Thảo luận và thống nhất cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

28-05-2013 01:13 | Xã hội
google news

Trong ngày 27/5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - một nội dung quan trọng tại kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.

Trong ngày 27/5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đã tiến hành thảo luận ở tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 - một nội dung quan trọng tại kỳ họp, thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước.
Thảo luận và thống nhất cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại tổ.

Đồng tình với giữ nguyêntên nước

Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu tập trung góp ý đối với Điều 1 của Chương I về tên nước. Đại biểu Đỗ Bá Tỵ (đoàn Điện Biên) cho rằng, cần phải giữ nguyên tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (CHXHCN) Việt Nam. Tên gọi này ra đời trong bối cảnh nước ta vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, khẳng định rõ con đường, mục tiêu xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Tên gọi này đã được sử dụng ổn định từ tháng 7/1976 đến nay, đã được chính thức ghi nhận trong Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992. Hơn nữa, việc thay đổi tên nước trong thời điểm hiện nay sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí có thể bị xuyên tạc là ta đang xa rời mục tiêu, con đường lên Chủ nghĩa xã hội và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp. Trùng quan điểm trên, ĐB Phùng Văn Hùng (đoàn Cao Bằng) cũng ủng hộ việc tiếp tục lấy tên nước là CHXHCN Việt Nam. Tên gọi nước CHXHCN Việt Nam đã được sử dụng gần 37 năm, trở thành quen thuộc với người dân Việt Nam và bạn bè trên thế giới. Nó gắn liền với những khó khăn, vất vả cũng như thành quả mà chúng ta đã trải qua. Trong cả quá trình gần 37 năm qua, với tên gọi CHXHCN Việt Nam, chúng ta chưa hề thấy khó khăn trở ngại gì do tên gọi của đất nước tạo nên trong quá trình hội nhập, trong hoạt động ngoại giao của nước nhà mà Việt Nam được các nước đánh giá cao trong việc tham gia các tổ chức quốc tế như LHQ, WTO, ASEAN...

Thảo luận và thống nhất cao với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 2
 Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị Hoàng Đức Thắm phát biểu tại tổ.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng và kinh tế định hướng XHCN

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội quan tâm ở buổi thảo luận tại tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 là Điều 4 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đa số đại biểu tán thành việc giữ Điều 4 quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng là cần thiết. Quy định này khẳng định tính lịch sử, tính tất yếu khách quan sự lãnh đạo của Đảng đối với quá trình cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nước ta. Về vấn đề này, ĐB Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng, Đảng luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân. Đặc biệt, trong Dự thảo ghi: “Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình” là hoàn toàn hợp lý vì mọi hoạt động của Đảng cần phải được nhân dân biết và giám sát, đóng góp ý kiến. Có như vậy, Đảng mới nhận được lòng tin bền vững của tầng lớp nhân dân và sự tồn tại, phát triển của Đảng mới thực sự lớn mạnh. Tại đoàn TP.HCM, thảo luận về các thành phần kinh tế, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị chọn phương án “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật. Tài sản hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nếu chỉ nói kinh tế nhà nước chủ đạo thì dễ gây mặc cảm với các thành phần khác. Quan điểm của Bộ trưởng Tiến được 2 ĐBQH Đặng Thành Tâm và TS. Trần Du Lịch ủng hộ. Bên cạnh nhiều vấn đề quan trọng khác, các ĐBQH cũng đã thảo luận về vấn đề Quyền Công dân (Điều 22, Điều 32), đề nghị trong Hiến pháp không nên nhấn mạnh, đề cao quá mức vai trò chủ đạo của kinh tế tập thể, kinh tế nhà nước bởi vì như thế dễ tạo ra sự bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Trước đó, chiều 24/5, với 343 phiếu ĐBQH tán thành (chiếm 68,8%), QH đã bầu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Hữu Vạn giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước thay thế ông Đinh Tiến Dũng.

Ngày 28/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Điều 170 của Luật doanh nghiệp; Việc đàm phán ký kết thỏa thuận cấp Chính phủ giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào. Buổi chiều, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

 

TS-CT


Ý kiến của bạn