Bệnh Lao là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người tử vong do Lao. Theo ước tính, năm 2017, Việt Nam có thêm 124.000 người mắc lao và có 12.000 người chết do lao. Cứ mỗi ngày, lại có thêm 4.500 người chết bởi bệnh lao và gần 30.000 người mắc bệnh. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Việt Nam hiện đứng thứ 16/30 nước có gánh nặng về bệnh nhân Lao cao nhất trên thế giới và xếp thứ 15/30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất trên toàn cầu. Trên cả nước , hiện mới chỉ có 48 bệnh viện chuyên khoa lao/bệnh phổi, tuy nhiên vẫn còn 15 đơn vị chống lao tuyến tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa, đây là một thách thức cho công cuộc chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại hội thảo
Nhiều địa phương còn gặp khó khăn, lúng túng khi thực hiện
Phát biểu tại Hội thảo Hướng dẫn kiện toàn tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh tại 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao/ bệnh phổi sáng 15/8, Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho rằng, hằng năm số người tử vong do bệnh lao khá cao, không kém số tử vong do tai nạn giao thông. Với mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030, đây là nhiệm vụ nặng nề và khó khăn. Đến nay còn 15 tỉnh chưa có Bệnh viện chuyên khoa lao và bệnh phổi hoặc đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm, đặc biệt đây là những tỉnh có nhiều khó khăn như Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ… Có những đơn vị đang trong quá trình sát nhập theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Sự thay đổi này đang gây ra những biến động lớn về tổ chức, nhân lực và hiệu quả của công tác chống lao.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh, nếu chúng ta không có hành động quyết liệt với những cách làm đúng, khoa học, thực tiễn, sáng tạo, không thể hoàn thành được những mục tiêu đề ra.
Cũng vì những vướng mắc của các địa phương, Bộ y tế và Bv Phổi Trung ương tổ chức Hội thảo Hướng dẫn kiện toàn tổ chức đơn vị chống lao tuyến tỉnh tại 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa lao/ bệnh phổi để tìm ra giải pháp , các mô hình phù hợp với hoàn cảnh và tình hình thực tế của từng địa phương khác nhau.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng Ban Phòng chống lao quốc gia
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Trưởng Ban Phòng chống lao quốc gia cho rằng, trước yêu cầu mới của chương trình chống lao là chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 (số mắc lao chỉ còn 20/100000 dân ), Việt Nam chỉ còn 11 năm nữa. Để tiến tới chấm dứt bệnh lao là một thách thức không nhỏ. Trong 10 năm qua, bệnh lao ở Việt Nam đã giảm được 31%, trung bình 3,8% một năm. Mặc dù đã giảm mạnh nhưng để đạt được mục tiêu Việt Nam cần phải giảm xuống con số 9% mỗi năm, PGS Nhung nói.
“Một mô hình không thể phù hợp với tất cả các tỉnh”
Ông Nguyễn Hoàng Sa, Phó Giám đốc Sở Y tế Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã thống nhất Bệnh viện lao của tỉnh Cà Mau sẽ đi vào hoạt động từ ngày 1-1-2020, nhân lực dựa trên Trung tâm phòng chống bệnh xã hội và Khoa Lao của BV tỉnh. Sau khi bệnh viện hoàn thành sẽ tiếp tục kiện toàn nhân lực và bổ sung cơ sở vật chất. Với bệnh viện này, sẽ vừa làm chức năng khám và điều trị vừa làm chức năng dự phòng.
Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đặng Văn Hải cho rằng, tại Vĩnh Phúc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện 74 Trung ương, BV đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đều là những cơ sở có thể khám và điều trị bệnh nhân lao. Trung tâm hiện gặp khó khăn như có nhiều địa điểm nằm rải rác nhiều nơi, nhân lực ít, riêng việc lấy số liệu rất khó bởi có nhiều cơ sở y tế cùng quản lý căn bệnh này ở địa phương.
Hội thảo thu hút rất đông đại diện các sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật của các tỉnh tới dự
Đại diện Sở Y tế Lào Cai cho biết, tại Lào Cai chủ yếu quản lý bệnh nhân lao chủ yếu dựa vào cộng đồng. Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh hiện nhân lực đã rất hạn chế, nhưng nếu có thêm mảng lao, khó thu xếp được nhân lực, nhất là bác sĩ chuyên khoa lao. Tại Lào Cai hiện nay, khi phát hiện ra bệnh nhân mắc lao, người bệnh được hướng dẫn đưa vào bệnh viện điều trị, còn mảng dự phòng, thuộc trung tâm phụ trách. Việc lồng ghép các chương trình là mục tiêu mà Lào Cai đang hướng tới, vừa để thống nhất chỉ đạo và thực hiện tại các cơ sở.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung thừa nhận, mỗi tỉnh, mỗi địa phương đều có vấn đề của mình, việc đưa ra mô hình phải phù hợp với thực tế của địa phương và thực trạng của cơ sở y tế hiện có. Không thể có một mô hình áp dụng cho tất cả các tỉnh.
Chương trình chống Lao cấp tỉnh của 15 tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa hiện nay có 3 tỉnh có bệnh viện chưa đưa vào sử dụng, 8 tỉnh đã thành lập trung tâm kiểm soát bệnh tật, 1 tỉnh có trạm chống lao và 3 tỉnh chưa có kế hoạch.
Theo PGS Nhung, đối với các tỉnh đã xây dựng bệnh viện lao/bệnh phổi thì tỉnh cần ưu tiên đầu tư cho xây dựng bệnh viện, đồng thời, sớm hoàn tất công trình và đưa vào sử dụng bệnh viện lao/bệnh phổi. Với những tỉnh thành lập trạm/Trung tâm chuyên khoa lao và bệnh phổi có giường bệnh thì nên sát nhập khoa lao hiện tại với khoa lao của Bệnh viện đa khoa tỉnh.
Riêng đối với các tỉnh sáp nhập trong Trung tâm kiểm soát bệnh tật cần thành lập khoa lao riêng hoặc khoa lao – HIV có chức năng quản lý, triển khai, giám sát hoạt động chương trình chống lao trong toàn tỉnh; phối hợp với bệnh viện đa khoa tỉnh để bảo đảm công tác điều trị bệnh lao tại tuyến tỉnh, bao gồm lao đa kháng thuốc.
Để kiện toàn đơn vị chống lao tuyến tỉnh , tiến tới đạt mục tiêu quốc gia trong phòng chống lao, Bộ Y tế sẽ ban hành văn bản gửi UBND và Sở Y tế của 15 tỉnh trên để đôn đốc cũng như hướng dẫn để các tỉnh triển khai. Làm được điều này cũng là bảo đảm được quyền lợi sát sườn nhất của người dân của 15 tỉnh. Làm sao để bệnh lao ngày càng được khống chế tốt, hạn chế được những trường hợp lao kháng thuốc, số người bị mắc bệnh lao mới, số người tử vong do lao năm sau giảm hơn năm trước.