Thảo dược không phải là hoàn toàn vô hại!

23-01-2016 07:24 | An toàn dùng thuốc
google news

SKĐS - Việc dùng hóa dược gặp khá nhiều tai biến... do đó, thế giới có khuynh hướng quay về với thảo dược. Điều này được khuyến kích ủng hộ.

Việc dùng hóa dược gặp khá nhiều tai biến... do đó, thế giới có khuynh hướng quay về với thảo dược. Điều này được khuyến kích ủng hộ. Tuy nhiên, cần biết thảo dược cũng không phải là hoàn toàn vô hại. nếu thảo dược dùng tùy tiện sẽ không kết quả mà có khi bị hại.

Cũng có thảo dược chứa hoạt chất độc

Có thể kể đến một số thuộc loại này như: ma hoàng, hoàng nàn, mã tiền, cà độc dược.

Ma hoàng chứa 1,3 - 1,7% ancaloid toàn phần trong đó có từ 40 - 85% ephedrin tùy thuộc vào loài ephedra (sinica,equisetina, intermedia, geradiana). Ephedrin làm giãn phế quản, được dùng để chữa hen, giảm béo nhưng lại làm tăng huyết áp, gây chán ăn, kích thích khó ngủ, choáng váng, đau đầu, run rẩy, rối loạn nhịp tim, rối loạn chức năng thận, độc cho gan. Trước đây Tây y có dùng ephedrin tinh khiết để chữa hen kiểm soát được liều lượng nhưng ngày nay cũng không dùng nữa. Trong khi đó, đông y dùng dưới dạng dược liệu thô chữa hen không kiểm soát được liều lượng. Năm 2005, theo thống kê của trung tâm quốc tế về ung thư, có 81 trường hợp tử vong tại Mỹ do dùng ma hoàng giảm béo. Do điều này, sau đó Mỹ đã cấm dùng ma hoàng. Song cho đến hiện nay nhiều nước, đặc biệt là châu Á, vẫn dùng.

Thảo dược được khuyến khích sử dụng nhưng không nên dùng tùy tiện. Ảnh: Thủy Nguyễn

Đông y có nhiều cách chế biến làm giảm lượng chất độc trong thảo dược:

Củ ô đầu có chứa ancaloid độc aconitin. Đông  y chế biến bằng cách: ngâm trong nước có chứa muối ăn trong nhiều ngày (sáng phơi, tối ngâm) nên lượng ancaloid đã giảm đi nhiều ít độc có thể dùng làm thuốc uống. Tùy theo cách chế biến nếu ngâm muối cho đến mức thấm vào giữa củ, bên ngoài có kết tinh muối sẽ được vị diêm phụ; nếu cho thêm  đường đỏ và hạt cải sao tẩm cho có màu đen sẽ được vị hắc phụ; nếu đồ chín bóc vỏ đen phơi khô xông diêm sinh cho có màu trắng sẽ được vị bạch phụ. Ngược lại, đông y cũng dùng củ ô đầu ngâm rượu lượng ancaloid còn nhiều, rất độc chỉ có thể dùng xoa bóp bên ngoài.

Vỏ thân cây hoàng nàn chứa ancaloid  strychnin rất độc nhưng khi đem ngâm nhiều  lần trong ngày bằng nước sạch, nước gạo sẽ được vị hoàng nàn chế chứa rất ít strychnin ít độc, dùng uống. Ngược lại, hoàng nàn  dùng ngâm rượu thì lại rất độc chỉ dùng xoa bóp bên ngoài.

Trong các bản quy chế thuốc độc trước đây việc chế biến các thảo dược trên được mô tả rất chi tiết và lượng y được giao nhiệm vụ này phải chấp hành quy trình này đầy đủ. Nếu việc chế biến này có sơ suất sẽ gây độc cho người dùng. Ngoài ra, việc ngộ độc các thảo dược này đôi khi còn do nhầm lẫn giữa thảo dược đã chế biến và chưa chế biến; đôi khi cũng còn do sơ suất của người dùng như bảo quản rượu xoa bóp không cẩn thận.

Dùng không đúng theo phép trị liệu đông y cũng gây hại

Phép trị liệu đông y có hệ thống lý luận khác với tây y. Bệnh tật phát sinh do mất thăng bằng âm dương, tính chất bệnh còn biến hóa trong quá trình phát triển. Chẩn đoán luận trị đúng sẽ khỏi, trái lại sẽ không khỏi. Xin dẫn ra vài thí dụ thông thường dễ hiểu. Khi tiêu chảy do hàn (lạnh) thì dùng thảo dược có tính ôn như quế, gừng. Khi tiêu chảy do nhiễm khuẩn thì dùng các loại thảo dược có tính kháng khuẩn như: dây vàng đắng hoàng liên. Có nhiều thảo dược có tính tăng cường chức năng gan nhưng nếu dùng và ngừng dùng không đúng lúc thì sẽ buộc gan phải làm việc quá nhiều để chuyển hóa trong khi vốn gan đã bị suy yếu thì sẽ bất lợi cho gan. Có nhiều loại thuốc bổ dưỡng như bổ thận âm, bổ thận dương, mỗi loại chỉ dùng cho mỗi bệnh cảnh nhất định, nhưng nhiều người cứ tự mua dùng hay làm quà cho người khác một cách tùy tiện.

81 trường hợp tử vong tại Mỹ do dùng ma hoàng giảm béo

Tác hại do dùng thảo dược sai thường diễn ra trên diện rộng nhưng ít được cảnh báo và chấn chỉnh.

Không phải bệnh nào cũng chuyển sang dùng thảo dược được

Bệnh động kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt thường phải dùng hóa dược trong một thời gian dài, thậm chí có khi dùng suốt đời. Có người cho rằng dùng như thế sẽ bị độc hại nên tự ý chuyển sang dùng thảo dược. Thực tế trong kinh nghiệm đông y cũng như trong tây y chưa có một nghiên cứu nào cho biết thảo dược chữa khỏi được các bệnh này. Vì vậy, việc làm này giống như bỏ dở  điều trị, sẽ có hại: bệnh sẽ tiến triển nặng hơn.

Đông y gọi các ung nhọt là ung, khác với ung thư theo quan niệm tây y là sự phát triển vô tổ chức của các tế bào bị biến đổi chứa gen lạ. Cho đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh thảo dược chữa được ung thư. Có nhiều người tin theo các bài thuốc được quảng cáo là gia truyền đem chữa ung thư là không kết quả mà lại tốn kém.

Tăng huyết áp đòi hỏi phải dùng hóa dược để đưa huyết áp về mức ổn định gọi là kiểm soát huyết áp và người bệnh phải dùng hóa dược suốt đời. Không hiểu được điều này, có người bỏ hóa dược hoặc thay hóa dược bằng thảo dược là không kiểm soát được huyết áp, dễ bị tai biến.

Đông y không có khái niệm viêm khớp dạng thấp, chỉ có khái niệm về chứng tý hay phong thấp. Phong thấp không chỉ một mà chỉ nhiều bệnh về khớp. Bệnh do các các tác nhân gây hại (gọi là tà) như: gió (phong), lạnh (hàn), ẩm (thấp) xâm nhập vào cơ thể, ứ đọng mà sinh ra. Trong số này chỉ có phong thấp nhiệt tý gần tương đương với bệnh viêm khớp dạng thấp mô tả trong Tây y. Ngoài bài thuốc phong thấp nhiệt tý còn có các bài thuốc chữa phong tý, hàn tý, thấp tý khác. Các bài thuốc này dùng điều trị các bệnh về  khớp, mô tả không giống với các triệu chứng như mô  tả trong viêm khớp dang thấp theo Tây y và  cơ cấu các bài thuốc cũng khác với bài thuốc chữa phong thấp nhiệt tý; không thể dùng những bài thuốc này để chữa viêm khớp dạng thấp theo chẩn đoán của tây y.

Theo đó, việc thay hóa dược bằng thảo dược là phải có chọn lựa chứ không phải bệnh nào cũng thay được.

Người bệnh cần đến khám tại cơ sở  đông y để được khám và cho dùng thảo dược đúng. Ảnh: Thủy Nguyễn

Dùng thuốc có nguồn gốc thiên nhiên thế nào cho đúng?

Quản lý thảo dược có nước chặt có nước không chặt. Ngay cùng một loại thảo dược có nước cấm nhưng có nước không cấm. Nếu thảo dược ở trong sản phẩm thuốc đông y thì được quản lý chặt chẽ như sản phẩm tây y (công dụng và tiêu chuẩn phải được thử nghiệm và được cơ quan quản lý nhà nước duyệt) nhưng thảo dược ở trong sản phẩm thực phẩm chức năng thì quản lý không chặt bằng (nhà sản xuất tự công bố về công dụng tiêu chuẩn sản phẩm và tự chịu trách nhiệm). Hiểu được điều này để có mức độ cảnh giác thích hợp với từng loại thảo dược và sản phẩm từ thảo dược.

Trong nghiên cứu cần dựa vào kinh nghiệm cố truyền để tìm thảo dược hoạt chất có giá trị chữa bệnh dồng thời cập nhật các thông tin về tính độc hại của thảo dược.

Trong sản xuất, nếu không chứng minh được tính hiệu quả và tính an toàn của cách chế biến bào chế mới thì cần tôn trọng  các cách chế biến bào chế theo cách làm cổ truyền, chớ vội coi cách làm cổ là không khoa học, cầu kỳ mất thời gian không tiện áp dụng vào công nghệ.

Người bệnh cần đến khám tại cơ sở  đông y để được chẩn đoán luận trị và cho dùng thảo dược đúng. Muốn chuyển từ điều trị từ hóa dược sang thảo dược cần có ý kiến thầy thuốc. Đối với thuốc đông y đã chế sẵn thành sản phẩm khi mua dùng cũng cần hỏi kỹ thầy thuốc đông y có dùng cho trường hợp mình được không, tránh tự ý mua dùng hay mua làm quà cho người khác.


DS.CKII. BÙI VĂN UY
Ý kiến của bạn