Hà Nội

Thảo dược lên ngôi

SKĐS - Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, dược phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu thảo dược tự nhiên theo công nghệ hiện đại với dây chuyền an toàn từ nuôi trồng đến xử lý nguyên liệu đang là xu hướng mạnh mẽ cạnh tranh trên thị trường thuốc chữa bệnh.

Nước ta có thảm thực vật đa dạng và phong phú, trong đó có khoảng 30.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, do tập quán canh tác cũng như bào chế theo phương pháp thủ công nên việc sử dụng các cây thuốc của người dân còn nhiều hạn chế. Thậm chí, nguồn dược liệu từ cây làm thuốc bị ảnh hưởng bởi hóa chất bảo vệ thực vật và chất chống mốc gây nguy hiểm và mất lòng tin cho người sử dụng. Vì vậy, sử dụng nguồn nguyên liệu thảo dược tự nhiên theo công nghệ hiện đại là hướng đi đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay.

Thảo dược hỗ trợ điều trị trong y học hiện đại

Các thuốc tân dược bào chế từ hoạt chất hóa học, sinh học có tác dụng nhanh chóng và hiệu quả trong việc điều trị bệnh. Tuy nhiên, nếu sử dụng tân dược trong thời gian dài và với liều lượng cao dễ có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng gan và thận là hai cơ quan chính chịu tác động trực tiếp từ phác đồ điều trị. Chính vì vậy, việc lựa chọn thảo dược tự nhiên để bảo vệ sức khỏe đang dần trở thành xu hướng mới của người dân quan tâm đến sức khỏe. Các thuốc có nguồn gốc từ thảo dược qua quá trình bào chế bằng công nghệ hiện đại đang ngày càng chiếm lĩnh thị phần trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe an toàn, thân thiện với tự nhiên.

Các thuốc thảo dược sử dụng trong y học cổ truyền gắn liền với kinh nghiệm phòng chữa bệnh lâu đời và nguồn dược liệu phong phú của nước ta. Để chữa bệnh, ông cha ta luôn vận dụng triết học cổ phương vào chẩn trị là “Quân-Thần-Tá-Sứ”. Dù cấu trúc bởi nhiều hay ít dược liệu thì bài thuốc vẫn phải có đủ vị thuốc chính, giải trừ nguyên nhân gây bệnh, vị thuốc hỗ trợ trị liệu hoặc giải trừ độc tố và tác dụng phụ của các vị thuốc chính, vị thuốc dẫn thuốc đến ổ bệnh và điều hòa. Trong dân gian, khi bị cảm lạnh, nhân dân ta thường dùng vị thuốc tía tô, gừng tươi; khi bị cảm nóng lại dùng kim ngân, tang diệp… Điều hòa các vị thuốc thường có vị cam thảo. Các bài thuốc dân gian có nguồn gốc tự nhiên như vậy vừa giúp hỗ trợ đẩy lùi chứng bệnh, vừa bồi bổ sức khỏe cho cơ thể. Một căn bệnh sẽ được nhìn nhận trên tổng thể hoàn chỉnh để không xảy ra trường hợp trị hiệu quả ở cơ quan bị tổn thương nhưng lại gây tổn hại các bộ phận khác, gây ra nhiều căn bệnh mới trong khi căn bệnh cũ vẫn chưa khỏi hoàn toàn.

Khác với y học cổ truyền, y học hiện đại nhờ ứng dụng những thành quả công nghệ với các trang thiết bị hiện đại, các hóa dược mạnh giúp chẩn đoán, hỗ trợ đẩy lùi kịp thời, hiệu quả cao các bệnh lý cấp cứu, ngoại khoa, cấp tính, truyền nhiễm… Tuy nhiên, người bệnh dễ bị phụ thuộc (lệ thuốc thuốc) và đối mặt với tác dụng phụ và ADR (những phản ứng có hại của thuốc). Do đó, để khắc phục nhược điểm này, y học hiện đại thường song hành nguyên tắc “Thuốc bệnh kèm thuốc hỗ trợ”, tức là người bệnh khi sử dụng thuốc cần dùng kèm các loại sản phẩm tăng cường sức đề kháng, giải trừ tác dụng phụ. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, kết hợp Đông - Tây y chính là một bước nâng cao của quá trình chắt lọc tinh hoa của y học Đông - Tây, loại bỏ và giảm thiểu tổn hại tới sức khỏe người dùng. Các thuốc nguyên liệu thảo dược đáp ứng được nhu cầu này.

Y học cổ truyền đã chứng minh được các thảo dược truyền thống có tác dụng rất tốt trong việc cân bằng âm - dương cho cơ thể. Chúng không chỉ phát huy tốt công dụng đối với việc hỗ trợ đẩy lùi các bệnh cấp tính mà còn tương đối hiệu nghiệm đối với các bệnh mạn tính. Chưa kể những loại thảo dược này đều có sẵn trong tự nhiên, rất dễ kiếm. Tiêu biểu như củ nghệ vàng, đối với các bà nội trợ, nghệ là “nữ hoàng của các loại gia vị”, được sử dụng phổ biến cho các món ăn. Nghệ cũng được ưa chuộng ở các chị em sau sinh với tác dụng phá huyết, thông kinh, lấy lại làn da và vóc dáng săn chắc. Đặc biệt, trong thành phần của nghệ chứa chất chống ôxy hóa, chống viêm, kháng khuẩn còn được xem là bài thuốc triển vọng giúp chữa lành các vết thương trên cơ thể như viêm loét dạ dày... Tuy nhiên, thảo dược truyền thống vẫn có nhược điểm nhất định, công đoạn chế biến cầu kỳ. Sau khi thu hái phải qua sơ chế, sấy khô, sao vàng hạ thổ, tiếp theo dùng ấm bằng đất nung để sắc thuốc mới đảm bảo yêu cầu. Mặt khác, việc dùng thảo dược phải hết sức kiên trì trong thời gian dài mới thu được kết quả. Do đó, việc kết hợp thảo dược tự nhiên với công nghệ sản xuất hiện đại là điều cần thiết, giúp mang lại sự tiện dụng cho người dùng.

Công nghệ giúp phát huy tính năng ưu việt của thảo dược

Với mục tiêu tạo ra những dòng sản phẩm có thuộc tính vượt trội chứa nhiều tác dụng, vừa phát huy tối đa hiệu quả điều trị, vừa bổ trợ các bộ phận khác trong cơ thể, các thuốc thảo dược hiện đại thường được đưa ra thị trường với tên gọi thực phẩm bảo vệ sức khỏe hay thực phẩm chức năng. Bằng phương pháp nghiên cứu sàng lọc các hoạt tính của dược liệu kết hợp với ứng dụng công nghệ bào chế thảo dược dưới dạng các phân tử nano siêu nhỏ, các sản phẩm này hiệu quả hơn sản phẩm truyền thống và kiểm soát được các dạng đồng phân không có tác dụng điều trị hoặc có hại cho sức khỏe. Người ta biết có tiền chất hormon trong tinh chất mầm đậu nành từ lâu. Với công nghệ nano, các nhà bào chế sẽ chọn lọc cho ra đời các sản phẩm an toàn cho sức khỏe để tránh các tác dụng phụ khi dùng thường xuyên...

Công nghệ enzyme hiện nay được dùng khá nhiều trong bào chế dược liệu phục vụ sản xuất thuốc từ nguyên liệu thảo dược. Mới đây, Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất thành công tá dược tan (DE5) từ tinh bột sắn bằng phương pháp enzyme. Tá dược là một chất không thể thiếu được dùng trong công nghệ sản xuất dược phẩm. Đây là một thành phần quan trọng ảnh hưởng đến độ hòa tan của thuốc. Nguyên liệu chính để sản xuất tá dược tan là tinh bột. Nguồn tinh bột rẻ tiền thường được sử dụng để bào chế tá dược là tinh bột sắn. Việc sản xuất thành công tá dược tan từ tinh bột sắn bằng phương pháp enzyme là một tín hiệu rất đáng mừng cho công nghiệp dược nước ta, giúp cung cấp cho thị trường Việt Nam các sản phẩm có chất lượng bảo đảm và giá thành cạnh tranh, góp phần bình ổn thị trường dược phẩm.

Trong một cây thuốc dùng làm dược liệu thường chỉ có vài thành phần có tác dụng chữa bệnh, phần còn lại là tạp chất hoặc có thể gây hại cho cơ thể. Đông y truyền thống không có cách nào tách những phần này ra nên khi sử dụng vẫn có tác dụng phụ. Ví dụ khi dùng bột nghệ thô như cách của dân gian có thể gây nóng và hại gan thận do vẫn còn tinh dầu... Hơn nữa, những hoạt chất trong dược liệu ở dạng thô thường rất kém tan trong nước vì phân tử lớn nên rất khó hấp thụ vào cơ thể. Với công nghệ nano sẽ giải quyết được vấn đề này và nâng cao hiệu quả điều trị của thảo dược làm thuốc.


ThS.DS. Lê Quốc Thịnh
Ý kiến của bạn