Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con mình vượt qua cú sốc tâm lý này?
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe & Đời sống về vấn đề này, GS.TS. Vũ Dũng - Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, cha mẹ phải luôn là nguồn động viên tinh thần cho các con. Trước thất bại này, thay vì la mắng, khiển trách, cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho con khi các em không đạt được điều mình mong muốn.
Theo GS.TS. Vũ Dũng, trước kỳ thi, sự nghiêm khắc đối với con em là điều cần thiết, nhưng sau đó, chính cha mẹ cũng cần nhẹ nhàng hơn, bởi sự quở trách không thể thay đổi được kết quả điểm thi mà đôi khi còn để lại những hậu quả đáng tiếc. Cha mẹ cũng cần cùng con tìm ra nguyên nhân của thất bại và giúp các em vơi đi nỗi thất vọng, tự trách móc bản thân. "Gia đình hãy là nơi để các em trở về khi vấp ngã và lại từ đó mà mạnh mẽ để đứng lên".
Về phía các cơ quan quản lý xã hội, Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam cho rằng, các chương trình giáo dục, các kỳ thi chuyển cấp, hết cấp không quá nặng để tạo áp lực lớn cho học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có nhiều điều kiện vui chơi hơn. Đây là điều kiện quan trọng giảm bớt căng thẳng tâm lý cho học sinh.
Dưới góc độ nhà quản lý giáo dục, TS. Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho biết thêm, trường hợp học sinh xuất hiện những suy nghĩ tiêu cực sau khi nhận kết quả thi không như mong đợi khá phổ biến.
Trên thực tế, cứ sau mỗi đợt công bố kết quả thi, chúng ta lại chứng kiến nhiều em học sinh bị stress, rối loạn sức khỏe tâm thần, thậm chí một số trường hợp quá căng thẳng dẫn đến hành vi tự tử… Đó là những hệ quả liên quan đến kết quả thi cử không như mong muốn.
Đối với một số học sinh, việc đổ vỡ trong thi cử là cú sốc lớn đầu đời, làm cho các em mất đi niềm tin vào chính bản thân mình và khả năng thành công trong tương lai. Điều này có thể dẫn đến một hệ lụy tiêu cực khác. Học sinh có thể tiếp tục những sai lầm trong việc ra các quyết định không phù hợp với khả năng của bản thân. Đặc biệt, việc tiếp tục hướng nghiệp, chọn ngành, nghề sai có thể dẫn đến những ngã rẽ sai lầm khác… đều ảnh hưởng đến tương lai sau này của các em.
TS. Hoàng Trung Học cho biết: "Quan tâm, chấp nhận thực tế, thấu cảm và động viên con là việc nên làm của những cha/mẹ có con không đạt được kết quả thi như kỳ vọng. Việc chì chiết, bỏ rơi có thể làm các con cảm thấy cô đơn, có nguy cơ gia tăng những cảm xúc tiêu cực và hành vi tự xâm kích. Động viên con trẻ về mặt tinh thần, khích lệ con nhìn về tương lai với con mắt lạc quan là điều các vị phụ huynh nên làm vào lúc này để giúp con vượt qua những khúc cua thậm chí còn lớn hơn phía trước.
Cha mẹ cần làm cho con hiểu việc thi cử và thành công trong thi cử chỉ là một cột mốc trong cuộc đời. Thành công hay thất bại của kỳ thi này không đồng nghĩa với việc cuộc đời con sẽ thành công hay thất bại!".
Học sinh vừa trải qua 2 kỳ thi căng thẳng trong cuộc đời học sinh đó là kỳ thi vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp THPT
Đối với học sinh lớp 9 thi vào lớp 10, có thể nói đây là kỳ thi tạo áp lực lớn nhất cho học sinh và các gia đình học sinh (nó còn tạo áp lực lớn hơn kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào đại học). Đó là áp lực phải vào được các trường THPT công lập hay các trường THPT có chất lượng tốt. Áp lực này tạo ra sự lo lắng, căng thẳng rất lớn đối với học sinh.
Đối với học sinh lớp 12 phải thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuy áp lực của kỳ thi này không lớn bằng kỳ thi vào lớp 10, song vẫn là một thử thách lớn đối với học sinh. Vì kết quả của kỳ thi này liên quan đến việc các em vào các trường đại học. Kết quả thi tốt sẽ đảm bảo cho các em vào các trường đại học có uy tín và sau này tốt nghiệp các trường đại học có uy tín các em sẽ có việc làm tốt. Chính vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn tạo ra căng thẳng, lo lắng cho phần lớn học sinh.