Theo thống kê từ Phòng 3 (Cục Cảnh sát PCCC và CNCH), trên toàn quốc có 1.738 chợ, trong đó 1.260 chợ kiên cố; 375 chợ bán kiên cố và 103 chợ tạm. Các chợ thường được xây dựng với diện tích lớn, bố trí nhiều ki ốt, sạp hàng liền kề kinh doanh đa dạng các mặt hàng, trong đó có nhiều loại hàng hóa dễ cháy, nổ.
Trong quá trình hoạt động, do ý thức chấp hành quy định về PCCC của đơn vị quản lý, người kinh doanh và người dân chưa cao, dẫn đến phát sinh nhiều tồn tại, vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao, dễ xảy ra cháy lớn, gây khó khăn cho công tác chữa cháy và CNCH.
Được biết, từ năm 2021 đến hết tháng 11/2023 cả nước xảy ra 69 vụ cháy chợ dân sinh, gây thiệt hại về tài sản ước tính trên 190 tỷ đồng. Riêng 11 tháng của năm 2023, cả nước xảy ra 22 vụ cháy chợ, gây thiệt hại trên 70 tỷ đồng, chưa kể vụ cháy 2000 m2 chợ Khe Tre (Thừa Thiên – Huế) xảy ra ngày 3/12 chưa thống kê được thiệt hại.
Đây mới chỉ là thiệt hại trực tiếp, nếu tính cả thiệt hại gián tiếp như ảnh hưởng an sinh xã hội, ngừng trệ buôn bán, chi phí khắc phục hậu quả… sẽ gấp khoảng 3 lần. Đáng lưu ý là có đến 80% tổng số vụ cháy xảy ra vào ban đêm và ngoài giờ hoạt động của chợ, trên 70% vụ cháy chợ do sự cố hệ thống điện, sử dụng thiết bị tiêu thụ điện không bảo đảm an toàn PCCC và do thắp hương thờ cúng.
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường công tác an toàn PCCC đối với chợ nhưng các cơ quan chủ quản, ban quản lý chợ chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm, chưa duy trì các điều kiện an toàn PCCC trong quá trình hoạt động, không khắc phục đầy đủ các kiến nghị của cơ quan quản lý nhà nước về PCCC dẫn đến công tác PCCC chợ vẫn còn nhiều vi phạm an toàn PCCC.
Điển hình nhất là các vi phạm về: Tự ý xây dựng thêm hạng mục công trình, cải tạo, thay đổi tính chất sử dụng của khu vực, hạng mục trong chợ; Lấn chiếm đường giao thông dành cho chữa cháy, cản trở đường giao thông dành cho chữa cháy; Trang bị phương tiện PCCC và CNCH còn hạn chế,...
Xem thêm video được quan tâm:
Hiện trường hàng trăm xe trơ khung do cháy lớn tại Đại học Hồng Đức.