Tức tốc lên đường hỗ trợ F0
Một buổi sáng gần cuối tháng 9, khi dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh đang dần được kiểm soát, tiếng chuông điện thoại trên tay tình nguyện viên Nguyễn Hồng Quân (Học viện Quân Y) vang lên liên hồi.
Đầu dây bên kia giọng hốt hoảng, lo âu thông báo với nhân viên y tế về kết quả test nhanh cho kết quả vạch thứ 2 rất mờ. Đó là bà T.T.P trú tại số một con hẻm trên đường Trần Xuân Soạn đang một mình chống chọi với nỗi sợ hãi.
Nguyễn Hồng Quân cùng đồng đội tức tốc lên đường. Sau vài phút đi qua nhiều "xẹt", Quân cùng tình nguyện viên đã nhanh chóng có mặt tại nhà bà P.
Nơi cư trú của bà P nằm sâu trong hẻm nhỏ với nhiều ngôi nhà xây thấp tầng san sát. Căn nhà bà P dễ nhận ra hơn cả bởi cửa ra vào được gác tạm bằng một khung sắt nhỏ.
Quân làm lại test nhanh và lần này kết quả hiện 2 vạch rõ. Bà P được các nhân viên y tế tại Trạm Y tế lưu động số 33 phát và hướng dẫn sử dụng thuốc tại nhà.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống (Bộ Y tế), bà P vẫn không giấu được tâm lý lo lắng: "Tôi được phát 2 gói thuốc A và B và hướng dẫn sử dụng gói thuốc A trong thời gian đầu khi bị sốt. Nếu bị khó thở, mệt hay không đủ 20 nhịp thở/phút thì có thể chuyển sang gói thuốc B. Điều mà tôi lo lắng là tôi có tiền sử đau bao tử, khi thuốc đáp ứng tốt thì không biết là bệnh đau bao tử của tôi sẽ bị tái phát ra sao".
Tuy nhiên, bà P lại yên tâm hơn khi được các nhân viên y tế không chỉ hướng dẫn bà cụ thể cách dùng thuốc, mà còn để lại số điện thoại đường dây nóng và dặn dò bà gọi cho họ để tư vấn tiếp trước khi quyết định uống gói thuốc B.
Thấp thỏm những đêm trực
Nguyễn Hồng Quân đang là học viên lớp DH5EA, Hệ 4 của Học viện Quân y. Cuối tháng 7/2021, thời điểm dịch COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh diễn biến phức tạp nhất, Quân có mặt tại đây với vai trò là tình nguyện viên, hỗ trợ bác sĩ tuyến cơ sở quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.
Quân được phân công làm việc tại Trạm Y tế lưu động số 33 (đặt tại tại Ban quản lý dự án đường thủy, số 1041/80 Trần Xuân Soạn, phường Tân Hưng, Quận 7, TP Hồ Chí Minh). Trạm Y tế lưu động này chịu trách nhiệm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tại khu phố 5 (với 33 tổ dân phố).
Công việc hàng ngày của Quân là test nhanh cho người dân có triệu chứng, người cách ly đủ 14 ngày, F0 không triệu chứng tại nhà, các "shipper" và phát thuốc cho F0. Vào buổi tối, Quân thay phiên trực điện thoại cấp cứu, hỗ trợ cấp cứu đưa F0 có dấu hiệu trở nặng đi cấp cứu.
Với khoảng 300 F0 đang điều trị tại nhà trên tổng số 1.000 nhân khẩu tại khu phố 5, trong khi nhân sự y tế tại Trạm Y tế lưu động số 33 chỉ 3-5 người (chưa kể tình nguyện viên tại chỗ), thì quá tải và làm việc thâu đêm là chuyện dĩ nhiên đối với Quân và các tình nguyện viên nơi đây.
Song, điều đó không làm Quân và các tình nguyện viên nản chí. Dẫu vậy cứ mỗi lần có điện thoại báo thêm về ca nhiễm mới trong cộng đồng thông qua test nhanh, Quân vẫn không giấu được cảm giác lo âu.
Với cường độ công việc cao khi phải khoác lên mình bộ đồ bảo hộ cả ngày lẫn đêm, Quân mong muốn dịch bệnh sớm được khống chế, thành phố mở cửa trở lại thì không chỉ người dân nơi đây trở lại cuộc sống bình thường mới, mà các thầy thuốc tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh nói chung, tình nguyện viên tại Trạm y tế lưu động số 33 cũng sớm được trở về.
Xem thêm tư liệu đặc biệt của Báo Sức khoẻ&Đời sống:
Bác sĩ trong tâm dịch: 'Những gì tôi chứng kiến đủ đau thương cho cả đời người!