Thấp thỏm sống bên bờ sông Gianh sạt lở

15-09-2022 16:39 | Xã hội
google news

SKĐS - Nguy hiểm luôn bám lấy người dân khi tình trạng sạt lở xảy ra liên tục và ngày càng nghiêm trọng. Người dân mong sao chính quyền, các cấp ban ngành sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm thực trạng sạt lở.

Hiện nay, tình trạng sạt lở bờ sông Gianh đoạn chảy qua các xã Châu Hóa, Mai Hóa, Đức Hóa, Thuận Hóa, Tiến Hóa thuộc huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tình trạng này diễn ra suốt nhiều năm qua nhưng chưa có phương án hiệu quả nào được thực hiện để ngăn chặn triệt để. 

Vậy nên cứ mỗi năm đi qua, lòng sông lại ăn sâu vào bờ lấy đi nhiều phần đất sản xuất, đất ở, uy hiếp nhà dân khiến bà con luôn sống trong bất an.

Nỗi bất an thường trực trước mùa mưa bão của người dân bên bờ sông Gianh - Ảnh 1.

Sạt lở bờ sông nghiêm trọng, người dân thấp thỏm, bất an.

Gia đình bà Lê Thị Hồng Phước, ở thôn Lạc Sơn, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) sống bên bờ sông Gianh hàng chục năm nay. Ngôi nhà của gia đình bà Phước được xây kiên cố, tuy nhiên, nhiều năm qua, gia đình vẫn luôn phải sống trong cảnh chạy lũ mỗi khi mùa mưa bão về. Dù gia đình bà đã tự bỏ một ít kinh phí đầu tư xây dựng kè bao quanh gần nơi ở, nhưng tình trạng sạt lở ngày một nghiêm trọng khiến gia đình bà hết sức lo lắng.

"Tôi sống ở đây từ năm 1993 đến giờ. Ở đây năm nào cũng sạt lở cứ đến mùa lũ là tôi cũng đi trú hết. Giờ chỉ mong cấp trên quan tâm xây dựng cái kè cho vững chắc để người dân ở đây được yên tâm sinh sống ổn định", bà Phước cho biết.

Nỗi bất an thường trực trước mùa mưa bão của người dân bên bờ sông Gianh - Ảnh 2.

Tình trạng sạt lở xảy ra suốt nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng.

Ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch UBND xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết, chính quyền xã thường xuyên đề nghị các ban, ngành sớm có giải pháp kịp thời đảm bảo an toàn, để người dân không phải sống trong cảnh bất an vì sạt lở bờ sông.

"Các cơ quan chức năng cũng đã đến kiểm tra, tuy nhiên nguồn vốn để xử lý vấn đề sạt lở này rất lớn. Do đó với tầm của huyện và các sở ngành chưa thể triển khai ngay được. Tôi mong muốn các cấp, ngành, UBND tỉnh đề xuất các bộ ngành trung ương hỗ trợ nguồn vốn để làm kè kiên cố để đảm bảo tính mạng và tài sản người dân" - ông Hoàng nói.

Còn tại xã Tiến Hoá, huyện Minh Hoá, gia đình chị Bùi Thị Thanh cũng chưa thể vơi nỗi bất an khi mùa mưa bão sắp đến mà nhà chị lại nằm sát mép sông. Mỗi lần lũ về, vùng bờ sông phía sau nhà lại bị khoét sâu gần phần móng nhà chị.

Nỗi bất an thường trực trước mùa mưa bão của người dân bên bờ sông Gianh - Ảnh 3.

Người dân tự bỏ kinh phí xây rào gia cố quanh nhà chống sạt lở đất.

Những người dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở không biết khi nào dòng nước lũ sẽ "nuốt" hết phần đất sinh sống, sản xuất của mình. Vậy nên trước mỗi mùa mưa bão họ cùng hàng xóm phải tính toán để sơ tán người và của đến nơi an toàn.

"Hiện nay chúng tôi đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà sát lại các điểm sạt lở dọc các sông trước mùa mưa bão, xây dựng các phương án nếu sạt lở ảnh hưởng đến các hộ dân sống gần đó thì tổ chức di dời đến nơi an toàn. Bên cạnh đó phối hợp với Chi cục phát triển Nông thôn hỗ trợ nguồn tái định cư cho người dân từ vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn để ổn định đời sống người dân", ông Đinh Xuân Thường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) cho biết.

Nỗi bất an thường trực trước mùa mưa bão của người dân bên bờ sông Gianh - Ảnh 4.

Người dân nhìn ra bờ sống lo lắng khi mùa mưa bão lại sắp đến.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa qua Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão lụt trong thời gian tới.

Tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (là cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình) rà soát lại những khu vực xung yếu, nguy hiểm có nguy cơ cao sạt lở để có giải pháp giảm tránh thiệt hại. Khẩn trương hoàn thành các công trình phòng chống lụt bão như đê, kè ven sông, hồ đập trước mùa mưa bão.

Theo ông Thắng, để ứng phó với thiên tai, phương châm "4 tại chỗ" sẽ được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ chỉ huy, lực lượng, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, hậu cần, đảm bảo tính chủ động, kịp thời và hiệu quả.


Hùng Trần
Ý kiến của bạn