Thấp thỏm ruộng đồng, đau đáu thương yêu

12-05-2016 17:45 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Câu chuyện của cánh đồng là tập tản văn của nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X Nguyễn Thị Việt Hà, mới được Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2016.

Câu chuyện của cánh đồng là tập tản văn của nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X Nguyễn Thị Việt Hà, mới được Nhà xuất bản Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh ấn hành năm 2016. Sách không quá dày, gần 230 trang với 48 bài viết, nhưng bìa của nó lại rất “con gái”: trang nhã, đẹp với nhiều cỏ cây, hoa lá mướt một màu xanh hoang sơ của ruộng đồng thời chưa bị ô nhiễm thuốc trừ sâu, hóa chất tăng trưởng và đô thị hóa, khiến người đọc cảm thấy yên tâm vì đây là một tác phẩm văn chương “sạch”.

Nguyễn Thị Việt Hà là nữ nhà văn thuộc thế hệ 7X. Vài năm nữa chị mới cập tuổi tứ tuần và Việt Hà là người mới chỉ xuất hiện trên văn đàn vài năm trở lại đây, từ 2013, nhưng xem ra lưng vốn văn chương đã đong đầy so với độ tuổi của chị, gồm: Con đò và thiếu phụ (Tập truyện ngắn, 2013); Bức thư tình thứ 901 (Tập truyện ngắn, 2014); Mưa vẫn rơi ngoài hiên (Tập truyện ngắn, 2014); Bình minh mùa thu (Tiểu thuyết, 2014); Khi chúng ta già (Tập thơ, 2014); Đánh thức ban mai (Tập tùy bút, 2015) và gần đây nhất là Câu chuyện của cánh đồng. Vậy là trong quãng thời gian hơn 3 năm, chị đã tả xung hữu đột ở hầu hết các thể loại văn chương cơ bản như truyện ngắn, tiểu thuyết, thơ, tùy bút, tản văn. Chưa vội bàn đến chất lượng tác phẩm, nhưng nhìn qua những gì đã làm, đủ biết chị là người luôn có khát vọng đổi mới, tìm tòi và thể nghiệm, chí ít là về khía cạnh thể loại. Và với ngần ấy đứa con tinh thần đã chào đời của người phụ nữ “mắn đẻ” này, còn cho  thấy một năng lực lao động quá sung mãn, nếu không muốn nói là phi thường của người phụ nữ gốc miền Tây này.

Đọc tản văn của Nguyễn Thị Việt Hà, trước hết tôi thấy chị là người  may mắn khi được sống chậm giữa thời đại @, khi mà mọi việc, mọi điều xảy ra trong cuộc sống hàng ngày đều có thể được số hóa (digital). Dường như khi người ta sống trong lòng những đô thị sôi động nhất như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, thì nhu cầu trở về với tuổi ấu thơ cách đây hàng chục năm về trước càng trở nên róng riết biết chừng nào. Minh chứng là hai người phụ nữ đất mũi Cà Mau thành danh về văn chương là Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Thị Việt Hà sau khi lên thành phố sinh sống và lập nghiệp đều có chung một cảm thức ấy. Nguyễn Ngọc Tư từng có Cánh đồng bất tận (truyện vừa), Sống chậm thời @ (tản văn)..., còn Nguyễn Thị Việt Hà có Con đò và thiếu phụ, Mưa vẫn rơi ngoài hiên, Bình minh mùa thu, Đánh thức ban mai, Câu chuyện của cánh đồng..., đều là những tác phẩm văn chương đem lại vinh quang cho các chị.

Dù đã xa quê, xa những cánh đồng bất tận, thẳng cánh cò bay, với ngào ngạt hương thơm của lúa đồng con gái, xa những chân ruộng vừa đổ ải còn ngai ngái mùi bùn, hoang hoai mùi rơm rạ, xa những vùng quê nghèo vùng đất Mũi, nơi có những bà con cô bác quanh năm buôn bán làm ăn bên chợ làng ven sông, nhưng suốt ngày vẫn ngóng về ruộng. Đến mức: Ở Vàm Cái Đôi hay gắn chữ “ruộng” phía sau mỗi tên gọi. Ví như “cô giáo ruộng”, “học sinh ruộng”, “cán bộ ruộng”, “trường ruộng”, “đám cưới ruộng”, “rau ruộng”, “cá ruộng”... (Mùi ruộng). Vì chỉ có ở những nơi ấy người ta mới: Những lúc buông công việc ra là mình nhớ “ruộng”; nhớ phiên chợ hiền lành góc bến tàu cũ, nhớ ngọn gió chướng non làm thảng thốt con đường trắng hoa lau, hoa sậy; nhớ tiếng gọi mời của mấy cô, mấy chị: “Rau, cá heng cô. Mua hết mớ này đi, bán rẻ cho... Tưởng lòng đã chai sạn, tưởng chẳng còn nhớ gì đến cái đất xa lơ, xa lắc kia nhưng rồi cái ngày cuối năm này mới ngộ ra một điều: người ta có muôn ngàn lối để đi, chỉ có một chốn để về. Đó là nhà mình! Nhà ở đâu thì quê hương ở đó! Mà lạ, cả năm bôn ba, không cảm nhận thấy mùi ruộng xứ Vàm. Đương không, nửa đêm mình nghe thấy mùi ruộng thoang thoảng đâu đây. Bùi ngùi. Rưng rức... Về thôi. Về ít hôm rồi đi đâu thì đi. Mà đi rồi cũng sẽ trở về mà. Về nhà mình! (Mùi ruộng).

Sự da diết nhớ về nguồn cội ấy chắc chỉ có ở những con người thấm đẫm tình quê hương, nghĩa xóm giềng, đau đáu khát thèm nơi chôn rau cắt rốn như Ngọc Tư, Việt Hà và nhiều người khác nữa. Khi tha hương người ta mới hiểu, nhìn ngọn khói nhảy loi choi trên nóc nhà ở quê người mà nao nức nhớ quê mình đến cồn cào gan dạ, thèm được ngồi bên cà rang ấm nóng đợi mẹ sai biểu làm chuyện này, chuyện nọ... (Bìa 3)

Ai sinh ra bên những cánh đồng mà không cảm thấy xót xa, thương tiếc khi ký ức tuổi thơ của mình dần bị kinh tế thị trường đánh cắp: Nghe bà ngoại than ở quê người ta quy hoạch cánh đồng thành các khu công nghiệp, mở đường, cánh đồng nát bươm toàn khói, giá đất lên cao ngất, chẳng ai thiết gieo trồng gì mà cứ nhăm nhăm chuyện bán đất, lao xầm xập vào các nhà máy đang cần nhân công. Cánh đồng giờ buồn lắm. Vẫn bốn làng ôm ấp thảm xanh, nhưng mặt nhà ai cũng lạnh nhạt quay ra phố.

Ngày còn nhỏ, tôi ở với bà, lối đi học là con đường xuyên qua cánh đồng, gió bay rối tóc, mùi cỏ rạ, lúa ngô ướp vào lồng ngực, thơm lắm, nồng nàn lắm chỉ biết cảm nhận mà không sao tả được... (Câu chuyện của cánh đồng)

Những cảm thức này, chắc không có gì quá xa lạ với hầu hết hơn 70% người số Việt Nam đều gắn mình với những cánh đồng: Hai bên đê hàng xoan rũ những chùm quả nho nhỏ cho lũ trẻ chọi nhau hoặc chơi ô quan. Sau này người ta mở rộng trải nhựa con đường, hàng xoan bị hạ đi hết, hương cánh đồng vơi bớt. Đường phẳng lì, xe lăn nhanh không vướng cỏ nhưng lại vướng trong lòng tôi sự trơ trụi như thể ai đó vừa đánh cắp một điều gì quý giá lắm. Cánh đồng đâu chỉ là không gian lao động sinh hoạt của người nông dân mà là không gian của tuổi thơ, nơi cất giữ ký ức đẹp đẽ nhất của đời người... (Câu chuyện của cánh đồng).

Dẫu biết rằng đấy là cái giá cần phải trả, khi con người không thể nằm yên mà nhấm nháp mãi cái quá khứ đói nghèo, nhưng liệu có lòng ai không cảm thấy nôn nao, hụt hẫng khi những thửa ruộng và những cánh đồng đã bị băm nát và trở thành cái một đi không trở lại để sau này bao lớp cháu con chỉ còn gặp lại nó như là trong cổ tích: Người ta đang ngủ quên trên phố đầy khói bụi, bán mua chen lấn và những đồng tiền mướt mồ hôi. Phố nhỏ, phố lớn, nửa phố nửa quê đang ăn mòn cánh đồng biến cánh đồng bao la nắng gió thành cổ tích... (Câu chuyện của cánh đồng).

Chẳng có gì hơn, chỉ biết cảm ơn Việt Hà với những trang tản văn chan chứa tình người, tình làng quê đã đưa tôi về những ký ức tuổi thơ ngọt ngào, say lịm trên những cánh đồng xa ngái. Cánh đồng quê tôi bây giờ cũng đã bị một con đường cao tốc chạy từ khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) đến sân bay Sao Vàng (huyện Thọ Xuân) bổ làm đôi, trông thật nẫu ruột gan, nên đọc những trang tản văn, tôi thấy như chị đã nói hộ lòng mình bao điều nhớ thương quê kiểng mà tôi chưa một lần viết được như thế.

Xin cầu chúc cho chị dồi dào sức khỏe và bút lực ngày càng sung mãn hơn, những mong có được nhiều những trang văn như thế trên con đường văn chương của mình.


Đỗ Ngọc Yên
Ý kiến của bạn