Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ những chuyến đi

18-02-2015 08:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Năm 2014 đã khép lại với nhiều dấu ấn của ngành y tế. Bên cạnh những kết quả đạt được từ sự nỗ lực của toàn ngành thì y tế luôn được xem là lĩnh vực “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp tới đời sống người dân.

Năm 2014 đã khép lại với nhiều dấu ấn của ngành y tế. Bên cạnh những kết quả đạt được từ sự nỗ lực của toàn ngành thì y tế luôn được xem là lĩnh vực “nhạy cảm” vì liên quan trực tiếp tới đời sống người dân. Nhân dịp năm mới Ất Mùi, Thầy thuốc Nhân dân, PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên BCH Trung ương Ðảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có cuộc trao đổi với báo Sức khỏe&Ðời sống về những kết quả, thành tựu đạt được trong năm qua và những phương hướng, nhiệm vụ trong năm 2015.

Bộ trưởng Bộ Y tế PSG.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến.

PV: Thưa Bộ trưởng, năm 2014 khép lại với những cống hiến, đóng góp âm thầm, hết mình của toàn ngành y tế, nhiều thành tựu đã đạt được từ nỗ lực này. Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả đạt được trong năm vừa qua?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Năm 2014, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo trực tiếp của Chính phủ, ngành y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao, đặc biệt là chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ, góp phần quan trọng cùng các Bộ, ngành thực hiện mục tiêu an sinh xã hội, tạo tiền đề hoàn thành kế hoạch 5 năm 2011 - 2015. Một số kết quả nổi bật của ngành y tế như:

1. Đạt kết quả bước đầu quan trọng trong việc giảm quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Sau 2 năm thực hiện Đề án Giảm quá tải bệnh viện, đã tăng thêm 38.913 giường bệnh thực kê (tăng 17,5% so với năm 2012), tăng 5.102 bàn khám (nâng tổng số bàn khám lên 10.830, gần gấp đôi so với năm 2012), tỷ lệ giường bệnh/1 vạn dân thực kê đã đạt 28,1 giường, tăng được 3,4 giường so với năm 2012. Đến nay đã có 13 bệnh viện cam kết không để người bệnh nằm ghép. Bộ Y tế đã triển khai Đề án Đầu tư xây dựng cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và 3 bệnh viện tuyến cuối ở thành phố Hồ Chí Minh để tăng số giường bệnh.

Nhờ quyết liệt thực hiện cải cách, đổi mới quy trình khám bệnh tại Khoa Khám bệnh ở tất cả các bệnh viện, đã giảm thời gian chờ đợi trung bình được 48,5 phút/lượt khám, tiết kiệm được khoảng 27,2 triệu ngày công lao động/năm, 37,5% bệnh viện vệ tinh đã giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên, 25% bệnh viện tuyến huyện tăng công suất sử dụng giường bệnh.

Triển khai quyết liệt việc đơn giản thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giảm phiền hà cho bệnh nhân; làm thay đổi đáng kể diện mạo và hoạt động của Khoa Khám bệnh ở tất cả các bệnh viện trong cả nước. Những kết quả bước đầu của hoạt động này đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.

2. Kỷ cương trong các cơ sở khám chữa bệnh đã được chấn chỉnh và kiểm soát thông qua việc phát huy hiệu quả Đường dây nóng ngành y tế theo 3 cấp. Việc thiết lập trở lại và tổ chức hoàn chỉnh hệ thống tổng đài trực Đường dây nóng ngành y tế trên toàn quốc để tiếp nhận các ý kiến bức xúc của người dân liên quan đến khám chữa bệnh đã giúp ngành y tế nắm bắt được nguyện vọng của người dân, kịp thời biểu dương các cá nhân và tập thể y, bác sĩ hết lòng vì người bệnh, đồng thời xử lý nghiêm những tiêu cực trong các cơ sở khám chữa bệnh. Những thay đổi theo chiều hướng tích cực trong hoạt động khám chữa bệnh trong năm qua đã được người dân và các cơ quan truyền thông ghi nhận.

3. Kiểm soát và ngăn ngừa không để các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào Việt Nam, như dịch Ebola, H7N9, H5N6; MERS-CoV, dịch hạch. Sản xuất thành công vaccin Rota phòng tiêu chảy cho trẻ em; triển khai trên quy mô toàn quốc Chương trình Tiêm chủng mở rộng phòng chống sởi - Rubella và các biện pháp ngăn chặn dịch tay-chân-miệng, sốt xuất huyết,... Nhờ vậy, không có dịch bệnh lớn xảy ra và giảm tỷ lệ tử vong của hầu hết các bệnh truyền nhiễm.

4. Đã tạo được một bước đột phá trong thực hiện bảo hiểm y tế nhằm đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân nhờ việc tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, với quy định bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, bổ sung đối tượng tham gia, quy định các chính sách bảo hiểm y tế nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, người trong diện chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 70,8% - vượt mức đề ra trong Đề án Lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân là 70% năm 2015.

5. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về cải cách hành chính ở các đơn vị, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý y tế. Đáng chú ý là đã triển khai 4 dịch vụ công trực tuyến cấp 4 đối với cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo, công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với các loại thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đây là một bước quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử, nhằm đơn giản và minh bạch hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh phát triển.

6. Nâng cao năng lực cho y tế cơ sở: thực hiện chính sách luân phiên có thời hạn đối với cán bộ y tế tuyến trên về công tác tại tuyến dưới, đặc biệt đạt kết quả bước đầu trong việc triển khai thí điểm Đề án Bác sĩ trẻ tình nguyện công tác tại các khu vực khó khăn, nhất là 62 huyện nghèo; tích cực phối hợp với các hội nghề nghiệp triển khai các hoạt động nhân đạo hướng về cơ sở, tới những người có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2014, Bộ Y tế đã phối hợp với Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam triển khai chương trình Khám bệnh cho ít nhất 1 triệu lượt người nghèo trên phạm vi toàn quốc; triển khai chương trình Chung tay mua bảo hiểm y tế cho phụ nữ nghèo; phát động phong trào Ngành y tế cùng ngư dân bám biển.

7.  Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế: phát triển các kỹ thuật cao ngang tầm với các nước tiên tiến trên thế giới, như ghép tế bào gốc, ghép tim và các bộ phận cơ thể người. Lần đầu tiên Việt Nam triển khai hệ thống phẫu thuật bằng robot hiển thị không gian 3 chiều với góc phẫu thuật 540 độ, cho phép thực hiện các thủ thuật ở những ngóc ngách nhỏ nhất, chính xác nhất, tránh được những sang chấn và biến chứng sau phẫu thuật. Việc ứng dụng kỹ thuật tạo điều kiện cho các bác sĩ có thể thực hiện được các kỹ thuật ngang tầm quốc tế, mở ra nhiều cơ hội điều trị cho những ca bệnh khó mà nội soi thông thường không thể can thiệp.

8. Đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính tại các cơ sở y tế công lập; kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ y tế, thực hiện lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế theo Nghị quyết 68/2013/QH13 của Quốc hội, nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra về giá thuốc nhập khẩu và sản xuất trong nước, bảo đảm mua được thuốc đạt chất lượng với giá cả hợp lý, kiểm soát chặt chẽ công tác đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mức độ tăng giá của nhóm hàng thuốc và dịch vụ y tế tháng 10/2014 so với tháng 10/2013 là 2,33% và thấp hơn mức độ tăng giá của hàng hóa tiêu dùng chung (CPI là 3,23%).

9. Nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông, đổi mới cách tiếp cận với các cơ quan truyền thông đại chúng nhằm chủ động cung cấp thông tin toàn diện, đầy đủ và chính xác về các hoạt động y tế cho người dân và công luận; tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp khác, xây dựng không gian cởi mở, minh bạch thông tin thông qua các cuộc gặp mặt báo chí định kỳ 1 - 2 tuần/lần. Nhờ đó đã tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội, các cơ quan truyền thông, nhân dân và cộng đồng xã hội đối với hoạt động của ngành y tế.

10. Chủ động, tích cực trong quan hệ quốc tế, thông qua các hoạt động song phương, đa phương; tổ chức thành công các hoạt động mà Việt Nam chủ trì, đặc biệt là việc tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN lần thứ 12, Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN Trung Quốc lần thứ 5. Nhờ vậy uy tín và vị thế của ngành y tế Việt Nam đã nâng lên rõ rệt trong cộng đồng quốc tế.

PV: Là ngành “làm dâu trăm họ” liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người, trong thời gian qua, Bộ trưởng luôn đặt mình vào vị trí người dân để có những chỉ đạo, xử lý các vấn đề “nóng” liên quan đến sức khỏe nhân dân. Xin Bộ trưởng chia sẻ về vấn đề này?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Ngành y là một ngành cao quý với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe - vốn quý nhất của con người. Ngành y gắn với mỗi người trong suốt cuộc đời, từ lúc hai hợp tử gặp nhau hình thành bào thai trong bụng mẹ đến lúc từ giã cõi đời; cả lúc khỏe mạnh (cung cấp các dịch vụ bảo vệ sức khỏe) lẫn lúc ốm đau (khám và điều trị bệnh). Ngành y chứng kiến nỗi đau đớn, buồn khổ và mất mát của con người. Những lúc vui sướng, hạnh phúc không ai tìm đến ngành y. Họ chỉ đến khi có vấn đề về sức khỏe, hoặc cần giải quyết những hậu quả của các hành vi sinh hoạt như ăn uống quá nhiều, ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh tật do bạo lực gia đình, thiên tai thảm họa, dịch bệnh, ma túy, mại dâm, nhiễm HIV/AIDS,... Đặc thù nghề nghiệp đã khiến ngành y trở thành một ngành đặc biệt, luôn phải làm việc trong sự kỳ vọng quá cao của người bệnh, với đầy ắp áp lực, căng thẳng cao độ vì trách nhiệm đối với người bệnh; chỉ một chút sơ sẩy nhỏ nhoi cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh.

Sự đóng góp của ngành y đối với xã hội là rất lớn, nhưng âm thầm nên ít người nhận thấy. Nhìn lại số liệu thống kê, chúng ta sẽ thấy tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam vài thập kỷ trước chỉ trên 60 tuổi, nhưng nay đã là trên 73 tuổi; tỷ lệ tử vong mẹ, tử vong trẻ em đều giảm ngoạn mục trong những năm gần đây. Nếu không có sự phát triển của ngành y tế với đội ngũ cán bộ có trình độ cao có khả năng ứng dụng tiến bộ y học trong chẩn đoán và điều trị, nếu không có hàng chục ngàn cán bộ y tế ngày đêm cần mẫn làm việc trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh,... và trên hết, nếu họ không có lòng đam mê nghề nghiệp, yêu thương con người thì mọi chuyện sẽ ra sao, chắc chúng ta có thể hình dung được.

Trong khi trình độ y học của Việt Nam có xuất phát điểm thấp, ngân sách đầu tư cho y tế còn hạn chế mặc dù Nhà nước rất quan tâm và luôn tăng kinh phí, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đòi hỏi của người dân về được chăm sóc chu đáo khi bị ốm đau trong điều kiện vệ sinh sạch sẽ ở bệnh viện, được thầy thuốc dành thời gian thăm hỏi, tư vấn,... là rất chính đáng. Nhưng có những lý do khách quan khiến các điều kiện này chưa được đảm bảo. Ví dụ như do tình trạng quá đông bệnh nhân nên mỗi ngày các bác sĩ phải khám hàng chục, thậm chí hàng trăm bệnh nhân dẫn đến mệt mỏi, thái độ không được vui vẻ, không dành được thời gian để tư vấn, hỏi han bệnh nhân. Chắc nhiều người chưa biết rằng, lương khởi điểm của bác sĩ thấp, thời gian học dài, khó; trong khi mọi người được nghỉ ngơi thì bác sĩ phải trực đêm, với những căng thẳng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều tai biến sản khoa là bất khả kháng, ngay cả những nước có nền y học tiên tiến như Mỹ, Nhật, châu Âu, sai sót y khoa vẫn chiếm tỷ lệ cao, gây nên các tai biến và tử vong.

Ở Việt Nam, ngoài rủi ro nghề nghiệp, có một phần nhỏ do bất cập trong cơ chế phân cấp phân quyền quản lý y tế. Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngành y tế được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về y tế, chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách y tế; chính quyền địa phương chịu trách nhiệm tổ chức, triển khai các chính sách và quản lý cụ thể về con người, cơ sở vật chất ở địa phương, cũng như giải quyết những vụ việc xảy ra ở các cơ sở y tế do địa phương quản lý. Mỗi khi có vấn đề liên quan đến y tế xảy ra tại một cơ sở nào đó, chúng tôi rất hiểu, thông cảm và chia sẻ với bức xúc của người bệnh, của dư luận, nhưng để giải quyết những vấn đề này chúng ta cần phải thực hiện theo đúng luật pháp, theo đúng thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Mặc dù có những vấn đề nằm ngoài thẩm quyền giải quyết của mình, nhưng những người thầy thuốc luôn nghiêm túc xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng, chi tiết vấn đề đó để có thể rút ra các bài học cần thiết cho cán bộ y tế trong toàn ngành. Trong quá trình tác nghiệp của mình, chúng tôi mong rằng nhận được sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của chính quyền các địa phương, các Bộ, ngành chức năng để ngày càng phục vụ người dân tốt hơn. Chúng tôi cũng rất cần người dân, cộng đồng, xã hội cùng đồng hành, chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế và đánh giá đúng sự đóng góp của ngành y tế đối với sự nghiệp chung về phát triển đất nước, cũng như chăm sóc sức khỏe người dân.

Bộ  trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trò chuyện với con em ngư dân huyện đảo Lý Sơn. Ảnh: NTT

PV: Trong thời gian qua, hình ảnh Bộ trưởng luôn có mặt tại vùng sâu, vùng xa khó khăn nhất của đất nước, từ miền núi Hà Giang, Cao Bằng đến Trường Sa, Lý Sơn, nơi đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc... Nhiều người cảm nhận được ở người đứng đầu ngành y tế sự xông xáo, giản dị, hết lòng với công việc, hết sức chia sẻ với những khó khăn của nhân dân. Những chỉ đạo kiên quyết, kịp thời của Bộ trưởng đã giúp y tế các địa phương tháo gỡ những khó khăn trong công tác phòng bệnh và điều trị. Xin Bộ trưởng cho biết những điểm nhấn trong giai đoạn vừa qua và những áp lực, khó khăn của mình sau gần một nhiệm kỳ trên ghế “nóng”?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Là ngành vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng người dân, nên chúng tôi luôn phải chịu nhiều áp lực, từ tình trạng quá tải bệnh viện, từ dịch bệnh mới nổi ngày càng gia tăng, diễn biến nguy hiểm và cả khó khăn về đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất, hay như việc bảo đảm đủ thuốc có chất lượng cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, rồi đến việc xây dựng các chính sách y tế, như bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người nghèo, người trong các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo,... Vì vậy, hầu hết các cán bộ y tế luôn phải làm việc với một cường độ lớn, chịu áp lực cao.

Là một người đứng đầu ngành liên quan đến toàn xã hội như y tế, tôi phải đối mặt với nhiều thách thức. Để có thể làm tốt công việc của mình, tôi cho rằng cần phải nắm thật chặt chẽ, kỹ lưỡng tình hình thực tế. Chúng ta đều hiểu y tế ở cơ sở là rất khó khăn, nhưng khó khăn như thế nào, lĩnh vực nào là khó khăn nhất, cần giải quyết nhất và cách giải quyết như thế nào là phù hợp với tình hình thực tế,... Những thông tin này chúng ta không thể thu thập qua nhưng con số báo cáo, mà cần phải thị sát thực tế để có cách nhìn toàn diện nhưng chi tiết, từ đó đưa ra các giải pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề. Chính vì thế, bên cạnh những chỉ đạo chung của toàn ngành, thì việc đến kiểm tra, thăm y tế cơ sở để trực tiếp lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sẻ chia và giúp y tế cơ sở tháo gỡ khó khăn, đồng cảm hơn với người dân, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo... đó chính là nhiệm vụ và sự thôi thúc của lương tâm trách nhiệm của người lãnh đạo. Những chuyến đi như vậy giúp cho tôi và các cán bộ quản lý cấp dưới có thêm thông tin, kinh nghiệm để có những chỉ đạo kịp thời tháo gỡ khó khăn cho y tế các địa phương trong công tác phòng bệnh và điều trị... Không những thế, từ các chuyến đi cơ sở sẽ giúp việc chỉ đạo các chính sách được sát với thực tế.

Trong giai đoạn vừa qua, tôi cũng như tất cả anh em trong ngành cũng phần nào được động viên vì kết quả bước đầu thu được từ những việc chúng tôi đã triển khai. Chúng tôi cũng rất cảm kích và đánh giá cao những ý kiến đóng góp của người dân đối với ngành y tế, cả ý kiến khen ngợi cũng như những ý kiến phản biện, thậm chí bức xúc của người bệnh ở một số cơ sở y tế.

PV: Năm 2015 cũng là năm quan trọng thực hiện kế hoạch công tác y tế giai đoạn 2011 - 2015. Xin Bộ trưởng cho biết một số nhiệm vụ trọng tâm công tác y tế trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm 2015, đồng thời với việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao, ngành y tế tiếp tục triển khai 7 nội dung công tác trọng tâm đã được đề ra từ đầu nhiệm kỳ 2011 - 2016, đặc biệt tập trung hoàn thành những nội dung sau:

1. Tiếp tục triển khai các biện pháp nhằm giảm quá tải bệnh viện: Bộ Y tế sẽ cùng với các Bộ, ngành, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng phối hợp, chung tay giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện, cải thiện các điều kiện phục vụ người bệnh, nhằm làm hài lòng người bệnh. Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; tăng cường y đức, nâng cao sự hài lòng của người bệnh đối với dịch vụ y tế.

2. Chủ động, dự báo, phát hiện sớm, khống chế kịp thời dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra; mở rộng can thiệp giảm tác hại, điều trị methadone, điều trị ARV cho bệnh nhân mắc HIV/AIDS; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm, theo dõi và xử lý kịp thời, nghiêm khắc các vi phạm về an toàn thực phẩm.

3. Cùng toàn xã hội thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, thực hiện tốt Luật Bảo hiểm y tế.

4. Tăng cường công tác truyền thông về y tế, nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân và toàn xã hội. Tích cực đối thoại với người dân thông qua các cơ quan truyền thông đại chúng, thực hiện thông tin hai chiều, bên cạnh việc cung cấp thông tin chính xác, kịp thời và đầy đủ về các hoạt động của ngành, tích cực tiếp nhận những ý kiến phản hồi của người dân để không ngừng cải thiện chất lượng dịch vụ trong các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

5. Tiếp tục thực hiện các giải pháp về đổi mới cơ chế tài chính hướng tới sự công bằng trong việc tiếp cận và hưởng thụ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tăng nhanh chi tiêu công cho y tế, đẩy nhanh lộ trình thực hiện BHYT toàn dân, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách. Hỗ trợ cho người nghèo các đối tượng chính sách trong khám chữa bệnh. Đây cũng là đòi hỏi của người dân. Để phục vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt, cần phải có nguồn lực đầu tư phát triển y tế; đồng thời cũng phải bảo đảm các chính sách an sinh xã hội đối với những người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, những người thuộc diện chính sách, được bảo trợ xã hội.

6. Tập trung củng cố, hoàn thiện và nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở, phát triển các dịch vụ khám chữa bệnh phổ cập hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân kết hợp với phát triển các dịch vụ y tế chuyên sâu, dịch vụ y tế kỹ thuật cao; hiện đại hóa và phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại.

7. Phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng, tập trung vào chất lượng, cơ cấu và phân bố cân đối. Tăng cường quản lý chất lượng đào tạo, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực y tế. Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng các tiến bộ khoa học trong lĩnh vực y tế.

8. Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vaccin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả.

9.  Nâng cao năng lực quản lý và năng lực thực hiện chính sách y tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp liên ngành để đáp ứng nhu cầu đổi mới và phát triển ngành y tế trong giai đoạn mới.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Toàn Thắng

(thực hiện)

 

 


Ý kiến của bạn