Bộ Y tế được giao xây dựng dự thảo Luật Phòng bệnh trên cơ sở thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII.
Khắc phục được các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Ông Lê Hoàng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế đã nhấn mạnh thông tin này tại hội nghị góp ý nội dung về kiểm soát các yếu tố môi trường tác động đến sức khỏe dự kiến dưa vào Luật Phòng bệnh do Cục Quản lý Môi trường y tế phối hợp cùng nhóm chuyên gia CCHIP (với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại TP HCM hôm qua, 23/11.
Theo ông Lê Hoàng, trong những năm vừa qua, công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe toàn dân đã đạt được nhiều kết quả và thành tựu, trong đó có lĩnh vực phòng, chống các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe như: Vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân; Vệ sinh trong cung cấp nước sạch, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt; Vệ sinh trong mai táng…
Hệ thống chính sách, pháp luật về y tế dự phòng bao gồm các luật và các văn bản quy phạm pháp luật trực tiếp và gián tiếp điều chỉnh các hoạt động y tế dự phòng như: Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân năm 1989; Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2020); Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.
Ngoài ra, còn có các luật không thuộc hệ thống pháp luật y tế mà có chứa đựng các quy định liên quan đến phòng, chống bệnh truyền nhiễm như Pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp.
"Luật Phòng bệnh dự kiến gồm nhiều nội dung, Cục Quản lý Môi trường y tế, Bộ Y tế được giao xây dựng các nội dung, đề xuất và thực hiện tác động chính sách liên quan tới vệ sinh sức khỏe môi trường, tập trung vào dự phòng và kiểm soát các yếu tố nguy cơ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe"- ông Hoàng cho biết.
Theo đó, nhóm chuyên gia CCHIP (với sự hỗ trợ của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) đã phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế rà soát nội dung tập trung liên quan và thống nhất xác định 8 chủ đề cần rà soát, bao gồm:
1. Nước sạch, nhà tiêu và vệ sinh môi trường;
2. Biến đổi khí hậu và sức khỏe;
3. Bảo vệ môi trường trong cơ sở y tế;
4. Bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động;
5. Phòng chống tai nạn thương tích;
6. Y tế trường học;
7. Ứng phó khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng;
8. Đánh giá tác động sức khỏe
Tại hội nghị, đại diện Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế đã thông tin về dự thảo Luật Phòng bệnh đang được Bộ Y tế lấy ý kiến nhân dân.
Các chuyên gia và các đại biểu tham dự hội nghị đã cùng trao đổi, thảo luận, đồng thời đề xuất nhiều nội dung cần đưa vào dự thảo Luật phòng bệnh xung quanh 8 nội dung càn rà soát liên quan đến lĩnh vực thuộc nhiệm vụ được giao của Cục Quản lý Môi trường y tế.
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, sau 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022...
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Mạng lưới cơ sở là nhân tố then chốt đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng và để người dân Việt Nam được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn so với các quốc gia khác có trình độ phát triển tương tự.
Bên cạnh các thành công đã đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Theo Bộ Y tế có một số yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm và sự gia tăng của yếu tố nguy cơ về môi trường.
Bộ Y tế cho hay, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh... Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khỏe của mỗi người dân và cộng đồng.
Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt... ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Bên cạnh đó, tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập nhưng chủ yếu là các bất cập xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.