Hà Nội

Thảo luận Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

28-05-2015 22:51 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Trưng cầu ý dân; báo cáo thẩm tra Dự án Luật Trưng cầu ý dân...

Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 28/5, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật Trưng cầu ý dân; báo cáo thẩm tra Dự án Luật Trưng cầu ý dân; báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thảo luận ở hội trường về một số nội dung...

Cần có quy định rõ ràng các khái niệm về biển, đảo,...

Đóng góp ý kiến thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội) khẳng định, việc ban hành luật là cần thiết và đồng tình với các nội dung nêu trong báo cáo thẩm tra. Ngoài ra, ĐB Bùi Thị An cũng cho rằng, thực tế việc quản lý tài nguyên biển và thềm lục địa bị chia nhỏ do nhiều bộ ngành quản lý nên sự phối hợp còn chưa tốt, chồng chéo. Để thực hiện tốt Điều 5 của Luật, Chính phủ nên nghiên cứu cho thành lập Bộ Kinh tế biển để khai thác, quản lý một cách có hiệu quả nhất lĩnh vực kinh tế này.

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) phát biểu tại hội trường.

Góp ý kiến tại phiên thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị quy định thêm cấu trúc bãi đá nửa chìm nửa nổi, bởi nếu không quy định sẽ tạo kẽ hở cho kẻ khác vào khai thác, ta dễ bị đuối lý vì luật không quy định. “Âm mưu của Trung Quốc chính là biến bãi đá nửa chìm nửa nổi (không có lãnh hải), xây dựng những cấu trúc để khi nước lớn thì nó vẫn nổi để trở thành bãi đá và bãi đá này theo quy định sẽ trở thành vùng lãnh hải của một nước (có 12 hải lý xung quanh)” - ông Nghĩa lưu ý.

Cùng quan điểm, ĐB Lê Việt Trường (An Giang) cho rằng, khi đưa các khái niệm về bãi đá, bãi ngầm, bãi san hô... vào luật chính là kết hợp phát triển kinh tế với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Việc chúng ta quy định vào trong luật này hoàn toàn phù hợp, không mâu thuẫn gì với Công ước của Liên hợp quốc, Luật Biển năm 1982. Chỉ có quy định chúng ta mới có cơ sở đấu tranh với các hành vi gây hại đến tài nguyên và môi trường biển, hải đảo thuộc quyền, chủ quyền và quyền tài phán của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta còn có thể kêu gọi các nước lên tiếng phản đối để bảo vệ môi trường biển, hải đảo dễ dàng.

Có nên quy định phạm vi trưng cầu ý dân?

Cũng trong ngày 28/5, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Văn Quyền đã trình bày Tờ trình Dự án Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, dự thảo luật gồm 9 chương, 56 điều, đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; tham gia rộng rãi, trực tiếp vào những vấn đề trọng đại của đất nước thông qua các cuộc trưng cầu ý dân được tổ chức theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, trưng cầu ý dân là hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất để người dân thể hiện quyền làm chủ của mình, quyền quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương. Việc xác định phạm vi trưng cầu ý dân ở quy mô toàn quốc hay địa phương phụ thuộc vào nhiều yếu tố như vấn đề trưng cầu ý dân, điều kiện địa lý, truyền thống chính trị, văn hóa... Một trong những vấn đề đặt ra là luật có nên quy định phạm vi trưng cầu dân ý trên toàn quốc hay cần tiến hành ở phạm vi địa phương? Bởi thực tiễn cho thấy có những vấn đề hệ trọng của quốc gia do Quốc hội quyết định nhưng chủ yếu ảnh hưởng đến lợi ích của một bộ phận dân cư hay tác động trực tiếp đến một hoặc một số địa phương nhất định (như xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở một vùng lãnh thổ, việc trao những thẩm quyền đặc biệt cho chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, ở biên giới, hải đảo...). Do vậy, nếu chỉ quy định phạm vi trưng cầu ý dân được thực hiện trên toàn quốc mà không quy định ở phạm vi một hoặc một số đơn vị hành chính (khu vực) thì có đạt mục tiêu, yêu cầu về dân chủ, có những tác động gì đến đời sống chính trị địa phương?

Anh Tuấn - Hoàng Dương

 

 

 


Ý kiến của bạn