Hà Nội

Thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi: Đại biểu góp ý gì về đào tạo nhân lực y tế?

15-11-2018 15:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 15/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Đây là dự án Luật nhận được nhiều sự quan tâm, góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến góp ý về đào tạo nhân lực ngành y tế

Cho ý kiến về đào tạo nhân lực ngành y tế, đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng: Nghị quyết số 20 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã đưa ra quan điểm chỉ đạo.

Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực y tế phải đáp ứng chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Đồng thời, nghị quyết cũng đã chỉ đạo nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu về phát triển nhân lực và khoa học, công nghệ y tế như sau. Đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nhân lực, đáp ứng yêu cầu về y đức và chuyên môn trong điều kiện chủ động tích cực hội nhập quốc tế. Khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế, phát huy trách nhiệm, vai trò các bệnh viện trong đào tạo, phát triển bệnh viện đại học.

Trong đào tạo nhân lực chuyên nghiệp đặc thù trong lĩnh vực ngành y tế ở Việt Nam và trên thế giới là đào tạo chuyên khoa và chuyên khoa sâu cho người đã tốt nghiệp đại học được gọi là chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II. Thực tế, ở Việt nam chúng ta đã tổ chức đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II hơn 40 năm qua. Hiện nay, ngoài các bác sĩ, dược sĩ được đào tạo hàn lâm, thạc sĩ, tiến sĩ chủ yếu ở các trường đại học và các viện thì phần lớn các bác sĩ, dược sĩ có trình độ đào tạo chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II công tác tại các cơ sở y tế và bệnh viện. Đây cũng là lực lượng chính tham gia đào tạo cho sinh viên thực hành tại các cơ sở y tế ở các bệnh viện.

Do vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung một cách đồng bộ vào hệ thống đào tạo đặc thù nhân lực y tế vào hệ thống giáo dục quốc dân để đảm bảo thực hiện đồng bộ và thống nhất giữa hai Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học và thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 20.

Cụ thể, điều 5 của dự thảo Luật Giáo dục, về hệ thống giáo dục quốc dân đề nghị bổ sung thêm điểm đ nội dung sau: “đ. Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thời gian đào tạo, chuẩn chương trình đào tạo, điều kiện tổ chức đào tạo, trình độ chuyên gia, văn bằng, chứng chỉ phù hợp với lĩnh vực sức khỏe và một số lĩnh vực chuyên sâu đặc thù”.

Điều 10: Về văn bằng, chứng chỉ, đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1, nội dung như sau: “ …, bằng chuyên gia. Chính phủ quy định văn bằng chuyên gia đối với một số ngành đào tạo theo định hướng nghề nghiệp chuyên sâu”.

Điều 64: Về các cơ sở giáo dục khác, đề nghị bổ sung điểm d vào khoản 1 của điều này, cụ thể: “d. Cơ sở y tế đáp ứng yêu cầu là cơ sở thực hành trong đào tạo thực hành nhóm ngành sức khỏe”.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm khoản 3 của điều này: “Chính phủ quy định về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo nhóm ngành sức khỏe và một số ngành chuyên môn đặc thù”.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn