Gan nhiễm mỡ hay còn gọi gan thoái hóa mỡ là tình trạng ứ đọng mỡ trong gan do nhiều nguyên nhân. Bình thường lượng mỡ chiếm khoảng 3 - 5% trọng lượng của gan. Gan nhiễm mỡ mức độ nhẹ khi lượng mỡ trong gan chiếm 5 - 10%, nếu 10 - 25% là nhiễm mỡ mức độ vừa và nếu vượt quá 30% là nhiễm mỡ nặng. Mức độ gan nhiễm mỡ cũng phụ thuộc vào bệnh chính gây ra và việc tuân thủ chế độ điều trị bệnh.
Gan nhiễm mỡ không phải là một bệnh mà chỉ là biểu hiện lâm sàng của nhiều bệnh lý khác nhau. Do đó muốn điều trị gan nhiễm mỡ, phải điều trị bệnh chính gây ra gan nhiễm mỡ và không có loại thuốc đặc hiệu nào có thể chữa khỏi tình trạng này nếu như không điều trị nguyên nhân.
Béo phì:
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở bệnh nhân béo phì và mức độ nhiễm mỡ cũng liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng. Có 80% đến 90% bệnh nhân béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu béo phì nặng, mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn và lâu ngày sẽ có khả năng đưa đến viêm gan thoái hóa mỡ và cuối cùng có thể tiến triển thành xơ gan.
Vì vậy để điều trị gan nhiễm mỡ cho người béo phì, điều quan trọng là phải thực hiện chương trình giảm cân thích hợp. Cụ thể là không chỉ giảm ăn nhiều chất béo, mà cần giảm ăn các loại thực phẩm có nhiều chất bột đường, nước ngọt vì chất bột đường nếu dư thừa cũng sẽ chuyển hoá thành mỡ dự trữ ở bụng và trong nội tạng như gan, tim...
Đái tháo đường:
Gan nhiễm mỡ ít phổ biến ở bệnh nhân đái tháo đường type I, nhưng rất thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường type II do có sự rối loạn về chuyển hoá chất béo. Ước tính 50% bệnh nhân đái tháo đường type II bị gan nhiễm mỡ.
Nếu bệnh nhân đái tháo đường mà béo phì, mức độ bị gan nhiễm mỡ càng cao và dễ có nguy cơ dẫn đến xơ gan.
Vì vậy điều trị tốt bệnh đái tháo đường, ổn định đường huyết, thực hiện tốt chương trình giảm cân hợp lý là điều quan trọng hàng đầu để cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ ở người bệnh đái tháo đường.
Ảnh minh họa
Tăng mỡ máu:
Tăng mỡ máu hay tăng lipid máu (gồm tăng triglyceride máu, tăng cholesterol máu hoặc cả hai) cũng thường kèm theo gan nhiễm mỡ với tỷ lệ tương đối cao.
Điều trị chứng tăng mỡ máu bằng chế độ ăn hạn chế chất béo, bớt ăn thịt, tăng cường ăn cá (hoặc uống thêm dầu cá omega 3), ăn nhiều rau xanh, đậu hạt, trái cây, ăn ít ngọt, hạn chế rượu bia (không uống quá 2 lon mỗi ngày đối với nam và một lon đối với nữ) vì trong bia tuy không có chất béo nhưng chúng có nhiều năng lượng rỗng và phần năng lương dư thừa này sẽ chuyển hóa thành mỡ đọng lại ở bụng được gọi là mỡ bụng. Việc thực hiện tốt chế độ ăn hợp lý mà chưa cần dùng đến thuốc để giảm mỡ máu cũng góp phần cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Nghiện rượu:
Gan nhiễm mỡ thường gặp ở người nghiện rượu. Việc tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan là kết quả của nghiện rượu mạn tính làm mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nhưng nếu tiếp tục uống rượu sẽ dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan. Bên cạnh đó việc thường xuyên dùng các loại thuốc như acemol, panadol... để giảm nhức đầu sau khi uống rượu cũng làm cho gan tổn hại nhanh.
Như vậy không có thần dược nào để chữa gan nhiễm mỡ hay để phòng xơ gan do rượu tốt bằng con đường cai nghiện rượu trước khi quá trễ.
Chứng trạng của bệnh gan nhiễm mỡ thuộc trong các chứng, bệnh Đờm Ẩm, Huyễn Vựng, Đầu Thống, Hung Tý, Ma Mộc của Đông y, nguyên nhân có thể do:
- Ăn nhiều những thức ăn béo, ngọt, uống rượu… Tỳ tạng không đủ sức vận hóa hết, đọng lại mà thành bệnh.
- Ăn nhiều đồ sống lạnh hại Tỳ, tỳ không đủ sức vận hóa thủy thấp, và các chất dinh dưỡng. Thủy thấp và dưỡng chấp đọng lại gây béo phì, máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ...
Tình Chí bị Thương Tổn: Làm can khí bị uất trệ, huyết bị ứ. Can khí uất kết lấn sang làm tổn thương Tỳ Vị, Tỳ mất chức năng vận hóa, lượng mỡ không chuyển hóa được tụ lại gây nên bệnh
Thận Khí Hư Suy: Người lớn tuổi cơ thể bị suy yếu, thận khí hư suy, không đủ sức vận hóa, dưỡng trấp đọng lại mà thành bệnh
Đờm Ngưng Huyết Kết: Bình thường, lượng mỡ hóa sinh vào với thủy cốc, dưỡng trấp, mỡ cùng với tân dịch đều là loại chất dịch, tân dịch và huyết cùng hỗ sinh cho nhau, mỡ và máu cùng quy vào phần dịch. Tân dịch tụ lại sinh ra đờm, huyết dịch ứ trở gây nên huyết ứ. Đờm ngưng, huyết trở đều làm cho lượng mỡ chuyển hóa thất thường, tụ lại thành trọc tà.
Các thảo dược hỗ trợ các thể theo đông y
Đờm Trọc Ngăn Trở: Cholesterol trong máu tăng cao, đầu váng, đầu nặng, cơ thể béo phì, ngực bụng đầy trướng, khó chịu, người nặng nề, không muốn hoạt động, rêu lưỡi vàng bệu, mạch Hoạt, Thực. Pháp trị: Táo thấp, khứ đờm, hóa trọc, giáng chỉ (hạ Cholesterol) Dùng bài Ôn Đởm Thang gia giảm: trần bì 8g, bán hạ 8g, bạch linh 12g, qua lâu 10g, chỉ thực 10g, hảo tảo 12g, hoàng cầm 8g.
Tỳ Hư Thấp Khốn: Cholesterol trong máu tăng cao, hoạt động thì mệt, ăn ít, bụng đầy, hụt hơi, sắc mặt không tươi, chân hơi sưng phù, phân lỏng nát, lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng, mạch Hoãn, Nhược. Pháp trị: Ích khí, kiện Tỳ, thấm thấp, giáng chỉ (hạ Cholesterol). Dùng bài Sâm Linh Bạch Truật Tán gia giảm: đảng sâm 16g; bạch truật 12g; xa nhan 6g, bạch linh 8g, cam thảo 4g, hoài sơn 12g, cát cánh 8g, ý dĩ 12g, trần bì 6g thần khúc 12g, sơn tra 10g.
Can Uất Khí Trệ: Cholesterol máu tăng, hai bên hông sườn trướng đau, nấc, ợ hơi, phiền táo, dễ tức giận, đầu váng, đầu đau, miệng đắng, họng khô, lưỡi hơi đỏ, rêu lưỡi hơi vàng, mạch Huyền. Pháp trị: Sơ Can, lý khí, hòa Vị, giáng chỉ (hạ Cholesterol). Dùng bài Sài Hồ Sơ Can Tán gia giảm: sài hồ 8g, bạch thược 12g, chỉ xác 8g, trích thảo 4g, xuyên khung 8g, sơn tra 10g, hạ khô thảo 10g, huyền hồ 10g.
Can Thận Hư Tổn: Cholesterol trong máu cao, đầu váng, hoa mắt, cử động, hụt hơi, lưng đau, chân yếu, mắt mờ, tai ù, tai kêu, mất ngủ, hay mơ, trí nhớ giảm, lưỡi hơi đỏ, mạch Huyền, Tế. Pháp trị: Dưỡng huyết, nhu Can, ích Thận, giáng chỉ (hạ mỡ). Dùng bài Kỷ Cúc Địa Hoàng Hoàn gia giảm: đan bì 12g, cúc hoa 12g, trạch tả 12g, thục địa 32g, sơn thù 16g, hà thủ ô 12g,kỉ tử 12g, nữ trinh tử 10g, tang kí sinh 20g, Hoàng tinh 10g, đan sâm 16g.
Huyết Ứ Ngăn Trở: Cholesterol máu cao, ngực đau lan ra sau lưng, phiền muộn, đầu váng, đầu đau, đau không di chuyển, chân tay và cơ thể tê dại, lưỡi đỏ tím hoặc có vết ứ huyết, mạch Tế Sáp. Pháp trị: Hoạt huyết, hóa ứ, thông kết, giáng chỉ (hạ mỡ). Dùng bài Huyết Phủ Trục Ứ Thang gia giảm: Quy xuyên 12g, Xích thược 15g, Bồ hoàng 8g, đào nhân 16g, xuyên khung 6g, cát cánh 6g, cam thảo 4g, hồng hoa 12g, sinh địa 12g, sơn tra 10g, chỉ xác 8g.
Hiện nay điều trị gan nhiễm mỡ nên kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền sẽ có kết quả rất tốt. Bệnh nhân nên đến các khoa YHCT của các bệnh viện hoặc bệnh viện YHCT để được khám điều trị và tư vấn bệnh lý phù hợp.