Thảo dược tiếp sức cho sĩ tử mùa thi

23-05-2018 06:29 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Năm nào cũng vậy, tháng 5 – 7 thời tiết nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên ở mức trên 37, 38 0 C, không khí oi bức, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ sức khoẻ của học sinh, đặc biệt đối với các em chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông và đại học, cao đẳng... Vậy làm thế nào để các em có sức khỏe tốt và giành kết quả cao trong kỳ thi?

Ngoài việc quan tâm đến bữa ăn, giấc ngủ, giờ giấc học hành, có thể sử dụng các thảo dược dễ kiếm, dễ thực hiện, giúp ích cho việc chăm sóc sức khoẻ hàng ngày của sĩ tử một cách tốt hơn. Dưới đây là một số gợi ý giúp các bậc phụ huynh chăm sóc tốt hơn cho các sĩ tử khi bước vào kỳ thi.

Đặt lá hương nhu lên đỉnh đầu hoặc 2 bên thái dương để tránh bị say nắng

Đặt lá hương nhu lên đỉnh đầu hoặc 2 bên thái dương để tránh bị say nắng

Để tránh bị say nắng: trên đường đi, hoặc đi học về, có thể dùng ít lá hương nhu tươi, hoặc lá cúc tần tươi, đặt trên đỉnh đầu, hoặc 2 bên thái dương. Nếu thấy có biểu hiện mệt mỏi, say nắng, choáng váng thì cho uống nước rau má tươi, hoặc bột sắn dây, pha chút đường cho dễ uống.

Trước khi đi ra nắng, đến trường, hoặc khi về nhà, có thể cho uống si rô mơ, hoặc si rô sấu…vừa mát, bổ lại chống được say nắng. Vào các buổi chiều, có thể cho các em ăn thêm bột sắn dây nấu chín, cho đường đủ ngọt.

Nước sắn dây
Nước sắn dây
Sinh tố rau má
Sinh tố rau má

Để tránh háo khát: Hàng ngày có thể nấu nước nhân trần, cỏ ngọt cho uống thường xuyên, hoặc hãm nước quả la hán uống. Vì quả la hán chứa nhiều chất đường fructose và glucose, thêm vào đó còn có nhiều vitamin C, chất nhầy, các nguyên tố vi lượng: Fe, Zn, Se…rất có lợi cho sức khoẻ, lại làm cho dịu họng, dễ long đờm, rất thích hợp cho sĩ tử.

Chè sen có tác dụng bổ thần kinh

Chè sen có tác dụng bổ thần kinh

Để hạn chế ra mồ hôi: Giảm bớt sự hao tổn tân dịch cho cơ thể trong những ngày nắng nóng, hàng ngày có thể cho các em ăn chè hạt sen và khiếm thực. Đây là 2 dược liệu có tác dụng vừa bổ thần kinh, nhất là hạt sen, vừa mang tính liễm hãn cố sáp (khiếm thực). Tuần ăn vài lần.

Củ sắn dây luộc có tác dụng lưu thông máu não

Củ sắn dây luộc có tác dụng lưu thông máu não

Để giúp tăng trí nhớ cải thiện tuần hoàn não, lại giảm mệt mỏi, căng thẳng: hàng ngày ăn thêm củ sắn dây luộc. Vì trong củ sắn dây có chứa isoflavonoid, có tác dụng tăng thêm lưu lượng máu não, giúp não hoạt động tốt hơn. Cũng có thể lấy khoảng 30g nhân quả hồ đào, còn gọi hạnh đào hay quả óc chó, đập nhỏ, cùng với 30g gạo nếp, nấu cháo ăn, ngày một lần.

Quả hồ đào có tác dụng trị suy giảm,trí nhớ. Hoặc dùng cháo hồ đào, gạo nếp như trên, gia thêm 20g long nhãn, nấu chín, quấy đều ăn. Long nhãn là vị thuốc vừa bổ máu vừa an thần, tăng trí nhớ. Cũng có thể lấy 30g bột hồ đào nấu chín, rồi pha thêm nước hãm của 4g nhân sâm, quấy đều cho ăn, tuần vài lần.

Để tăng cường sức khoẻ chung cho các em trong mùa thi cử: nhất là những em có sức khoẻ yếu, hay mệt mỏi, có thể sử dụng phương thuốc bổ, gồm: Đảng sâm, bạch truật, bạch linh, mỗi vị 5g; cam thảo 3. Sắc uống, ngày một thang. Uống liền 2 tuần, trước đợt thi.

Những em người gầy yếu, da xanh, kém ăn, thiếu máu…, dùng phương: đương quy, thục địa, xuyên khung, bạch thược, mỗi vị 5g. Sắc uống ngày 1 thang. Uống liền hai tuần, trước đợt thi cử. Hoặc dùng phương: đảng sâm, bạch truật, bạch linh, đương quy, thục địa, xuyên khung, bạch thược, đồng lượng 5g; cam thảo 3 g. Sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 2 tuần, trước đợt thi.

Ngoài việc chăm lo về mặt ăn uống, thuốc thang, nên động viên các em, bình tĩnh trong ôn tập, sắp xếp thời gian học tập, ôn luyện, nghỉ ngơi hợp lý, tập thể dục nhẹ nhàng vào những buổi sáng sớm, không nên tập luyện những môn thể dục quá sức ở ngoài trời nắng, nóng.

Nắng nóng, không khí oi bức, khó chịu ảnh hưởng không nhỏ sức khoẻ của học sinh, đặc biệt đối với các em chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông và ngay sau đó là kỳ thi vào đại học đầy cam go... Dưới đây là một số gợi ý nước uống, thức ăn, sử dụng cây lá dân gian giúp các bậc phụ huynh chăm sóc tốt hơn cho các sĩ tử khi bước vào kỳ thi.


GS.TS. Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn