Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết sẽ thành lập trung tâm tác quyền điện ảnh, truyền hình trong thời gian tới.
Tiền tỉ rơi vào túi ai ?
Ông Alexander Van Duelmen, Giám đốc điều hành Công ty phát hành phim Studio A đặt câu hỏi: “Ai trong số các bạn ở đây từng vi phạm bản quyền điện ảnh, dù kín đáo hay công khai?”. Cả hội trường nơi diễn ra buổi tọa đàm về bản quyền tác phẩm điện ảnh, truyền hình trên các phương tiện truyền thông (vào sáng 17.12 tại Hà Nội) im phăng phắc. Với tình trạng đĩa lậu, xem trực tuyến miễn phí trên nhiều trang mạng như ở Việt Nam, việc vi phạm bản quyền là phổ biến và khó tránh.
“Chính vì thế, đến lúc cần phải thu hồi khoản tiền này. Nếu không, chúng ta không thể thúc đẩy sáng tạo. Không thể tiếp tục nghĩ theo kiểu ăn cắp sách thì không có lỗi được” - ông Nguyễn Văn Nhiêm, Giám đốc Công ty Studio A nói.
Chúng ta thu tiền quá cao, và thể thức không linh hoạt sẽ đẩy người ta vào thế phải ăn cắp phim, vi phạm bản quyền
Ông Nguyễn Văn Nhiêm,
Giám đốc Công ty Studio A
Khoản thất thoát mà ông Nhiêm nói đến thậm chí đã được tính toán cụ thể. Ông Đào Xuân Dũng, Công ty công nghệ cao CNC, cho biết: “Hiện mỗi năm chúng ta có khoảng 14,5 triệu lượt người xem video trên mạng. Khảo sát sơ bộ cho thấy 50 - 70% số người đó sẵn sàng trả tiền cho video. Mỗi người trong số này có thể chi 200.000 đồng/tháng cho việc xem các video trực tuyến. Như vậy, số tiền thu được lên tới 168 tỉ đồng/năm. Đó là con số ước tính chúng ta thất thoát”.
Một ví dụ khác mà ông Dũng đưa ra: “Chúng tôi chỉ thống kê lượt xem trên một trang web, thì đã có số người xem hai chương trình Giọng hát Việt trên internet lần lượt là 16 triệu và 32 triệu lượt. Nếu tính trên 400 trang web đang khai thác thì con số sẽ cực lớn. Ví dụ: chỉ cần thu 1.000 đồng cho mỗi lượt xem thì truyền hình đã không mất 95 tỉ cho 7 chương trình này (Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí 2013 và 5 bộ phim truyền hình khác - PV), chưa kể các chương trình khác”.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó cục trưởng Cục Bản quyền, cho biết con số thất thoát này quá lớn so với 40 tỉ đồng tiền tác quyền âm nhạc thu được trong năm 2013. “Chính vì thế, là nhà quản lý, chúng tôi ủng hộ việc thành lập một đơn vị tác quyền điện ảnh”, bà Oanh nói.
Không đẩy công chúng vào thế phải ăn cắp
Tuy nhiên, việc thu tiền tác quyền điện ảnh, theo những người làm nghề lại phụ thuộc rất nhiều điều: pháp chế, cơ chế thu, giá thu.
“Chúng ta thu tiền quá cao, và thể thức không linh hoạt sẽ đẩy người ta vào thế phải ăn cắp phim, vi phạm bản quyền”, ông Nguyễn Văn Nhiêm nói. “Ở đây có vấn đề hệ thống cấu trúc của phát hành và phổ biến phim. Thí dụ bây giờ hệ thống cà phê phim HD có đến hàng chục nghìn quán. Nếu bán 500.000 đồng/phim thôi thì họ không đủ sức mua. Nhưng nếu chỉ bán 100.000 đồng/phim thì người ta sẽ xếp hàng mua để không bị rắc rối với pháp luật”.
Đây cũng là điều mà NSND Đặng Nhật Minh kêu ca về việc phát hành phim. Chẳng hạn, với tác phẩm Đừng đốt của ông, nếu muốn phát trên truyền hình phải trả tiền bản quyền rất cao cho công ty đang nắm bản quyền là BHD. “Một hội hữu nghị Nhật - Việt đặt mua phim này để làm mấy trăm đĩa DVD, có phụ đề tiếng Nhật phát ở Nhật, BHD cũng đòi bản quyền. Làm phi lợi nhuận, phía Nhật hỏi sao lại nhiều tiền thế”, ông Minh bức xúc.
Cũng chính vì vậy, ông Nhiêm cho biết ông đã được Hội Điện ảnh giao nhiệm vụ mau chóng thành lập trung tâm bản quyền điện ảnh. “Đã đến lúc chúng ta phải có tổ chức bảo vệ bản quyền điện ảnh, truyền hình rồi, không thể chậm được nữa”, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nói.
Tuy nhiên, việc thu tiền trên mạng chắc chắn sẽ vẫn khó khăn. Trên thực tế, thu tiền tải nhạc trên mạng chính là điều Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc cũng thấy bất lực.
Theo Thanh niên