Thanh xuân trong cơ thể và trong ý nghĩ

18-12-2015 01:17 | Thời sự
google news

SKĐS - Bước vào năm đầu của thế kỷ XXI, công trình thủy điện Sơn La mở ra, tôi cùng nhiều nhà báo đã được Công ty Khảo sát thiết kế điện 1, thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam mời đi tham quan nơi sẽ đặt nhà máy ở khu vực xã Ít Ong (Mường La, Sơn La).

Bước vào năm đầu của thế kỷ XXI, công trình thủy điện Sơn La mở ra, tôi cùng nhiều nhà báo đã được Công ty Khảo sát thiết kế điện 1, thuộc Tổng công ty Điện lực Việt Nam mời đi tham quan nơi sẽ đặt nhà máy ở khu vực xã Ít Ong (Mường La, Sơn La). Công ty đã có nhiều đóng góp trong khảo sát, thiết kế các công trình điện, đặc biệt với các nhà máy thủy điện lớn đã hoàn thành vào thời điểm đó, như: Hòa Bình, Trị An, Yaly, Thác Mơ... Người có trách nhiệm của Công ty cho chúng tôi biết: “Đây là một siêu dự án, công suất lớn gấp rưỡi Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Đầu năm 2001 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng chưa quyết định phương án xây dựng và Công ty đang hoàn tất báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Quốc hội vào cuối năm”. Anh em làm báo chúng tôi đều háo hức đi thực tế và tin chắc rằng chỉ ít ngày nữa sẽ chính thức khởi công công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

GS.TSKH. Phan Trường Thị đang nghiên cứu thực địa nơi sẽ đặt tuyến đập Nhà máy thủy điện Sơn La, đầu năm 2002.

Rồi vào dịp giáp Tết Nhâm Ngọ (2002). Tôi có người hàng xóm cùng khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội là GS.TSKH. Phan Trường Thị, thấy ông vừa đi công tác về, vẻ mặt đăm chiêu, tôi hỏi: “Bác đi Sơn La có gì vui không?”. Ông bảo: “Nhóm nghiên cứu của mình đã đi 3 tháng thực địa, ngoài việc hoàn thành bản đồ địa chất trong hồ sơ công trình, còn có một phát hiện mới, khá hệ trọng liên quan đến tuyến đập sẽ xây dựng...”.

Trước hết cần nói về người hàng xóm khả kính của tôi. Từ lâu GS. Phan Trường Thị vốn nổi tiếng trong giới địa chất nước ta bởi những đóng góp cho khoa học và sự say mê, tận tụy với nghề. Ông quê Phù Cát, Bình Định, thời trẻ là học sinh Trường quốc học Quy Nhơn, năm 1956 vào học khóa 1 Đại học Bách khoa, Hà Nội. Là học trò “cưng” của nhà địa chất đầu đàn - GS. Nguyễn Văn Chiển. Tốt nghiệp, ông được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Địa chất. Năm 1978, ông bảo vệ thành công học vị phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), 3 năm sau, ông hoàn thành xuất sắc luận văn tiến sĩ (nay là tiến sĩ khoa học) tại trường đại học tổng hợp danh tiếng mang tên nhà bác học Nga Lomonosov thuộc Liên bang Xô viết (cũ) về chuyên ngành thạch học. Sau này ông là tác giả của những bộ giáo trình thuộc dạng kinh điển như: Thạch luận, Quang tinh học, Thạch học các đá Magma, Thạch học các đá biến chất... Hơn nửa thế kỷ trong nghề, bàn chân ông in dấu trên mọi nẻo đường đất nước.

Ông là người đầu tiên phát hiện ra cấu trúc bóc vỏ của địa chất Tây Nghệ An và cũng là người đầu tiên tìm ra mỏ đồng lớn ở biên giới phía Bắc. Lần ấy, ông cùng học trò lấy mẫu đá ở suối Lũng Lô, thuộc tỉnh Lào Cai. Buổi sáng ngủ dậy, mọi người đang chuẩn bị đồ đạc đi tiếp thì ông ra bờ suối. Bỗng ông thấy bên kia suối có khối đá nhô ra phản chiếu tia nắng sớm với nhiều màu sắc lấp lánh, linh cảm nghề nghiệp mách bảo đấy là một loại khoáng chất và ông cầm búa bơi qua suối. Mỏ đồng Sinh Quyền, một mỏ lớn ở nước ta được phát hiện từ ngày hôm đó.

Chuyện ông phát hiện ra mỏ phóng xạ ở Quảng Nam cũng được anh em ngành địa chất đến giờ còn nhắc. Những năm 1986-1990, ông chủ trì đề tài xác lập cơ sở khoa học cho việc đánh giá tiềm năng các nguồn nguyên liệu hạt nhân (Mã số 50B-01-01/A). Ông đề xuất hướng tìm kiếm uranium trong địa khối Kon Tum chứ không phải Cao Bằng như trước đây và trực tiếp lãnh đạo một nhóm nghiên cứu đến một vùng thuộc tỉnh Quảng Nam. Tổng cục Địa chất ngày đó đang có kế hoạch thăm dò địa chất bằng máy bay ở vùng Phú Yên. Ông đến gặp đồng chí Trần Đức Lương, lúc ấy là Tổng Cục trưởng, đề nghị chuyển bay thăm dò ra vùng Quảng Nam. Rồi một cuộc thăm dò địa vật lý bằng máy bay được thực hiện, xác định có vùng quặng phóng xạ trữ lượng lớn tại hai nơi Tiên Sơn và Nông Sơn. Việc mới đây Nhà nước quyết định đặt nhà máy điện nguyên tử trong tương lai tại tỉnh Ninh Thuận, cũng có một lý do để gắn với vùng nguyên liệu uranium ở khu vực đã được phát hiện từ ngày ấy.

Ông cũng từng có duyên nợ với khảo sát địa chất cho công trình thủy điện. Ở Trị An vào những năm 80 thế kỷ XX, nền móng nhà máy trước đấy khảo sát còn sơ sài, chưa đạt yêu cầu. GS. Phan Trường Thị đứng đầu một nhóm tiến hành khảo sát lại, để lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/25.000, làm cơ sở khoa học cho phía Liên Xô thiết kế kỹ thuật, lựa chọn tuyến đập. Nhà máy thủy điện Trị An đã hoạt động được 25 năm nay, nền móng hoàn toàn ổn định. Lần này, ông được Nhà nước “đặt hàng”, cũng lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1/25.000 ở nơi sẽ đặt nhà máy thủy điện tương lai. Tôi tò mò muốn biết điều băn khoăn của ông. Ông đưa tôi vào phòng làm việc, giở ra các bản vẽ, tính toán cùng nhiều ảnh chụp tại thực địa và giảng giải, đã phát hiện một số hệ thống vết “đứt gãy đương đại” theo hướng Đông - Tây cắt ngang sông Đà, nơi sẽ đặt tuyến đập. Đây vốn nằm trong dải “đứt gãy sông Đà” từ hàng trăm triệu năm về trước, địa chất được coi là khá ổn định. Song, nếu thực sự có dấu hiệu của vết đứt gãy “trẻ” hơn, thì có nhiều điều cần tính toán lại, nhất là với chỉ số chiều cao đập liên quan đến dung tích hồ chứa để bảo đảm độ bền vững của công trình. Còn điều đáng lo ngại này nữa, áp lực do khối nước khổng lồ của hồ chứa nếu quá lớn, sẽ đè nặng lên phần vỏ trái đất nơi đặt nhà máy thủy điện, có thể gây động đất cục bộ. Theo ông, chiều cao đập như dự kiến (295m) là quá cao, có lợi về các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật nào đó, song độ an toàn thì chưa chắc đã là tối ưu. Nghe ông trình bày, tôi chợt nảy ra ý định phỏng vấn ông, đưa các suy nghĩ, nhận định của một nhà địa chất có uy tín ra công luận, để được bàn thảo rộng rãi, trước khi Nhà nước có quyết định cuối cùng. Ông nhất trí ngay.

GS trong phòng thí nghiệm về thạch học ở Hà Nội.

Thực ra lúc đó tôi cũng hiểu cách làm như vậy là “mất lòng” người bạn lâu năm của mình, vì phương án “cao” đã được đơn vị khảo sát thiết kế công phu tính toán, chỉ còn chờ Quốc hội thông qua. Song, độ an toàn tuyệt đối của công trình là mục tiêu tối thượng, phương án này cần phải được tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa của các nhà chuyên môn, nhà quản lý. Vậy là chỉ ít lâu sau cuộc gặp với GS. Phan Trường Thị, báo đã đăng bài phỏng vấn ông. Sự việc bài báo nêu lúc đó mang tính thời sự đặc biệt nhạy cảm. Bộ trưởng Bộ Năng lượng, TS. Thái Phụng Nê, một nhà thiết kế thủy điện dày dạn kinh nghiệm, đã đọc bài báo và yêu cầu cơ quan khảo sát thiết kế điện tính toán, cân nhắc lại. Sức lan tỏa của bài báo còn đến với kỳ họp của Quốc hội khóa XI, ông Bộ trưởng đã có phiên trả lời chất vấn về vấn đề bài báo nêu. Ngày khởi công công trình bị hoãn lại. Có thêm nhiều cuộc hội thảo khoa học, các nhà khoa học liên ngành tranh luận, bàn thảo “nát nước”. Đến giữa năm 2004, tức là lùi lại sau 2 năm so với tiến độ đặt ra ban đầu, Quốc hội mới chính thức thông qua phương án được điều chỉnh từ “cao” xuống “thấp”. Chiều cao đập còn 215 - 230m, dung tích hồ chứa trên dưới 9 tỷ m3 nước. Và công trình thủy điện Sơn La đã được chính thức khởi công ngày 2/12/2005. Hoàn thành sau 7 năm xây dựng, sớm hơn dự kiến 3 năm.

Sau này, GS. Phan Trường Thị chuyển nhà về khu Trung Tự (Hà Nội), thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp, trò chuyện cùng ông. Những năm tháng trong ngành địa chất lội suối trèo đèo đã rèn cho ông sức khỏe dẻo dai và thói quen nghiên cứu, làm việc liên tục, dường như lúc nào ông cũng bận rộn. Nghỉ hưu ông lập ra Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt, thuộc Tổng hội Địa chất. Các công việc thường nhật choán hết thời gian của ông, như những việc kiểm định đá quý, kim cương; hướng dẫn nghiên cứu sinh hay làm phản biện trong các buổi bảo vệ luận án cao học... Đến một ngày ông đi khám định kỳ phát hiện đã mắc bệnh đái tháo đường và mỡ máu cao. Ông không nghỉ hẳn, chỉ uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ và tiết chế hơn trong ăn uống. Hàng ngày vào buổi sáng, ông tự tập khí công dưỡng sinh. Gần đây thấy vùng ngực có những biểu hiện bất thường, ông vào khám ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô và các thầy thuốc đã “tặng” cho trái tim nhà địa chất... 2 stent. Cuộc đặt stent thành công, chỉ vài ngày sau ông xuất viện. Tôi đến thăm, thấy ông vẫn có mặt tại nhiệm sở Viện Đá quý ở phố Tuệ Tĩnh. Ông đưa tôi cuốn sách mới nhất do ông chủ biên, bìa cứng, trình bày rất bắt mắt: “Đá quý và trang sức” (NXB Thông tin và Truyền thông 2015, viết cùng con trai Phan Trường Định và cô học trò vừa bảo vệ thành công học vị thạc sĩ Lê Thị Kim Sinh). Lời mở đầu ông viết với sự dí dỏm thường thấy: “Tính đa dạng về hình học, màu sắc, chủng loại của hàng trăm loại đá quý khác nhau trong thiên nhiên dễ dẫn độc giả vào một cuộc triển lãm, rồi trầm trồ: Ồ đá quý đẹp quá! Song cuốn sách này còn tạo ra những mê cung cho độc giả rơi vào, để đến lúc chợt nhận thức ra rằng con đường ngọc học thật gian truân, đòi hỏi động não, đam mê, cũng đầy bí ẩn như bất cứ ngành khoa học nào...”.

Năm nay nhà thạch học danh tiếng Phan Trường Thị đã tròn 80 tuổi. Nom cung cách ông làm việc khẩn trương và miệt mài, dường như trong ông vẫn còn sót lại sức thanh xuân đầy sáng tạo, đam mê thuở nào, bởi ông thuộc típ người lạc quan và luôn có ý thức vượt qua bệnh tật để làm được nhiều việc có ích cho đời.


Bài và ảnh: Phạm Đào Ly
Ý kiến của bạn