Dư luận thường hay phàn nàn ngành y tế nhưng xem ra phần lớn là những đồn thổi bởi bất cứ ngành nào tiếp xúc với dân thường bị soi nhiều nhất, so với những ngành không tiếp xúc với dân. Thế nhưng dư luận thật công bằng khi mấy hôm nay đang sôi lên khi biết tin một cháu bé bị tai nạn giao thông, mất máu nặng được đưa vào Bệnh viện Thạch Thành - Thanh Hóa đã được các thầy thuốc ở đây cứu sống bằng dòng máu của chính mình.
“Dòng máu chính mình” không phải là hình ảnh nói về nhiệt huyết của thầy thuốc mà dòng máu thực trong cuộc đời thực theo đúng nghĩa không hề bóng bẩy theo kiểu văn chương. Đúng là chả cứ BV Thạch Thành thiếu máu dự trữ mà là khó khăn chung hầu như của tất cả các bệnh viện lớn nhỏ trên cả nước. Thế nhưng không đổ tại khách quan, các thầy thuốc ở đây đã từ lâu vượt khó khăn vận động nhau lập đội tình nguyện hiến máu để dòng máu người thầy thuốc được hòa trong máu nhân dân của mình.
Không ồn ào bằng những thành tích lớn lao, chỉ một việc âm thầm “rủ nhau” góp máu bản thân để dự trữ cứu người mà không hề khoe khoang, “tuyên truyền”, nhân dân đã thấy trong đó những nhân cách lớn, những phẩm chất thầy thuốc. Đây đó có thể còn chuyện vòi vĩnh của thầy thuốc, nhưng dường như nhiều người thường lấy nỗi khó khăn chung của xã hội gây cho mình trút ráo lên thầy thuốc là thiếu công bằng. Bệnh viện quá tải, đi khám bệnh phải chờ đợi lâu chẳng hạn thì ngay thầy thuốc cũng chẳng muốn điều này bởi BV đâu có thể xây thêm mà phải là chính quyền sở tại cấp tỉnh, thành.
Cháu bé bị tai nạn giao thông, mất máu nặng được đưa vào Bệnh viện Thạch Thành - Thanh Hóa đã được các thầy thuốc ở đây cứu sống bằng dòng máu của chính mình
Báo SK&ĐS đang có cuộc thi “Sự hi sinh thầm lặng” và nếu có nhà văn, nhà báo nào viết một việc này thôi cũng đủ thuyết phục hơn mọi lời giải thích, thanh minh hay tuyên truyền về y đức.
“Cứu một người phúc đẳng hà sa” khiến tôi liên tưởng tới việc cứu hàng vạn ngư dân miền Trung đang nghèo đói sau vụ Formosa xả thải đầu độc biển. Rất mừng khi thấy nhiều vị lãnh đạo Bộ TN-MT rủ nhau tắm biển và ăn cá ở bãi biển Cửa Việt (Quảng Trị). Lại có hội nghị mà có ý kiến tuyên bố “biển tự làm sạch”. Thế nhưng sức khỏe con người trước những mối đe dọa không thể dựa vào cảm tính. 2.000 tấn cá đang tồn kho chỉ ở riêng một tỉnh như Quảng Bình và 9/9 mẫu xét nghiệm ở Kỳ Anh là “có độc”.
Rất khách quan, Bộ Y tế không chịu bất kỳ sức ép nào vì bất kỳ mục đích gì cho tới nay vẫn chưa thể khẳng định là cá đã hết độc.
Ngày 22/8, tại một hội nghị, người ta công bố “biển sạch” nhưng Viện Kiểm nghiệm VSATTP có văn bản gửi Bộ Y tế cho biết trong 9 mẫu lấy từ gò cá Cẩm Nhượng, Kỳ Anh - Hà Tĩnh có 1 mẫu nhiễm cadimi vượt ngưỡng; 5 mẫu nhiễm cyanua vượt ngưỡng; 3 mẫu hàm lượng phenol vượt ngưỡng. Không vì dân không thể nói thẳng, nói thật như vậy thay bằng sự im lặng để tránh va chạm, phiền phức!
Với 2.000 tấn cá tồn kho không thể vì thương ngư dân mà “có thể luộc lên mà ăn”. Đấy không phải là giúp đỡ ngư dân để bán 2.000 tấn cá này ra thị trường. Như thế là hại ngư dân nói riêng và hại người tiêu dùng nói chung. Thương thật sự thì mua 2.000 tấn cá trên và tiêu hủy.
Thật - giả nhiều khi đang lẫn lộn và dư luận ghi nhận sự trung thực của Bộ Y tế bởi việc kiểm tra, xét nghiệm phải là một yêu cầu bắt buộc trước những nghi ngờ về thực phẩm bẩn, có độc dù khối lượng lớn nhỏ ra sao. Thực phẩm bẩn, biển nhiễm độc không thể làm cho sạch, hết nhiễm độc bằng hội nghị và càng không thể mời mấy vị lãnh đạo Bộ TN-MT tắm biển là biển sẽ sạch và hết nhiễm độc.
Cứu một mạng người bằng lương tâm và trách nhiệm có sẵn như tập thể các thầy thuốc BV Thạch Thành - Thanh Hóa với sự chuẩn bị nguồn máu từ chính trái tim mình là phẩm chất đội ngũ áo trắng. Dũng cảm nói ra sự thật để cứu hàng vạn, hàng triệu người tránh những bệnh tật, thương vong đến từ từ cũng là phẩm chất người thầy thuốc.
Phải chăng nghề y không có chỗ cho sự giả trá trú ngụ và thầy thuốc Việt Nam vẫn đang tiếp tục thầm lặng hy sinh vì nhân dân của mình.