1. Đặc điểm của cây thảo quả
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS.TS. Đỗ Tất Lợi, thảo quả tên khoa học Amomum tsao-ko Crév. et Lem. (Amomum aromaticum Roxb. Amomum medium Lour.). Thuộc họ Gừng Zingiberaceae.
Thảo quả (Fructus Amomi tsao-ko) là quả chín phơi hay sấy khô.
Thảo quả được trồng và mọc hoang ở những vùng khí hậu mát miền Bắc Việt Nam, chủ yếu tại Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu.
Cây thảo quả được đưa vào trồng ở Việt Nam vào khoảng năm 1890, từ các tỉnh biên giới Việt Trung. Thu hoạch vào các tháng 10-12, thu hái về người ta phơi khô. Khi thảo quả khô, màu sẽ ngả xám nâu nhạt, nhiều nét nhăn dọc và thường được phủ một lớp phấn trắng, mỗi quả nặng khoảng 4g.
Trong thảo quả có 1-1,5% tinh dầu. Tinh dầu màu vàng nhạt, mùi thơm ngọt, vị nóng cay dễ chịu.
2. Công dụng và liều dùng
Thảo quả là một gia vị, đồng thời cũng là một vị thuốc. Thảo quả thường được dùng để thêm vào một số bánh kẹo, đặc biệt loại kẹo chè lam, chè kho, trong các món ăn nhằm mục đích trừ độc tố và chữa hàn trệ do thức ăn và hay được dùng cho các món lẩu, sốt vang…
Trong thuốc, thảo quả chỉ mới thấy dùng trong phạm vi nhân dân. Trong các sách cổ, người ta cho rằng thảo quả có vị cay, chát, tính ôn và không độc, vào hai kinh tỳ và vị, có năng lực táo thấp, khứ hàn, trừ đờm, chữa sốt rét, tiêu thực, hóa tích dùng làm thuốc kiện tỳ, giải độc, chữa đau bụng, nôn, hôi miệng.
Liều dùng hàng ngày: 3 đến 6g dùng riêng hay phối hợp với nhiều vị thuốc khác, sắc hay làm thành thuốc viên.
3. Một số bài thuốc dùng thảo quả
TS. Nguyễn Đức Quang - Nguyên Chủ nhiệm khoa Nghiên cứu thực nghiệm Viện Y học cổ truyền quân đội, giới thiệu một số bài thuốc có dùng thảo quả như sau:
- Ôn trung, giảm đau:
Thảo quả (lùi chín) 6g, hậu phác 12g, hoắc hương 12g, thanh bì 8g, bán hạ khúc 8g, thần khúc 8g, đinh hương 4g, cao lương khương 6g, cam thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 12g.
Sắc uống, ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Trị chứng hàn thấp tích vào trong, ngực bụng đau chướng.
- Kiện tỳ, tiêu thực:
Bài 1 - Thảo quả bình vị: Thảo quả (lùi chín) 6g; thương truật, hậu phác, trần bì, sinh khương mỗi vị 12g; đại táo 3 quả, cam thảo 4g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm. Dùng cho người mắc chứng kém ăn, bụng đau chướng, nôn ọe.
Bài 2: Thảo quả 6g, cam thảo chích 6g, sa nhân 6g; thần khúc, mạch nha, đại táo, sinh khương mỗi vị 8g.
Sắc uống. Trị đau bụng, bụng đầy chướng, tỳ hư tả tiết.
- Cắt cơn sốt rét:
Bài 1 - Thang phụ quả: Thảo quả nhân 8g, phụ tử chế 12g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả. Sắc uống. Ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Dùng cho người mắc chứng sốt rét, rét nhiều mà nóng ít hoặc chỉ rét không nóng, hay hàn tỳ tiêu chảy, không ăn uống được.
Bài 2: Thảo quả nhân 20g nghiền bột, cuộn vào tấm vải màn, khoảng 1 giờ trước khi lên cơn sốt rét, nút vào một bên lỗ mũi nhằm cắt cơn sốt rét.
Bài 3 - Tiểu sài hồ gia giảm: Sài hồ 12g, đại táo 4 quả, chích thảo 6g; hoàng cầm, nhân sâm, sinh khương, bán hạ, hoài sơn, thảo quả mỗi vị 9g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2-3 lần. Uống khi thuốc còn ấm.
Trị chứng ôn bệnh có sốt rét, mình nóng.
- Trị hôi miệng: Thảo quả đập dập, ngậm trong miệng và nuốt nước dần.
Kiêng kỵ: Người không có hàn thấp, thực uất thì kiêng dùng.
Xem thêm video đang được quan tâm:
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải.