Tháo gỡ vướng mắc trong công tác thanh tra bảo hiểm xã hội

28-03-2016 07:15 | Thời sự
google news

SKĐS - Tình trạng doanh nghiệp (DN) nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) rất phổ biến, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động, nhưng cơ quan bảo hiểm không dễ giải quyết.

Thực tế, tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH đã xảy ra từ nhiều năm nay, không chỉ làm thiệt hại đối với Quỹ BHXH mà còn tác động đến quyền lợi của người lao động. Năm 2015, tình hình nợ BHXH bắt buộc là 5.692 tỷ đồng, bằng 3,78% tổng số phải thu, giảm 1,04% so với năm 2014, tương ứng với số nợ giảm 936 tỷ đồng. Nợ BHTN là 315 tỷ đồng, bằng 3,06% tổng số phải thu, giảm 1,27% so với năm 2014, tương ứng với số nợ giảm 228 tỷ đồng so với năm 2014. Cụ thể, nợ BHXH nhiều nhất là khối DN ngoài quốc doanh với số nợ lên tới 3.566 tỷ đồng, chiếm 62% so với tổng số nợ BHXH, đứng thứ hai là khối DN nhà nước với số nợ BHXH 819,4 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14,3% so với tổng số nợ BHXH, bảo hiểm còn lại thuộc các khối thành phần khác. Đó còn chưa kể nợ quá hạn đối với các khoản cho vay đầu tư từ quỹ kết dư, đơn cử theo kết quả kiểm toán, đến 31/12/2011, Công ty Cho thuê tài chính II còn nợ BHXH Việt Nam số nợ gốc 787,5 tỷ đồng và nợ lãi 264,6 tỷ đồng...

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng nguyên nhân nợ đọng BHXH lớn như hiện nay có từ nhiều phía, nhưng điểm chính vẫn là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của DN chưa cao. Việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH theo Nghị định 95/2013 còn chưa nhiều và chưa đủ sức răn đe; công tác hậu kiểm và khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa còn nhiều vướng mắc do DN sau khi thanh tra, kiểm tra, xử phạt không liên lạc với cơ quan BHXH hoặc không còn khả năng thanh toán nợ BHXH. Mặc dù trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tiến hành khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa, nhưng hành vi vi phạm BHXH không giảm. Có những vụ tòa đã xử nhưng không thể thi hành án vì DN không còn tài sản. Cần có biện pháp quyết liệt hơn, như yêu cầu cơ quan công an khởi tố hình sự các DN chây ỳ không thực hiện BHXH, có số nợ BHXH lớn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho biết, tuy là đơn vị thực hiện chính sách bảo hiểm nhưng lại không có chức năng thanh tra mà chỉ được kiểm tra. Khi kiểm tra các đơn vị vi phạm thì phải kiến nghị, báo cáo để cơ quan lao động thẩm định và quyết định thanh tra xử lý nên việc thực thi chính sách, pháp luật bảo hiểm còn hạn chế, chưa đạt kết quả như mong muốn. Thậm chí, ngay cả khi cơ quan này ra quyết định xử lý hành chính thì DN vẫn phớt lờ và chấp nhận nộp phạt. Cơ quan BHXH buộc phải tính đến giải pháp khởi kiện, nhưng việc này rất phức tạp và không phải khi nào cũng đạt được kết quả.

Trước thực trạng trên, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi), trong đó tại Khoản 3, Điều 13 quy định: “Cơ quan BHXH thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Luật BHXH (sửa đổi) đã trao quyền cho cơ quan BHXH được kiểm tra việc thực hiện chính sách bảo hiểm; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm. Luật cũng đã đưa ra quy định khá đầy đủ về chức năng của cơ quan bảo hiểm; trong đó, nhấn mạnh chức năng thanh tra việc đóng bảo hiểm. Cơ quan BHXH cũng được quyền công khai trên phương tiện truyền thông những trường hợp DN vi phạm nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Đồng thời, xử lý vi phạm hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý vi phạm. Những quy định này được kỳ vọng khi đi vào cuộc sống sẽ phần nào hạn chế tình trạng DN nợ đọng tiền BHXH.

Trao đổi về một số khó khăn còn vướng mắc trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị định, đại diện BHXH Việt Nam cho biết, sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, để kịp thời chuẩn bị nhân lực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành khi Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2016, trong năm 2015, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ tiến hành đào tạo và cấp chứng chỉ thanh tra cho trên 500 cán bộ. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại quy định thanh tra BHXH phải có chứng chỉ thanh tra chuyên ngành do Bộ LĐ-TB&XH cấp. Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc chuẩn bị nhân lực thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH và không lãng phí hơn 500 cán bộ thanh tra nói trên, BHXH Việt Nam đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thống nhất lại điều khoản này.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn