“Thao trường” của mẹ

03-08-2012 10:20 | Đời sống
google news

Mỗi kỹ năng sống giống như một cái cây: phải gieo hạt mới có, phải vun tưới mới nảy mầm, phải chăm sóc đúng mới xanh tươi. Khi huấn luyện cho con được kỹ năng nào đó, là mới chỉ xong phần “gieo hạt”.

Mỗi kỹ năng sống giống như một cái cây: phải gieo hạt mới có, phải vun tưới mới nảy mầm, phải chăm sóc đúng mới xanh tươi. Khi huấn luyện cho con được kỹ năng nào đó, là mới chỉ xong phần “gieo hạt”. Gieo xuống rồi mà không vun tưới thì cơ may nảy mầm cực thấp, và cái cây xanh tốt như ý chắc sẽ đến… trong mơ!

Mấy năm nay, TP.HCM rộ lên phong trào phụ huynh cho con tham gia các Học kỳ Quân đội vào dịp hè hoặc kỳ nghỉ ngắn, với học phí huấn luyện trong 1, 2 tuần tương đương… chuyến du lịch Thái Lan! Ngó kỹ, thấy các bài học đều dạy về kỹ năng sống ở cấp… đụng sàn! Tỉ như: ngủ dậy sớm khi nghe hiệu báo thức mà không cần ai… năn nỉ, biết tự dọn giường xếp mùng mền, xách nước, nhóm lò, rửa rau, nấu cơm, ăn xong tự rửa chén, tự quét lau phòng ở… Toàn là những việc mà xưa nay con có cha có mẹ thì lẽ ra phải biết. Liếc qua “lý lịch trích ngang”, thấy các con nhỏ nhất cũng đã vào cấp 2, tức là khoảng 12 - 13 tuổi; đều đến từ các gia đình có điều kiện kinh tế khá “xôm”, không bé nào thuộc gia cảnh “chạy ăn từng bữa”.

Gia đình mới chính là "thao trường" đích thực của con cái

Vậy phụ huynh thực sự mong muốn điều gì ở Học kỳ Quân đội? Và vì sao phải áp dụng “kỷ luật sắt” của quân đội với con trong quy trình dạy kỹ năng sống? Không khó để trả lời: gởi con “đi du học” việc nhà, vì cha mẹ muốn con biết làm hết mọi việc tối thiểu cần thiết để tự phục vụ bản thân một cách hoàn chỉnh. Nếu không, lỡ mai này khi đi du học ra nước ngoài “không có ai hầu thì chết à”, hoặc bởi “lo vì suốt ngày nó ngồi như phỗng, chẳng chịu làm gì”. Và “ngang trái” nằm ở chỗ “Bụt chùa nhà không thiêng, dạy rát cổ con chẳng thèm làm, cứ như nước đổ đầu vịt”!

Kết quả ra sao? Xong khóa huấn luyện, con biết làm khá nhiều việc mà trước kia “nó không chịu biết”! Nhưng chỉ ít lâu sau thì nó trở lại như cũ.

Sao kỳ vậy?

Mỗi kỹ năng sống giống như một cái cây: phải gieo hạt mới có, phải vun tưới mới nảy mầm, phải chăm sóc đúng mới xanh tươi. Khi huấn luyện cho con được kỹ năng nào đó, là mới chỉ xong phần “gieo hạt”. Gieo xuống rồi mà không vun tưới thì cơ may nảy mầm cực thấp, và cái cây xanh tốt như ý chắc sẽ đến… trong mơ!

Kỹ năng sống là thứ bạn không thể mua về… cất để dành được! Rời khóa huấn luyện, các con đã biết làm việc tương đối tốt với thái độ hăng hái, chứng tỏ họ huấn luyện không phải là không hiệu quả. Nhưng về đến nhà thì con “thất nghiệp” vì không được “nhận nhiệm sở”, vì “dạy cho nó biết làm để mình yên tâm thôi”, chứ “đâu cần nó phải làm”! Điều gì muốn giỏi cũng phải rèn luyện thật nhiều, khổ nỗi hơi hiếm phụ huynh có ý thức tạo cho con môi trường thuận lợi để “văn ôn võ luyện”, HỌC HỎI mà thiếu THỰC TẬP sẽ thì mòn rồi mất!

Nhìn từ góc độ giáo dục: giữa người sĩ quan hướng dẫn lạ lẫm trong Học kỳ Quân đội và cha mẹ, ai là người yêu thương và thấu hiểu những cảm xúc - điểm mạnh - điểm yếu của con hơn? Như thế, ai có thể đưa ra “giáo án” thích hợp với con hơn?

Và điểm quan trọng nhất nằm ở chỗ: trao truyền kỹ năng sống cho các con vốn là thiên chức của cha mẹ muôn loài, vì sao các con phải xa mẹ để vô “quân trường” học… việc nhà? Vì nhiều phụ huynh vẫn còn “lung linh ký ức” câu chuyện cô bé Lọ Lem: muốn có được điều tốt đẹp thì chỉ cần nhờ bà tiên vung đũa phép là xong, chả việc gì phải tự nỗ lực. Việc nhà là chuyện nhỏ, muốn con biết làm, chỉ cần gởi…. Học kỳ Quân đội huấn luyện, cha mẹ còn bận lo… chuyện lớn! Thế nên, điều gì phải đến đã đến: không ít bé khóc lóc vật vã, gọi điện về nhà trong nước mắt “mẹ ơi, thương con với, lên đón con đi, con không ở đây nữa đâu, con muốn về với mẹ”, nghe có đứt ruột không!

Nhớ câu “thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”. Cuộc đời là chiến trường, con trẻ như những chú lính mới tò te cần phải lăn lộn đổ mồ hôi nước mắt để học đầy đủ kỹ năng “tác chiến”, nhưng là học trong tình yêu thương và thấu hiểu của gia đình. Chúng ta có thể công nghệ hóa mọi thứ, nhưng không thể công nghệ hóa tình mẫu tử!

Con trẻ cần lắm một thao trường đặc biệt: thao trường của mẹ!

Lê Thị Phương Nga

(Chuyên gia nghiên cứu trẻ em)


Ý kiến của bạn