Hà Nội

Thảo mộc giúp 'làm sạch' mạch máu, ngăn ngừa bệnh lý tim mạch

11-06-2024 06:23 | Vị thuốc quanh ta
google news

SKĐS - 'Làm sạch' mạch máu, còn gọi là detox mạch máu, là quá trình loại bỏ các chất cặn bã, mảng bám và các yếu tố có hại khác tích tụ trong mạch máu.

Việc này có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và tăng cường sức khỏe tổng thể. Dưới đây là một số vị thảo mộc trong Đông y có tác dụng hỗ trợ quá trình làm sạch mạch máu.

Tam thất giúp làm sạch mạch máu

Tam thất là vị thuốc quý quen thuộc với nhiều người. Tam thất có vị ngọt, hơi đắng, tính ấm, có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, chỉ huyết. 

Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy tam thất có tác dụng hạ huyết áp, chống kết tập tiểu cầu, được sử dụng rộng rãi để phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch.

Liều dùng: 3-10g/ngày.

Sơn tra

Sơn tra chứa nhiều hợp chất flavonoid như acid crataegic, rutin và quercetin. Những chất này có tác dụng giảm mỡ máu, chống oxy hóa, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu, do đó giúp phòng ngừa và điều trị các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch.

Y học cổ truyền tại Việt Nam ta thường quen dùng quả táo mèo thay thế vị thuốc sơn tra cũng có tác dụng tương tự.

Liều dùng: 3-6g/ngày.

son-tra-1

Vị thuốc sơn tra.

Xích thược

Theo Đông y, xích thược có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, thanh nhiệt giải độc, giảm đau, được sử dụng để điều trị các bệnh tim mạch, gan lách, phụ khoa và nhiều bệnh khác.

Xích thược chứa chủ yếu các glycoside như paeoniflorin, paeoniflorin, có tác dụng chống oxy hóa nhất định, có thể giúp giảm mỡ máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch khác.

Ngoài hiệu quả chính là hoạt huyết hóa ứ, cải thiện vi tuần hoàn, Xích thược còn có tác dụng hỗ trợ điều trị các bệnh do lưu thông máu kém như đau bụng kinh, kinh nguyệt không đều.

Liều dùng: 5-15g/ngày.

Xích-thược-là-gì

Cây và vị thuốc xích thược.

Đan sâm

Đan sâm là một vị thuốc hiệu quả trong việc 'làm sạch' mạch máu. Đan sâm có vị đắng, hơi lạnh, quy kinh tâm, tâm bào và can. Theo Đông y đan sâm có tác dụng hoạt huyết hóa ứ, hạ huyết áp, bảo vệ tim mạch, giúp duy trì sức khỏe của mạch máu.

Liều dùng: 5-15g/ngày.

Thiên ma

Thiên ma là vị thuốc thường được dùng trong Đông y với các tác dụng bình can tức phong, ứng dụng trong điều trị các vấn đề như đau đầu, hoa mắt chóng mặt, bán thân bất toại, tê bì tay chân…

Theo nghiên cứu y học hiện đại thiên ma có chứa polysaccharide thiên ma, có tác dụng cải thiện trí nhớ và loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, duy trì sự trẻ trung, đồng thời giảm tê bì chân tay và đau đầu, chóng mặt.

Đặc biệt hoạt chất này còn giúp duy trì sự thông suốt của mạch máu, vì vậy thiên ma cũng là một loại thảo dược giúp detox mạch máu một cách hiệu quả.

Liều dùng: 3-10g/ngày.

Tây dương sâm

Hoạt chất ginsenoside chứa trong tây dương sâm không chỉ có thể giảm cholesterol trong mạch máu, làm thông mạch, mà còn có tác dụng chống mệt mỏi, chống bệnh tim, thúc đẩy chức năng tiêu hóa và hấp thu. Đây là một vị thuốc quý giúp làm sạch mạch máu.

Liều dùng: 3-6g/ngày.

Hoàng kỳ

Hoàng kỳ rất quen thuộc và được mệnh danh là "vua của các thuốc bổ khí", có vị ngọt, tính ấm, vào kinh phế và tỳ, có thể bổ ích phế khí.

Theo Đông y khí và huyết không thể tách rời, sự vận hành của huyết chính là nhờ có khí, vì vậy dùng hoàng kỳ bổ khí cũng là một cách thúc đẩy huyết vận hành.

Theo nghiên cứu hiện đại, hoàng kỳ còn có tác dụng tăng cường chức năng miễn dịch, bảo vệ gan, lợi tiểu, chống lão hóa, chống stress, hạ áp và kháng khuẩn. Không chỉ có thể giãn động mạch vành, cải thiện cung cấp máu cho cơ tim, tăng cường chức năng miễn dịch, mà còn có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào.

Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng hoàng kỳ có tác dụng rất tốt trong việc bổ khí và phòng ngừa các bệnh tim mạch. Liều dùng: 10-30g/ngày.

Làm sạch mạch máu là một quá trình tổng hợp, ngoài việc sử dụng các loại thảo dược hỗ trợ, một chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, kiểm soát stress, tập thể dục và duy trì cân nặng ở mức hợp lý cũng là những cách giúp cơ thể chúng ta tự làm sạch mạch máu của mình.

Mời bạn xem tiếp video:

Thiếu máu não có nguy hiểm không, điều trị thế nào? 


BS. Nguyễn Huy Hoàng
Ý kiến của bạn