Chân núi bị múc nham nhở cách nhà dân không xa, nguy cơ đất đá đổ ập vào nhà bất cứ lúc nào.
Lo sợ khi mùa mưa đến
Có mặt tại khu vực sạt lở Rú Truông, chúng tôi thấy, một dải chân núi sạt lở kéo dài hàng trăm mét, một số đoạn, dấu vết gàu máy múc dày chi chít vẫn còn mới. Nhiều vị trí sát lở tiếp giáp với vườn nhà dân. Phía trên, những vết nứt to chạy ngang theo sườn núi. Một số vị trí đã được cắm biển cảnh báo sạt lở núi.
Ông Nguyễn Trọng Thắng, nhà nằm sát chân núi nói trong lo lắng, năm 1987, ông và một số hộ ra ở vùng đất này, chân núi khi ấy rất thoai thoải, không dựng đứng như bây giờ. Qua thời gian, do khai thác đất nên chân núi sâu xuống. Đợt mưa năm ngoái, nước và đất tràn vào trong nhà. Nếu chính quyền xã không giải quyết sớm thì nhiều khối đất đá sẽ trụt vào nhà dân.
Một người dân còn cho biết thêm, đất ở khu vực chân núi có nhiều đối tượng lợi dụng xúc trộm đi bán cho một số công trình. Tháng 8 năm ngoái, 1 doanh nghiệp về múc đất 2 tháng liền để san lấp mặt bằng, sau đó, mưa lớn đất và bùn tràn cả vào nhà.
Trước hiện tượng sạt lở núi, UBND xã Nam Thái, Nam Đàn, Nghệ An đã làm tờ trình đề nghị lên các cấp có giải pháp khắc phục tình trạng trên nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân sống dưới chân núi.
Ông Văn Bá Hòa, Chủ tịch UBND xã Nam Thái cho biết, sạt lở ở Rú Truông có nhiều nguyên. Trong đó, có nguyên nhân do một số hộ dân cải tạo vườn cho doanh nghiệp lấy đất san mặt bằng khoảng 1ha để làm xưởng lắp ráp máy nông nghiệp.
“Từ năm ngoái đến nay, mỗi khi có mưa dài ngày, UBND xã phải thông báo cho người dân di dời đi nơi khác và cử công an trực để bảo vệ tài sản cho họ. Việc thực hiện xử lý sạt lở cũng khó khăn vì cán bộ xã không đủ chuyên môn để tính toán, thiết kế”- ông Hòa nói.
Trước nguy cơ lở núi, UBND xã Nam Thái, Nam Đàn đã cho cắm biển cảnh báo cho người dân được biết
Doanh nghiệp sẽ đầu tư để xử lí
Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đàn, Nghệ An do đợt mưa lớn cuối tháng 10/2020, tại khu vực Rú Truông đã gây ra hiện tượng sạt lở đất chạy dọc theo sườn núi làm ảnh hưởng đến anh toàn tính mạng, tài sản của 10 hộ dân với 52 nhân khẩu và đang có dấu hiệu ngày càng phức tạp.
Hiện nay, vết nứt rộng nhất từ 2,5 đến 3m, sâu khoảng 8 đến 10m, nối tiếp nhau dài khoảng 1000m, diện tích sụt lún 40.000m2, dự kiến có khoảng 188.000m3 đất đá cần phải xử lý. Đây là diện tích đất lâm nghiệp giao khoán cho các hộ dân khoảng 11.000m2; diện tích UBND xã Nam Thái quản lý khoảng 10.000m2; diện tích Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý khoảng 19.000m2.
Nguyên nhân sự cố trên là do đặc điểm thổ nhưỡng đồi núi dốc, bề mặt đất có kết cấu không ổn định, lòng đất là lớp phong hóa có cường độ thấp với nhiều mạch nước ngầm.
Theo thời gian, nước tích tụ làm giảm sức kháng cắt, phá vỡ liên kết của đất hình thành cung trượt tại bề mặt tiếp giáp giữa đất với đá. Năm 2020, nới đây bị đào lấy đất đắp nền đường nên chân núi không vững; do mưa lớn, kéo dài, nước chảy vào các vết nứt thâm nhập sâu vào các tầng địa chất làm giảm ma sát các lớp đất tăng thêm nguy cơ sạt lở.
Ngày 24/3/2021, UBND huyện Nam Đàn đã gửi tờ trình đề nghị UBND tỉnh Nghệ An và các sở, ngành liên quan công bố lệnh khẩn cấp sạt lở tại Rú Truông và có phương án nạo vét, cắt mái taluy chống sạt lở trước màu mưa lũ năm 2021.
Liên quan đến sạt lở núi Rú Truông, sau khi các sở, ngành liên quan kiểm tra thực địa, ngày 5/4/2021, Sở NN&PTNT đã có công văn số 1042/SNN-QLXD báo cáo với UBND tỉnh Nghệ An. Theo đó, ngoài kiểm tra các vết nứt hiện trường, tại thời điểm kiểm tra (ngày 10/3/2021) còn phát hiện dấu vết đào mới và đắp bờ bao sát chân núi.
Nhìn từ xa, trên đỉnh Rú Truông các vết nứt hiện ra ngày càng rõ nét
Sở này đã đề nghị UBNĐ tỉnh Nghệ An chỉ đạo huyện Nam Đàn tăng cường công tác kiểm tra, không để tình trạng lấy đất tự phát, đắp bờ bao tác động vào chân núi gây mất chân, gây sạt lở và có thể làm hiện tượng sạt lở diễn biến xấu thêm.
Sở NN&PTNT Nghệ An còn khẳng định, các vết sạt trượt đã xuất hiện từ năm 2019 đến năm 2020 và đang diễn biến phát triển dần đến nay. Do đó, không đủ cơ sở và điều kiện theo quy định để ban hành lệnh khẩn cấp.
Sở NN&PTNT cũng thống nhất với đề nghị của UBND huyện Nam Đàn sử dụng biện pháp công trình như: cắt đỉnh, giật cấp, hạ độ cao núi. Kinh phí thực hiện lấy từ nguồn tận thu đất, đá trong quá trình thi công và thực hiện đóng phí tài nguyên theo quy định.
Ngày 6/4/2021, UBND tỉnh Nghệ An có công văn số 1949/UBND-NN giao UBND huyện Nam Đàn khẩn trương thực hiện đo đạc, thống kê khối lượng, kích thước, vị trí, cao độ so với chân núi, diễn biến các vết nứt xuất hiện làm cơ sở để đề xuất phương án xử lý, đảm bảo an toàn.
Ông Hồ Sỹ Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết, huyện đã lập đoàn kiểm tra hiện trường, báo cáo với UBND tỉnh, cùng các sở, ngành liên quan về tình hình sự cố và chủ động đề xuất các giải pháp khắc phục. Phương án tái định cư cho các hộ dân không, hiện nay, thể thực hiện vì không có kinh phí. Chính quyền đang tìm kiếm doanh nghiệp để họ bỏ kinh phí xử lý và tận thu đất đá trong quá trình thi công đảm bảo đúng quy định của pháp luật.