chịu đựng ánh mắt của "người ta": còn tôi, chẳng hề. Ở bên cạnh Robinson bé nhỏ, tôi trở thành một ánh nhìn thuần túy. Tất cả các ông bố bà mẹ theo đúng nghĩa đều muốn các con mình hạnh phúc. Tất cả các ông bố bà mẹ, trừ những kẻ ngốc nghếch hạnh phúc, đều biết rằng hạnh phúc là không thể chạm tới: ít nhất, họ có thể giả vờ tin rằng các con của họ sẽ được hưởng một cơ chế đặc biệt…
Theo nhà báo Françoise Dargent của tờ Le Figaro: "Dõi bước theo cuộc phiêu lưu của hai cha con, dấn thân vào cuộc sống hằng ngày đầy rẫy những thách thức, chúng ta có thể đo lường theo chiều kích sử thi về sự tồn tại của họ. Một cuốn sách chan chứa chuyển động và hơi thở cuộc sống".
Tác giả Laurent Demoulin sẽ có buổi giao lưu về cuốn sách trong khuôn khổ chương trình Ngày hội Văn học Bỉ sử dụng tiếng Pháp 2021 tại Việt Nam do Phái đoàn Bỉ hợp tác với Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức chiều 3/12 tại Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hà Nội) theo hình thức trực tuyến.