Thất thu nghìn tỷ mỗi năm vì thuốc lá lậu

03-06-2014 23:08 | Thời sự
google news

SKĐS - Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013. Luật gồm 5 chương với 35 điều quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá. Sau hơn một năm đi vào cuộc sống, nhiều quy định của luật vẫn chỉ là quy định... trên giấy.

Triệt phá đường dây buôn lậu

Đại tá Đinh Văn Toản, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, liên tiếp trong thời gian qua, các lực lượng chức năng ra quân kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh thuốc lá và tình trạng buôn lậu thuốc lá. Theo đó, mới đây, Đội chống buôn lậu PC 46, Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá đường dây vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn thành phố, do đối tượng Nguyễn Việt Dũng (có biệt hiệu Dũng “bến”; SN 1969, có hộ khẩu tại số 20 ngõ 70 phố Thanh Đàm, phường Thanh Trì, Hà Nội), thu hơn 10.000 cây thuốc gồm các nhãn hiệu ngoại như: Esse, Marlboro, 555, Hero... do nước ngoài sản xuất.

Gần đây nhất, sáng ngày 31/5, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ gần 4.000 bao thuốc lá có xuất xứ nước ngoài thẩm lậu vào thị trường nội địa. Toàn bộ số thuốc lá này được cất giấu trên chiếc xe khách 74B 0075, chạy tuyến Quảng Trị - Hà Nội. Đại diện cơ quan chức năng cho biết, đây là số thuốc lá đã thẩm lậu vào Việt Nam qua khu vực cửa khẩu Lao Bảo, tỉnh Quảng Trị, một trong những điểm nóng nhất về buôn lậu thuốc lá.

Theo quy định, buôn lậu thuốc lá có số lượng từ 1.500 bao trở lên sẽ bị khởi tố hình sự. Trước tình hình buôn lậu thuốc lá ngày càng gia tăng trong khi lực lượng quản lý thị trường thì mỏng, nên hiệu quả thấp. Thuốc lá lậu đang làm thất thu ngân sách hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm và tác động trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Dễ như... mua bán thuốc lá lậu

Không gì dễ hơn việc mua một bao thuốc lá ngoại nhập lậu (loại thuốc không có tem nhập khẩu hoặc tem giả, không có hình ảnh cảnh báo về tác hại do thuốc lá gây ra) tại ngay Thủ đô Hà Nội. Việc nhập khẩu và tiêu thụ sản phẩm thuốc lá sản xuất ở nước ngoài trên thị trường Việt Nam đã được quy định rõ tại Điều 20 Nghị định 76. Tuy nhiên, nghiêm cấm là một chuyện, thực tế lại hoàn toàn khác vì hiện nay thuốc lá ngoại vẫn được bán công khai giữa Thủ đô như thách thức các cơ quan chức năng. Để đối phó với các lực lượng chức năng, phần lớn các tủ thuốc chỉ là vỏ bao, còn thuốc lá được dân buôn giấu ở gần đó, khi có khách thì họ ra lấy và mua bao nhiêu cũng có, nếu lấy những loại thuốc hiếm thì chỉ cần đặt lại ít tiền hôm sau quay lại sẽ có đầy đủ. Được biết trong năm 2014, Bộ Tài chính đã đồng ý hỗ trợ 3.500 đồng/bao thuốc lá lậu bị bắt giữ và đem tiêu hủy. Tuy nhiên, do lợi nhuận của một bao thuốc lá lậu gấp 30 lần một bao thuốc sản xuất nội địa nên tình trạng thuốc lá nhập lậu vẫn không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.

Mặc dù luật đã quy định cụ thể, rõ ràng như vậy nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, không nghiêm túc chấp hành. Bên cạnh đó, một số quy định của luật rất khó áp dụng vào cuộc sống vì đang tồn tại sự chồng chéo trong công tác quản lý, thanh tra, xử phạt vi phạm giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng, bên cạnh đó, việc tổ chức thực hiện Quyết định số 1315/QĐ-TTg, ngày 21/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ trong việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá thời gian qua chưa được thực hiện nghiêm túc, triệt để dẫn đến tình trạng “cấm cứ cấm, hút cứ hút”. Việc xử phạt chẳng khác nào “bắt cóc bỏ đĩa”?

Để Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được thực hiện nghiêm thì việc kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá rất quan trọng. Trong công tác tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, phải sử dụng phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với mặt hàng thuốc lá. Kiên quyết tịch thu, tiêu hủy các sản phẩm thuốc lá không rõ nguồn gốc, nhập lậu. Các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ xây dựng quy hoạch các vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất thuốc lá theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng nhiều địa phương có nhà máy sản xuất thuốc lá như hiện nay.         

Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng, hiện có khoảng 16 triệu người trưởng thành hút thuốc lá. Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, cả nước “đốt” hết khoảng 22.000 tỷ đồng, cùng với đó là khoảng 40.000 người chết vì các căn bệnh liên quan trực tiếp đến thuốc lá. Ðiều 11 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định địa điểm cấm hút thuốc lá bao gồm: cơ sở y tế; cơ sở giáo dục; cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao (khoản 1). Ðịa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà bao gồm: nơi làm việc; trường cao đẳng, đại học, học viện; địa điểm công cộng; phương tiện giao thông công cộng gồm ôtô, tàu bay, tàu điện (khoản 2).

Trần Lâm

 


Ý kiến của bạn