Theo thống kê cho thấy, riêng tại Hà Nội, từ đầu năm đến tháng 9/2011, đã có hơn 10.450 người lao động đến Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Nội đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, trong khi cả năm 2010 chỉ có gần 4.200 người đăng ký. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, có trên 70.000 người lao động đăng ký thất nghiệp, trong khi cả năm 2010 là 6a7.000 người. Theo nhận định của Bộ LĐ-TB&XH thì số người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp gia tăng một cách bất thường.
Nguyên nhân theo các chuyên gia về lao động và bảo hiểm cho rằng ngoài việc do kinh tế khó khăn, doanh nghiệp giải thể hoặc thu hẹp sản xuất, thay đổi cơ cấu lao động thì có hiện tượng đăng ký bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi. Theo quy định, mức đóng bảo hiểm tự nguyện với người sử dụng lao động là 1%, người lao động là 1% và Nhà nước hỗ trợ 1%. Người lao động chỉ cần đóng đủ 12 - 36 tháng là được hưởng trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Do mức đóng rất thấp nên nhiều người lao động không thất nghiệp vẫn đăng ký để được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chỉ cần có mức lương 2 triệu đồng/tháng, cả doanh nghiệp và người lao động chỉ phải đóng khoảng gần 50 nghìn/năm tiền bảo hiểm thất nghiệp, nhưng nếu người lao động bị mất việc, nghỉ việc, doanh nghiệp không phải trả trợ cấp nửa tháng lương/năm là 1 triệu đồng và người lao động được nhận trợ cấp thất nghiệp 60% lương của 3 tháng là 3,6 triệu đồng. Từ cái lợi này, có nhiều trường hợp người lao động và doanh nghiệp bắt tay với nhau để doanh nghiệp có quyết định nghỉ việc cho người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong khi thực tế người lao động vẫn làm việc, hưởng lương. Như vậy, cả doanh nghiệp và người lao động đều có lợi vì doanh nghiệp không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động. Cả doanh nghiệp và người lao động đều có thể trục lợi từ chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đấy là chưa kể người lao động khi đã chấm dứt việc làm ở doanh nghiệp này nhưng sau một thời gian ngắn lại tiếp tục trở lại doanh nghiệp đó làm việc hoặc làm việc tại doanh nghiệp khác mà vẫn được thanh toán bảo hiểm thất nghiệp. Chính vì doanh nghiệp và người lao động đều... quá lợi nên không ít đối tượng lợi dụng để “moi” từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Và nếu cứ cái đà này thì số lượng thất nghiệp ảo sẽ tăng lên là điều dễ hiểu.
Ở một góc độ khác cho thấy cần phải kiểm soát kỹ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp phá sản thường nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nên chính những lao động trong các doanh nghiệp thực sự thất nghiệp lại không được hưởng chính sách do không đủ hồ sơ. Trong khi nếu có sự thông đồng, móc nối thì các đối tượng khác lại lạm dụng được chính sách này. Đây là vấn đề cần đặt ra cho các cơ quan chức năng vì nếu không quản lý tốt sẽ dẫn tới những kẽ hở, tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người lao động lạm dụng để trục lợi.
Như vậy, chính sách về bảo hiểm thất nghiệp sau một thời gian triển khai bên cạnh những ưu điểm thì cũng đã nảy sinh nhiều vấn đề, cần được rà soát lại để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Nguyễn Thanh