Quy định chặt để 'chặn' huy động vốn trái phép trong lĩnh vực BĐS
Phát biểu thảo luận sáng 31/10 về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ĐBQH Trần Hồng Nguyên – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận góp ý về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình hình thành trong tương lai.
Đại biểu tỉnh Bình Thuận bày tỏ nhất trí với phương án 1 và lập luận được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Đại biểu cho rằng, phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng bởi đây là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản (BĐS) do việc đặt cọc chỉ được thực hiện khi BĐS đã đủ điều kiện kinh doanh và 2 bên đã chính thức ký kết hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.
ĐBQH Trần Hồng Nguyên nhận thấy, thời điểm được thu tiền đặt cọc ngay từ khi dự án có thiết kế cơ sở được cơ quan nhà nước thẩm định và chủ đầu tư có một trong các giấy tờ về quyền sử dụng đất như thể hiện tại phương án 2 sẽ dẫn đến khoảng thời gian từ khi nhận đặt cọc đến khi triển khai dự án trên thực tế rất dài, gây ra nhiều rủi ro hơn cho khách hàng.
Đại biểu cho rằng, thị trường BĐS thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp, vẫn còn tình trạng chủ đầu tư các dự án BĐS lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự. Thực tế cho thấy nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn nhằm hạn chế tình trạng này xảy ra...
Còn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho biết, về công khai thông tin BĐS đưa vào kinh doanh, khoản 1, Điều 6 của dự thảo luật quy định, doanh nghiệp kinh doanh BĐS phải công khai đầy đủ, trung thực và chính xác. Việc này được quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này trước khi đưa vào kinh doanh trên Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS theo quy định của Luật này và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh BĐS (nếu có).
Đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ, nếu doanh nghiệp chưa có trang thông tin điện tử thì không cần phải công khai thông tin, trường hợp này dẫn đến không đảm bảo bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người dân trong giao dịch. Đại biểu nhấn mạnh, cần sửa đổi điều khoản này cho chặt chẽ hơn, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dễ dàng với các thông tin cần thiết.
Làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường BĐS
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu về các hành vi bị cấm tại khoản 4 Điều 8 quy định thu tiền mua bán, thuê mua BĐS hình thành trong tương lai không đúng quy định của luật này; sử dụng tiền mua bán thuê mua BĐS hình thành trong tương lai của bên mua, thuê mua trái pháp luật.
Đại biểu cho rằng, điều này vô tình tạo khe hở trong việc sử dụng vốn của chủ đầu tư, cũng như tạo các kênh khác để huy động nguồn vốn. Theo đó, quy định tại dự thảo chưa đảm bảo về mặt pháp lý, đề nghị cần xem lại theo hướng giữ nguyên các quy định liên quan đến việc nghiêm cấm chiếm dụng trái phép để hạn chế các hành vi này xảy ra trên thực tế.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên phát biểu tranh luận và cho rằng, cả 2 phương án đưa ra đều có những điểm chưa hợp lý. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ nghiêng về phương án 2 nhiều hơn. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị là bổ sung thêm nội dung về quy định cấm.
Hiện tại dự thảo Luật chỉ quy định là cấm là thu phí, lệ phí và các khoản liên quan đến kinh doanh BĐS trái pháp luật. Đại biểu Thành đề nghị, cần bổ sung thêm hai từ "quản lý và sử dụng" vào Khoản 7 của Điều 8. Bởi việc quản lý, sử dụng trái pháp luật xảy ra rất nhiều liên quan đến các hoạt động quốc doanh BĐS, đặc biệt là kinh doanh nhà chung cư.
Liên quan đến các điều cấm tại Điều 18 của dự thảo Luật, ĐBQH Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đề nghị vấn đề này cần tiếp tục được quy định và làm rõ hành vi cấm, thao túng, làm giá đối với thị trường BĐS.
Ông Trịnh Xuân An cho rằng, hành vi thao túng trong thị trường BĐS nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trong thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh BĐS rất tinh vi, tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế.
Vị đại biểu Đoàn tỉnh Đồng Nai chỉ rõ, việc thao túng thị trường BĐS không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành "bong bóng" BĐS nên cần phải quy định cấm thao túng BĐS trong dự án luật.